Khơi thông nguồn dữ liệu phát triển công nghệ

Thứ hai - 17/10/2022 22:29 0

Giữ vị trí 179 trong số các thành phố có môi trường đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tốt nhất toàn cầu nhưng TP.HCM vẫn đang đối diện với nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông để việc áp dụng khoa học công nghệ thực sự góp sức cho sự phát triển.


Khơi thông nguồn dữ liệu phát triển công nghệ - Ảnh 1.

Khách tham quan triển lãm trải nghiệm công nghệ giám sát của TCOM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Trong hai ngày 13 và 14-10, Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp 2022 (WHISE) được UBND TP.HCM tổ chức với hàng chục hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP.HCM.

Sức ép bủa vây

TCOM là một trong nhiều đơn vị có cơ hội trình bày sản phẩm mới tại triển lãm WHISE 2022 với công nghệ giám sát lớp học, kết nối phụ huynh và thầy cô. 

Ông Đinh Quốc Cường - giám đốc điều hành TCOM - chia sẻ nhóm của ông bắt đầu ý tưởng phần mềm này từ sau sự cố bỏ quên học sinh trên xe đưa đón tại Hà Nội (2019), tuy vậy chưa phát triển được nhiều thì phải tạm ngưng do dịch COVID-19. 

Từ khi cuộc sống trở lại bình thường, nhóm tái khởi động triển khai và chỉ trong thời gian ngắn, sản phẩm đã hình thành và áp dụng ở một số trường tư thục.

Ngay cả ông Cường cũng bất ngờ với tốc độ phát triển các sản phẩm công nghệ không chỉ của công ty ông, mà còn của nhiều start-up khoa học công nghệ khác. Sức ép đổi mới sáng tạo lớn hơn đáng kể trước sự cạnh tranh gấp rút giữa các bên để cho ra những giải pháp công nghệ mới.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lượng - giám đốc Công ty giải pháp phần mềm Chips - cho biết hiện tại một thách thức cho các bên tham gia đổi mới sáng tạo là "niềm tin". Nhiều doanh nghiệp sau dịch rất đắn đo khi bỏ tiền cho khoa học, công nghệ. Trước những khó khăn về nguồn vốn, họ đặt những câu hỏi: Liệu bỏ cả trăm triệu cho một công nghệ mới có thật sự đem lại lợi ích hay không?

Đâu là điểm nghẽn?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - chia sẻ để tăng tốc đổi mới sáng tạo của TP, trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ sẽ cùng với các bên liên quan đi vào những đầu việc cho từng khu vực cụ thể. Mỗi khu vực đều sẽ có những bài toán khác nhau. 

Chẳng hạn trong khu vực công, khó khăn lớn nhất là ít tiềm lực tài chính, chưa thật sự am hiểu về đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp đa số là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, năng lực còn yếu…

Vì vậy theo ông Dũng, những sự hỗ trợ của TP áp dụng cho từng lĩnh vực cụ thể sẽ phải khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, vai trò của TP sẽ là đơn vị kết nối các bên liên quan, giữa những đơn vị có nhu cầu đổi mới sáng tạo và bên có thể giải quyết.

Ông Tan Kim Leng - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) - cho rằng trong quá trình phát triển đổi mới sáng tạo của TP.HCM hiện nay, một trong những điểm cần khai thông trước tiên là nguồn dữ liệu. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những start-up, muốn phát triển công nghệ giải quyết những bài toán thực tế luôn cần nguồn dữ liệu.

Theo ông Tan Kim Leng, TP có thể tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo bằng cách cung cấp những bộ dữ liệu chuẩn hóa, đồng bộ, tích hợp và liên thông. Khi cần sử dụng, các công ty, chuyên gia hay người dân có thể truy cập thuận tiện.

TS Phan Quang Tuấn - giám đốc văn phòng đại diện Đại học Hong Kong tại Việt Nam - nhìn nhận một mắt xích còn yếu là các trường đại học. Theo ông Tuấn, các đại học luôn giữ vai trò then chốt trong đổi mới sáng tạo ở các nước phát triển bởi sở hữu nguồn lực con người lẫn trang thiết bị. 

Tuy nhiên, dường như các trường đại học ở TP.HCM chưa thật sự có nhiều dự án đóng góp nhiều giá trị trong thực tiễn cũng như chưa thể là nơi mà các doanh nghiệp bất cứ khi nào có nhu cầu đổi mới sáng tạo đều có thể tìm đến để có những ý tưởng, giải pháp mới.

Nguồn tin: tuoitre.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2754
  • Hôm nay187,118
  • Tháng hiện tại1,078,583
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây