Mô hình trồng xen canh cây họ đậu (cây lạc) trong vườn sắn và giải pháp nhân rộng mô hinh trên địa bàn huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An

Thứ ba - 30/08/2022 21:31 0
a1Huyện Anh Sơn có diện tích trồng Sắn gần 1000 ha phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty CP Á Châu Hoa Sơn, những năm gần đây sản lượng sắn không cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy. Nguyên nhân là vì đất đã bị bạc màu cằn cỗi do sản xuất liên tục nhiều năm liền, bệnh khảm lá sắn xuất hiện và gây hại ngày càng nặng nên năng suất sắn thấp, sản lượng sắn không đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, thu nhập trên đơn vị diện tích của người dân bị cũng bị giảm sút. Trước tình hình đó huyện Anh Sơn đã xây dựng dựng mô hình “Ứng dụng tiến bộ KHCN trồng xen canh cây họ đậu (cây lạc) trong vườn sắn” nhằm từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân, hướng đến việc canh tác theo hướng xen canh giúp cải tạo độ phì, độ pH cho đất, cải tạo độ mùn trong đất để tăng năng suất cho cây sắn. Đồng thời nâng cao nhận thức của người nông dân trong canh tác sắn theo hướng sản xuất bền vững, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích phục vụ sản xuất và đời sống cho nông dân và đáp ứng nguyên liệu hàng hoá cho doanh nghiệp.
Vụ xuân năm 2022, UBND huyện Anh Sơn đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và  Hạ tầng phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức triển khai thực hiện mô hình trồng xen canh cây lạc L14 và giống sắn KM 94 tại xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn với quy mô 5 ha. Tổng kinh phí đầu tư là 141.395.600 trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học hỗ trợ 70.995.600 các hộ dân đối ứng 70.400.000 đồng.
Với mục tiêu xây dựng thành công mô hình trồng xen canh cây họ Đậu trong vườn sắn tại huyện Anh Sơn, năng suất sắn đạt khoảng 35-40 tấn/ha, năng suất lạc đạt khoảng 2 tấn/ha. Để triển khai mô hình, đơn vị đã tổ chức điều tra, khảo sát các điểm tại xã Thành Sơn, qua đó đã lựa chọn được 01 điểm triển khai mô hình với quy mô 05ha. Khu vực xây dựng mô hình có địa điểm thuận lợi, đất đai phù hợp, gần đường giao thông. Tiến hành và lựa chọn được 08 hộ dân đảm bảo các tiêu chí tham gia mô hình, có đủ nhân lực lao động, có đất sản xuất tập trung, có trình độ canh tác đáp ứng yêu cầu của mô hình. Các hộ dân được lựa chọn tham gia có đủ nhân lực lao động, đất sản xuất, các điều kiện đối ứng khác và rất nhiệt tình tham gia triển khai mô hình.
Kết quả triển khai mô hình cho thấy, lạc trồng xen trong vườn sắn có đủ độ ẩm nên thời gian mọc mầm đảm bảo, dao động từ 10 -12 ngày bắt đầu mọc mầm. Tỷ lệ nảy mầm và tỷ lệ sống trung bình tương đối cao và ổn định (>90%). Lạc có mức độ phân cành khá, chiều cao cây đạt mức tương đối so với đặc điểm chung của giống trong thời gian sinh trưởng trung bình từ 115-120 ngày. Như vậy, việc trồng xen lạc trong vườn sắn hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây sắn cũng như không xảy ra tranh chấp về ánh sáng, dinh dưỡng giữa cây lạc với cây sắn ở giai đoạn đầu. Kỹ thuật trồng xen canh cây lạc, cây họ đậu trong vườn sắn là phương pháp hữu hiệu để tăng năng suất lạc, năng suất sắn và đặc biệt việc cải tạo đất giúp cho sản xuất sắn ngày càng hiệu quả và bền vững hơn.
Thực tế đánh giá về sinh trưởng - phát triển của cây sắn trong mô hình cho thấy: Giống sắn sử dụng trong 05 ha mô hình gồm có 2 nguồn, bao gồm: 02 ha là giống sắn KM94 các hộ dân sử dụng giống chọn tại địa phương; 03 ha là giống sắn KM94 được công ty CP Á Châu Hoa Sơn hỗ trợ lấy giống từ vùng nguyên liệu sắn sạch bệnh tại huyện Tương Dương. Hiện nay, giống sắn do bà con chủ động tại địa phương bị nhiểm bệnh khảm nặng hơn và sinh trưởng phát triển kém hơn giống sắn được cung cấp từ vùng sạch bệnh ở Tương dương về. Sắn mô hình đến tháng 12 năm 2022 mới cho thu hoạch sản phẩm.
Kết quả, lạc sau trồng được gần 4 tháng cho thu hoạch, năng suất đạt trên 16 tạ/ha, với giá lạc vỏ bán hiện tại là 37.000đ/kg thì cho tăng thêm thu nhập 59 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu về đạt trên 48 triệu đồng/ha. Lạc trồng xen trong vườn sắn nhiễm sâu bệnh hại ở mức trung bình khá. Các bệnh héo xanh, đốm nâu, rỉ sắt ở cấp độ 1-2. Sâu phá hoại chủ yếu là sâu ăn lá và sâu đục quả ở mức trung bình. Điều này cho thấy, việc xen canh cây họ đậu không làm gia tăng sâu bệnh hại trên cả hai đối tượng cây trồng chính và cây trồng xen.
a2
Thông qua việc triển khai xây dựng mô hình phát triển kinh tế, các tiến bộ kỹ thuật mới đã được chuyển giao, ứng dụng góp phần tăng năng suất, sản lượng, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Qua đánh giá, mô hình đã được triển khai đã mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với tập quán sản xuất tại địa phương bấy lâu nay. Mô hình đem lại hiệu quả vượt trội và tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sồng cho người sản xuất, đồng thời tương lai sẽ được các hộ nông dân và địa phương có lợi thế học tập áp dụng phát triển rộng rãi. Thông qua mô hình đất đai, phân bón, rác thải đã được sử dụng một cách hợp lý. Mô hình “Trồng xen canh cây họ đậu trong vườn sắn” áp dụng phương pháp xen canh cây lạc…với việc cải tạo đất đai, hạn chế cỏ dại, phủ đất tăng độ ẩm, giảm công lao động, tăng hiệu quả kép, lấy ngắn nuôi dài … đã góp phần tích cực trong nâng cao hiệu quả sản xuất/đơn vị diện tích, bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường …

Kết quả trên cho thấy mô hình “Trồng xen canh cây họ đậu (cây lạc) trong vườn sắn” với diện tích 5ha. Sau gần 4 tháng trồng, sản lượng Lạc thu được trên 8 tấn, đạt năng suất trên 1,6 tấn/ha, giá bán 37.000.000 đồng/tấn, người dân có thêm nguồn thu lợi nhuận khoảng 53 triệu đồng/ha/vụ, bao gồm lợi nhuận từ cây lạc được trồng xen canh là hơn 48.600.000 đồng/ha và sau hơn 10 tháng cây sắn cho thu hoạch lợi nhuận tăng thêm từ đạt khoáng: 4.500.000 đồng/ha (10%).  Hơn nữa việc trồng xen canh trong vườn sắn không những làm cho đất tơi xốp và màu mỡ trở lại mà còn giữ được độ ẩm của ruộng, hạn chế cỏ dại, giúp cây sắn phát triển tốt hơn…
Về hiệu quả xã hội, mô hình triển khai đã tạo thêm việc làm tại chỗ cho các hộ, tạo ra bước đột phá trong việc thay đổi tập quán, thay đổi phương thức, cách suy nghĩ của người dân về thu nhập thấp của sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã thúc đẩy nhiều hộ nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư sản xuất với quy mô lớn theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập và hướng tới làm giàu. Ngoài ra, việc triển khai và nhân rộng mô hình cũng đã tạo được công ăn việc làm cho một lực lượng lớn lao động, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn. Thông qua mô hình, các hộ được tiếp cận với các tiến bộ KHKT, được cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy mối quan hệ trong cộng đồng ngày càng được nâng cao.
Mô hình thành công sẽ có sức lan tỏa, ngoài những hộ tham gia mô hình, việc nhân rộng mô hình cho các hộ quan tâm và các địa phương trên địa bàn huyện thời gian tới sẽ gặp nhiều thuận lợi, giúp giải quyết thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ và góp phần xây dựng nông thôn mới. 
Mô hình trồng xen canh cây họ đậu (cây lạc) trong vườn sắn trên địa bàn huyện Anh Sơn năm 2022 đã được triển khai thực hiện. Các chỉ tiêu về kinh tế, kỹ thuật đã được thực hiện đầy đủ về số lượng, chất lượng theo dự toán và yêu cầu của mô hình. Mô hình được triển khai đã góp phần cải tạo đất để đưa vào sử dụng hiệu quả lâu dài, thay đổi được tập quán, quy trình sản xuất, lựa chọn các giống cây trồng có chất lượng cao… từ đó tạo ra giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Việc xây dựng mô hình kinh tế cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Hộ gia đình đã dám nghĩ, dám làm, tìm tòi, thử nghiệm và nhân rộng các công thức xen canh mới, phá vỡ thế độc canh cây công nghiệp, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Mô hình “Trồng xen canh cây lạc trong vườn sắn” với diện tích 5ha cho hiệu quả kinh tế tăng thêm trên 53 triệu đồng/ha. Mô hình thực sự đã mở ra hướng sản xuất mới cho bà con trồng sắn trong việc nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần thay đổi dần nhận thức độc canh truyền thống của người nông dân. Từ hiệu quả trên, mô hình có thể sẽ được nhân ra trên diện rộng đối với vùng địa phương có lợi thế về đất đai và khí hậu. Mô hình khẳng định sản phẩm có giá trị nâng cao nhận thức cho cán bộ nông nghiệp, người dân trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Thời gian tới, Anh Sơn hy vọng các cấp, các ngành và các địa phương liên quan tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về hiệu quả đạt được của mô hình để người dân tiếp cận, áp dụng, làm cầu nối, giới thiệu giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời có các chính sách phù hợp để nhân rộng mô hình nhằm giúp bà con nhân dân áp dụng, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, cải thiện cuộc sống... và hỗ trợ triển khai xây dựng mô hình ở các địa phương khác trên địa bàn của huyện./.
Nguyễn Hữu Thìn - UBND huyện Anh Sơn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập924
  • Hôm nay65,507
  • Tháng hiện tại674,264
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây