Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị KHCN và ĐMST thường niên năm 2023

Thứ bảy - 29/07/2023 21:20 0
Hội nghị nhằm triển khai chiến lược, kế hoạch và tập trung triển khai một số chính sách mang tính đột phá, như: Đầu tư cho phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ công bố quốc tế; hỗ trợ cán bộ nghiên cứu trẻ; thu hút nhà khoa học xuất sắc về làm việc tại ĐHQG Hà Nội; hỗ trợ hợp tác song phương và đa phương cho các dự án hợp tác quốc tế lớn và cho các đối tác cùng đầu tư kinh phí; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp spin-off; thưởng cho nhà khoa học xuất sắc và thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp/phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao KHCN.
Trong Chiến lược Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 của ĐHQG Hà Nội đã xác dịnh "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng, động lực cho sự phát triển của ĐHQG Hà Nội". Đến năm 2030, hoạt động Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của nhà trường đóng vai trò nòng cốt, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQG Hà Nội thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới, tham gia giải quyết một số thách thức và cấp bách của quốc gia. Để hiện thực hóa, mục tiêu quan trọng này trong bối cảnh mới, ĐHQG Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tập trung huy động các nguồn lực tổng thể để thực hiện thành công các chỉ tiêu KH&CN trong Chiến lược KHCN&ĐMST.
Theo Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân, năm 2023 được trường xác định là năm đột phá về hoạt động KH&CN. Bên cạnh những chính sách về KH&CN đã ban hành và triển khai trong thời gian qua, ĐHQG Hà Nội tập trung phát triển các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm KHCN, tháo gỡ vướng mắc về việc thành lập doanh nghiệp KH&CN.
Với định hướng phát triển KH&CN tạo động lực gia tăng các chỉ số phát triển bền vững, ĐHQG Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học, tạo động lực thúc đẩy phát triển các tiềm lực KHCN&ĐMST. Các chính sách của đơn vị đưa ra theo hướng đầu tư tập trung "vun cao", ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu có công bố tốt và các chương trình/đề tài KH&CN trọng điểm quốc gia. Định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm liên ngành đã và đang được tăng cường, đặc biệt là chiến lược phát triển hệ thống phòng thí nghiệm liên ngành tại khu 22,9 ha ở Hòa Lạc để đổi mới việc tổ chức nghiên cứu gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tới tạo ra các nghiên cứu tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước và các sản phẩm KH&CN ứng dụng trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, ĐHQG Hà Nội cũng đã ban hành chủ trương hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học trẻ. Đây là một trong những chính sách đột phá nhằm nâng cao thu nhập cho cán bộ khoa học trẻ yên tâm công tác, tập trung vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học để tăng số lượng, chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học, góp phần gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của trường. Trong giai đoạn mới, ĐHQG Hà Nội tiếp tục thực hiện các chính sách hiệu quả đã được thực thi. Trong đó, các nhà khoa học được ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển, đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển phòng thí nghiệm cho nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện dòng sản phẩm KH&CN ưu tiên của đơn vị; được tạo điều kiện tiếp cận thông tin, cơ sở dữ liệu về KH&CN để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.
Tại hội nghị, ĐHQG Hà Nội đã công bố danh sách 9 phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQG Hà Nội giai đoạn 2023-2028, 30 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQG Hà Nội; công bố hỗ trợ 6 nhóm nghiên cứu mạnh/phòng thí nghiệm trọng điểm nhằm phát triển sản phẩm; công bố hỗ trợ 8 nhà khoa học có công bố xuất sắc và thu hút nhà khoa học về làm việc tại trường.
Hoàng Minh(TH)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập639
  • Hôm nay26,958
  • Tháng hiện tại204,140
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây