Sinh viên miền Tây làm hệ thống tưới tiêu thông minh

Thứ năm - 17/03/2022 22:43 0

Sản phẩm hệ thống tưới tiêu thông minh trồng rau kết hợp nuôi cá của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ vừa giành giải nhất cuộc thi ‘Từ sáng tạo đến thị trường’ (MEP) do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức.

Sinh viên miền Tây làm hệ thống tưới tiêu thông minh - Ảnh 1.

Một hộ dân ở Cần Thơ sử dụng hệ thống tưới tiêu của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ - Ảnh: CTV

Ngày 11-3, 13 đội sinh viên từ nhiều trường đại học lớn chuyên về kỹ thuật trên cả nước đã tham gia buổi chung kết cuộc thi MEP. Sự kiện được tổ chức theo hình thức gọi vốn trước những nhà đầu tư tiềm năng.

Hệ thống quản lý nông nghiệp thông minh (FMS), sản phẩm của nhóm 5 sinh viên Đại học Cần Thơ, đã giành giải nhất, được các chuyên gia đánh giá cao về tính thực tiễn và khả năng áp dụng đại trà.

Nguyễn Đại Nghĩa (21 tuổi) - sinh viên năm 3 ngành kỹ thuật cơ điện tử, Đại học Cần Thơ, trưởng nhóm nghiên cứu - chia sẻ FMS gồm nhiều thiết bị có thể tự động điều chỉnh hệ thống tưới tiêu từ xa.

Nghĩa cho biết hiện nay mô hình nuôi cá kết hợp với trồng rau rất phổ biến. Tuy nhiên, phần lớn người dân thường điều khiển hệ thống theo cách truyền thống là cắm điện cho máy bơm chạy.

Với FMS, họ có thể điều khiển ngay trên điện thoại. Hệ thống cũng tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện năng mà không cần đến nguồn điện bình thường.

"Ngoài ra tụi mình cũng thêm vào những cảm biến giúp đo chất lượng của nước và đất. Người dùng có thể được cảnh báo khi nước và đất đến lúc phải thay mới", Nghĩa nói.

Sau hơn 1 năm nghiên cứu và phát triển, hệ thống của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ này đã tiếp cận được một số khách hàng đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong sự kiện MEP, một số nhà đầu tư cũng ngỏ ý sẽ góp vốn đầu tư cho dự án.

Sinh viên miền Tây làm hệ thống tưới tiêu thông minh - Ảnh 2.

Nhóm 5 sinh viên Đại học Cần Thơ trình bày dự án trong MEP ngày 11-3 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

MEP năm 2022 quy tụ hơn 100 sinh viên ngành kỹ thuật và khách mời trên khắp Việt Nam.

Ngoài hệ thống FMS, một số sản phẩm cũng được đánh giá cao như áo phao cứu hộ của nhóm sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, máy tái chế thực phẩm của nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).

MEP là hoạt động nằm trong dự án "Thúc đẩy hợp tác trường đại học - doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ", được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Đại học bang Arizona và Chương trình STEM của Dow Việt Nam.

Ông Alex Tatsis, quyền phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, chia sẻ dự án BUILD-IT và Chính phủ Mỹ đã làm việc song song với các đối tác chính phủ - doanh nghiệp - nhà trường để khởi xướng các quan hệ đối tác công - tư nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong giáo dục đại học và xã hội Việt Nam.

"Những chương trình như thế thúc đẩy giáo dục khối ngành kỹ thuật vượt ra khỏi chuyện học tập nặng lý thuyết thông thường bằng cách dẫn dắt sinh viên tạo sản phẩm mới và đưa sáng tạo đó ra thị trường", ông Alex Tatsis nói.
PD (TH)

Nguồn tin: ngheandost.gov.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2580
  • Hôm nay78,690
  • Tháng hiện tại970,155
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây