PHÁT TRIỂN VÙNG KINH TẾ ĐỘNG LỰC VÀ GỢI Ý ĐỐI VỚI VÙNG HOÀNG MAI - QUỲNH LƯU NGHỆ AN

Chủ nhật - 29/01/2023 21:39 0
Phát triển vùng là vấn đề có vị trí rất quan trọng trong quản lý phát triển ở nước ta cũng như trên thế giới. Trên thực tế đã có nhiều chính sách được ban hành và tổ chức thực hiện nhằm phát triển vùng. Quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ cùng với yêu cầu về phát triển bền vững đòi hỏi phát triển vùng cần có những đổi mới. Phát triển vùng cần đặt trong bối cảnh phát triển chung của quốc gia/thế giới nhằm thúc đẩy tính liên kết trong vùng cũng như giữa các vùng để phát huy lợi thế của vùng đồng thời tối ưu nguồn lực phát triển chung hướng tới mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững.
Phát triển vùng kinh tế động lực là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm hiện thực quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Để phát triển vùng kinh tế động lực trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh và đi đầu trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực và tạo sự lan tỏa và động lực cho quá trình phát triển của địa phương nói riêng và cả nước nói chung, cần có sự thay đổi trong nhận thức, quan điểm cũng như các chính sách đề xuất.
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển vùng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách về phát triển vùng. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2011-2020 đã đề cập đến hai định hướng ưu tiên trong phát triển vùng là: “Thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực và tác động lan tỏa đến các vùng khác” và “Đồng thời tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn”. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng xác định: “Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng và bố trí nguồn lực nhằm phát huy lợi thế vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới cơ chế quản lý, mô hình phát triển của các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch gắn với đô thị hóa trở thành động lực phát triển vùng. Tập trung xây dựng các hành lang kinh tế trọng điểm, thúc đẩy liên kết, hội nhập quốc tế và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại các vùng trọng điểm. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giá trị lịch sử, truyền thống”.
Ngày 25/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó có đề ra một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm và đột phát phát triển quốc gia là “Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu lôi kéo sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao”.
Có thể thấy phát triển vùng động lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương và cho cả nước, điều này đã được khẳng định bằng quyết tâm của hệ thống chính trị thể hiện rõ thông qua các văn bản pháp luật. Trên thực tế, việc phát triển các vùng động lực (hay còn gọi là vùng kinh tế trọng điểm) ở các địa phương trên cả nước đã mang lại những kết quả tích cực giúp nâng cao đời sống người dân, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Các vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta sau hơn hai mươi năm hình thành và phát triển đã có những bước phát triển mới, thể hiện ở khía cạnh tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mạng lưới kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư,… Kinh tế các vùng kinh tế trọng điểm đã đạt được một số kết quả nhất định, thực sự trở thành những trung tâm kinh tế, cung cấp dịch vụ, tạo việc làm cho các địa phương trên cả nước. Mặc dù vậy, quy mô tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các địa phương trong nội vùng cũng như giữa các vùng chưa đều và chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của các vùng và chưa tạo động lực sức cạnh tranh cho sự phát triển vùng (Tổng cục thống kê, 2019).
Theo Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh Bắc Nghệ đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025, Nam Thanh Bắc Nghệ là khu vực kinh tế động lực của hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Trong đó, Hoàng Mai - Quỳnh Lưu là khu vực kinh tế động lực của Nghệ An với tính chất đô thị là công nghiệp - thương mại, dịch vụ - du lịch. Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai thực hiện sự phát triển của vùng vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế của vùng. Để phát triển kinh tế vùng động lực Hoàng Mai - Quỳnh Lưu cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm phát triển các địa phương khác đồng thời phát huy hơn nữa thế mạnh của mình đảm bảo vai trò là khu vực kinh tế động lực của vùng Nam Thanh Bắc Nghệ.


Hội thảo khoa học “Luận cứ phát triển kinh tế vùng (Quỳnh Lưu, Hoàng Mai gắn với Nam Thanh Hóa và Tây Bắc Nghệ An)
  1. Cơ sở lý luận về phát triển vùng động lực
Phát triển vùng là sự phát triển ở một khu vực nhất định bao gồm sự phát triển cả kinh tế và xã hội. Phát triển vùng được đo lường không chỉ thông qua thu nhập, số lượng việc làm, xu hướng dân cư ở một khu vực nhất định mà còn là sự đổi mới, sáng tạo tập trung ở vùng đó (Bærenholdt, 2009). Theo Nijkamp and Abreu (2009), phát triển vùng là một khái niệm đa chiều cạnh với sự đa dạng về kinh tế - xã hội được xác định bởi nhiều yếu tố như nguồn lực tự nhiên của vùng, chất lượng và số lượng lao động, nguồn vốn và khả năng tiếp cận vốn, hiệu quả và chi phí đầu tư, văn hóa và thái độ trong kinh doanh, các cơ sở hạ tầng hiện hữu, cơ cấu các ngành nghề, cơ sở hạ tầng và tiến bộ kỹ thuật, tư duy mở, hệ thống hỗ trợ công,…Phát triển vùng hướng tới 2 mục tiêu chính là tạo phúc lợi cho vùng và xử lý sự chênh lệch về phúc lợi giữa các vùng. Với mỗi vùng cần xây dựng chiến lược phát triển riêng để phù hợp với điều kiện phát triển của vùng để tăng hiệu quả và giảm thiểu sự lãng phí về nguồn lực.
Sự phát triển của vùng được thể hiện qua phân công lao động, chuyên môn hóa sản xuất và lợi thế của vùng này so với vùng khác. Theo đó, mỗi vùng hay địa phương trong vùng tập trung vào việc sản xuất những sản phẩm mà nó có lợi thế hơn so với các vùng khác. Lợi thế ở đây có thể bao gồm cả lợi thế tương đối và lợi thế tuyệt đối và có thể xuất phát từ tính đa dạng trọng nhu cầu để các địa phương có thế mạnh trong việc sản xuất các hàng hóa và dịch vụ riêng biệt.
Lý thuyết “cực tăng trưởng” của Perroux (1955) chỉ ra rằng, cực tăng trưởng của vùng bao gồm các vùng có các ngành với các doanh nghiệp lớn có sức hút mạnh, tức là tập trung các hoạt động kinh tế ở những khu vực năng động nhất. Các cực tăng trưởng này có sức lan tỏa, và sức hút dòng hàng hóa nguyên liệu và lao động trong các khu vực khác của vùng và ngoài vùng. Sự tác động lan tỏa này sẽ thúc đẩy hình thành không gian liên kết kinh tế và mạng lưới buôn bán, và hình thành một tập hợp các liên kết kinh tế giữa cực tăng trưởng và các vùng xung quanh. Mỗi cực tăng trưởng như vậy có một vai trò nhất định, dần dần sẽ phát triển và lan tỏa kéo theo các khu vực khác theo vết dầu loang. Perroux (1955) cho rằng, tăng trưởng và phát triển không thể xuất hiện đồng đều ở mọi nơi với một nguồn lực tới hạn mà trước hết tập trung ở một số điểm có lợi thế phát triển hơn và sau đó sẽ lan tỏa qua các kênh khác nhau với những hiệu ứng khác nhau đối với nền kinh tế.
Boudeville (1966) cho rằng, cực tăng trưởng vùng không chỉ tập trung vào không gian kinh tế mà còn bao gồm cả không gian địa lý, theo đó cực tăng trưởng vùng là khu vực tập trung các ngành mang tính động lực nhằm kéo theo sự phát triển các vùng lân cận. Các chính sách hình thành các cực tăng trưởng sẽ không tránh khỏi sự chủ quan, do lợi ích địa phương cục bộ chi phối. Theo đó, yếu tố then chốt trong phát triển không chỉ là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các ngành nữa mà để có sự phát triển kinh tế vùng phải có sự tập trung về mặt không gian của các hoạt động sản xuất; và Boudeville giả định luôn rằng sự tập trung đó nằm ở đô thị. Các liên kết trong phát triển vùng ở đây nằm ở sự tương tác giữa cực tăng trưởng/đô thị và các vùng nằm trong ảnh hưởng của nó. Nhiều chính sách của Chính phủ với dự định ban đầu là tập trung nguồn lực vào một số trung tâm có tiềm năng thực sự với vai trò cực tăng trưởng, có sức lan tỏa phát triển, như là đầu tàu kéo vùng kém phát triển phát triển theo. Song, sau đó trước sức ép của nhiều nhóm lợi ích khác nhau, nên các nguồn lực này bị phân tán ra nhiều trung tâm. Kết cục là sự phân tán nguồn lực, sẽ không tạo ra được những hiệu ứng nào đáng kể đối với sự tăng trưởng và phát triển trong vùng nói riêng và quốc gia nói chung.
Theo Krugman (1992), để phát triển kinh tế thì cần phải có một số vùng phát triển hơn các vùng khác nhằm tạo động lực cho tăng trưởng nhanh để từ đó tạo sự lan tỏa đến các khu vực lân cận. Ở nhiều nước đang phát triển do không đủ nguồn lực nên thường thực hiện chiến lược cực tăng trưởng để tập trung phát triển một vài vùng trung tâm đô thị trước. Cực tăng trưởng có thể thực hiện thông qua việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng hay tập trung cụm/ ngành công nghiệp để tạo nên lợi thế về quy mô. Việc tạo ra các vùng phát triển hơn các vùng khác dựa vào việc tập trung nguồn lực sau đó sẽ lan tỏa sang các vùng lân cận chính là tạo điều kiện để phát triển các vùng động lực.
https://file1.dangcongsan.vn/DATA/0/2017/05/images1078876_kinh_te_bien-12_47_03_282.jpg
Kinh tế biển - 1 trong những thế mạnh của thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu

Vùng kinh tế động lực hay còn gọi là vùng kinh tế trọng điểm là vùng hội tụ tốt nhất các điều kiện để phát triển, có khả năng tạo lợi thế cạnh tranh, làm đầu tàu tăng trưởng để đẩy mạnh quá trình phát triển cho các vùng đó và tiến tới đảm nhận vai trò chi phối tăng trưởng đối với nền kinh tế cả nước (Nguyễn Văn Nam và Ngô Thắng Lợi, 2010). Theo Hoàng Hồng Hiệp và cộng sự (2020), các quốc gia trên thế giới thường lựa chọn một số vùng, địa phương có những lợi thế cạnh tranh vượt trội để phát triển trước, từ đó tạo động lực đầu tàu nhằm thúc đẩy lôi kéo sự phát triển của các vùng khác và của cả nền kinh tế.
Vấn đề phát triển vùng được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây. Quy hoạch tổng thể quốc gia đang định hướng khung tổ chức lãnh thổ quốc gia để tập trung ưu tiên đầu tư trong một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển. Định hướng phát triển vùng động lực đã được nhiều địa phương trên cả nước thực hiện và mang lại những kết quả tích cực.
  1. Gợi ý đối với vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu
Việc phát triển kinh tế vùng động lực Hoàng Mai - Quỳnh Lưu cần đảm bảo các yếu tố sau: Trước hết là công tác quy hoạch, muốn hình thành và phát triển vùng kinh tế động lực thì cần có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết của vùng. Cần xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, trung và dài hạn để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, gắn kết phát triển các ngành, các tiểu vùng và liên vùng. Cần tiến hành tái cơ cấu ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển của vùng và các địa phương trong vùng, phát triển kinh tế tư nhân, giải quyết bài toán nguồn lao động, một mặt giải quyết được công ăn việc làm phù hợp với trình độ lao động đồng thời phát huy được lợi thế về tính linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề.
Tiếp theo là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng: Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện các trục kết nối liên tỉnh, liên vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm giải quyết vấn đề giao thông giữa các vùng, địa phương được thuận lợi hơn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm để phát triển đô thị theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối đồng bộ sẽ góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng. Do đó, việc phân bổ nguồn lực cần có sự ưu tiên cho các vùng động lực để phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông kết nối.
Thứ ba, cần có cơ chế chính sách rõ ràng trong việc thu hút vốn đầu tư FDI vào các ngành kinh tế trọng điểm của vùng. Đặc biệt, cần chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn, ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật tiên tiến từ đó sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh theo cụm/ngành. Xây dựng cơ cấu đầu tư hợp lý để phát huy tính lan tỏa và động lực thúc đẩy tăng trưởng đối với nền kinh tế của vùng và các khu vực lân cận.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Các vùng kinh tế động lực cần có chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực. Các địa phương cần có sự đột phá trong tư duy và giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng mở rộng về số lượng, nâng cao về chất lượng, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng kinh tế động lực. Việc đào tạo nguồn nhân lực cần gắn trực tiếp với nhu cầu việc làm, định hướng lựa chọn ngành nghề đào tạo và tìm kiếm việc làm cho người dân địa phương.
Thứ năm, cần thúc đẩy đầu tư, phát huy lợi thế và tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và liên vùng. Sự phát triển của vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu cần gắn với trục phát triển phía Tây Nghệ An và gắn với vùng Nam Thanh Bắc Nghệ trong phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch.
TS. Lê Thị Thu Hiền
Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng
TS. Nguyễn Thị Hồng Tâm
Viện Kinh tế Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay208,155
  • Tháng hiện tại1,185,050
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây