Bộ Công Thương đang soạn thảo chính sách khung ở tầm vĩ mô phát triển điện năng lượng mặt trời (thuế, phí, cơ chế đấu nối, thủ tục,...). Với tiềm năng của mình, tỉnh Nghệ An cũng có thể phát triển mạnh nguồn năng lượng này.
Tại Hội nghị COP26, tổ chức ở Glasgow - Scotland, Vương quốc Anh (tháng 11/2021), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050. Một trong những biện pháp đạt được mức Net Zero là phát triển năng lượng tái tạo thay thế dần năng lượng sử dụng hóa thạch (than, dầu, khí), trong đó có năng lượng mặt trời.
Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ phê duyệt, khẳng định mục tiêu sản lượng điện sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2030 đạt tỷ lệ 30,9- 39,2%, đến năm 2050 đạt 67,5 - 71,5%. Đặc biệt là đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời áp mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Việt Nam nằm ở vị trí địa lý có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng mặt trời với thời gian nắng bình quân năm đạt 1.700 - 2.500 giờ, cường độ bức xạ mặt trời bình quân 4,6kwh/m2/ngày.
Ngoài Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ có điều kiện ở mức rất tốt, thì Nghệ An cũng như các tỉnh Bắc Trung Bộ có điều kiện tốt để phát triển điện năng lượng mặt trời với thời gian nắng trong năm đạt 1.700 - 2.000h và cường độ bức xạ mặt trời đạt 4,6 - 5,2kwh/m2/ngày, cao hơn bình quân cả nước, gần tương đương với Nam Bộ (xem bảng 1). Trong đó, tổng bức xạ mặt trời ở mức cao trong 9 tháng (từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm - xem bảng 2).
Có thể nói đây là tiềm năng rất lớn cho Nghệ An phát triển điện năng lượng mặt trời. Trong khi đó, Nghệ An là một tỉnh dân đông, diện tích lớn, mật độ dân cư thấp ảnh hưởng đến khâu truyền tải điện. Hơn nữa, trong những năm tới, với sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhu cầu điện tiêu thụ sẽ có sự phát triển đột biến. Việc phát triển điện năng lượng mặt trời, trong đó có sử dụng áp mái là giải pháp hữu hiệu để góp phần giảm áp lực thiếu điện, phục vụ định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Hơn nữa, doanh nghiệp, tổ chức, các hộ gia đình đầu tư điện năng lượng mặt trời áp mái ngoài việc giảm công suất mua từ điện lưới mà còn giảm chi phí tiền điện do được mua giá thấp (do giá bậc thang và giá theo thời điểm), cũng như giảm giá thành do tận dụng kết cấu mái nhà sẵn có.
Từ những vấn đề trên, bên cạnh việc Bộ Công Thương đang soạn thảo chính sách khung ở tầm vĩ mô phát triển điện năng lượng mặt trời (thuế, phí, cơ chế đấu nối, thủ tục,...), tỉnh Nghệ An nên quan tâm một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, tiếp tục mở rộng chính sách hỗ trợ nông dân lắp đặt thiết bị sản xuất điện mặt trời phục vụ tưới nước trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản góp phần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thứ hai, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về tác dụng, hiệu quả của việc phát triển năng lượng tái tạo nói chung, phát triển điện năng lượng mặt trời nói riêng.
Thứ ba, chủ động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp và các hộ gia đình lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái ở các công sở (bao gồm cả cơ quan hành chính, sự nghiệp); mái trụ sở, mái nhà xưởng, nhà hàng, khách sạn đối với các doanh nghiệp; mái nhà ở đối với nhà dân để tự sản xuất tự tiêu thụ. Bao gồm:
Chính sách hỗ trợ một phần chi phí lắp đặt đối với người dân (tối đa 30%) với loại thiết bị có giá trung bình trên thị trường; Chính sách hỗ trợ một phần lãi suất tiền đầu tư đối với doanh nghiệp, hợp tác xã trong 3 năm đầu (tối đa 50%); Quy định lắp đặt điện năng lượng mặt trời trên mái đối với các công trình xây mới của các tổ chức, doanh nghiệp; Bố trí kinh phí hằng năm để đầu tư lắp đặt thiết bị sản xuất điện năng lượng mặt trời áp mái cho các tổ chức đơn vị hành chính, sự nghiệp (trong đó ưu tiên cho các đơn vị sự nghiệp trước, đơn vị hành chính sau). Lấy chi phí tiền điện tiết kiệm được của các đơn vị lắp trước để tái đầu tư cho các đơn vị sau; Ban hành quy chuẩn địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp, lắp đặt thiết bị, và nhằm đơn giản hóa thủ tục thẩm định kỹ thuật cũng như công tác phòng chống cháy nổ.
UBND tỉnh giao cho đơn vị có chức năng thu thập số liệu ngày/giờ nắng trong năm, bức xạ mặt trời của từng vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh để tư vấn đầu tư có hiệu quả. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn hướng dẫn cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu lắp đặt về quy mô công suất phù hợp với công suất tiêu thụ, thời điểm sử dụng thiết bị điện nhiều (ngày hay đêm), cũng như sử dụng thiết bị tích điện hay không...
Chúng ta đang hướng đến một nền kinh tế xanh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như sống có trách nhiệm với con cháu mai sau. Việc phát triển năng lượng tái tạo góp phần thực hiện mục tiêu đó. Việc lắp đặt hệ thống thiết bị sản xuất điện năng lượng mặt trời trên mái là huy động nguồn lực của cả cộng đồng xã hội, một việc làm “vừa ích nước, vừa lợi nhà”, vừa góp phần xây dựng môi trường sống trong sạch và góp phần thu hút nguồn “đầu tư xanh” về với Nghệ An.
Nguồn tin: baonghean.vn
Ý kiến bạn đọc