Sản xuất lạc đen tại Nghệ An

Thứ ba - 30/08/2022 23:19 0
Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và chọn tạo các giống lạc mới có tiềm năng năng suất cao, đưa sản lượng lạc bình quân từ 23,09 tạ/ha năm 2015 lên đến 26,57 tạ/ha năm 2020 trên diện tích lạc toàn tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, 2021). Lạc là cây truyền thống lâu đời của tỉnh Nghệ An và là loại cây trồng chủ yếu của ngành sản xuất nông nghiệp. Trong tất cả các loại cây công nghiệp thì lạc là cây trồng có diện tích lớn nhất của tỉnh.
Tuy nhiên, thực trạng sản xuất lạc của tỉnh hiện nay còn nhiều bất cập, thời tiết gặp nhiều khó khăn, nguồn giống để sản xuất lạc giống chủ yếu do dân tự để giống nên có chất lượng kém, bị thoái hóa, nhiễm bệnh, kỹ thuật sản xuất còn theo phương pháp cũ, trồng theo bãi không che phủ nilông ảnh hưởng đến năng suất đặc biệt khi gặp thời tiết bất thuận... Ngoài ra, chất lượng lạc chưa cao dẫn đến chưa thật sự thỏa mãn các nhu cầu cũng như tiêu chuẩn của một số nước trong việc xuất khẩu lạc nhân, giá lạc còn phụ thuộc vào chất lượng hạt lạc (màu sắc, kích thước hạt, hàm lượng dầu), thường giá lạc của Việt Nam chỉ bằng 85% lạc Trung Quốc và bằng 80% giá lạc Ấn Độ.
 Do đó, để góp phần đưa giống lạc mới, đa dạng hóa giống lạc, nâng cao chất lượng hạt lạc, đồng thời phổ biến quy trình sản xuất lạc giống cho nông dân nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất lạc trên địa bàn tỉnh, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã tiến hành xây dựng các mô hình sản xuất giống lạc đen tại 04 xã của 02 huyện khác nhau thuộc tỉnh Nghệ An (xã Diễn An, xã  Diễn Thịnh - huyện Diễn Châu và xã Thượng Tân Lộc, Trung Phúc Cường - huyện Nam Đàn).

Giống lạc đen CNC1 được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ tiếp nhận từ Viện Di truyền Nông nghiệp, trực tiếp sản xuất khảo nghiệm qua nhiều vụ để đánh giá chất lượng hạt giống. Sau đó tiến hành điều tra, khảo sát lựa chọn địa điểm, hộ dân xây dựng mô hình. Các hạt giống sau khi thu hoạch sẽ được phân phối cho các hộ dân tham gia để triển khai sản xuất lạc giống tại địa phương. Sản phẩm cuối cùng được kiểm định chất lượng và bao tiêu sản phẩm Trong quá trình triển khai, các cán bộ kỹ thuật, cán bộ địa phương và các hộ dân tham gia được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất giống lạc đen đạt năng suất cao.
Mô hình sản xuất giống lạc đen CNC1 được xây dựng vào vụ thu đông năm 2020 tại xã Thượng Tân Lộc - Nam Đàn (0,5ha) và xã Diễn Thịnh - Diễn Châu (0,5ha). Vụ thu đông năm 2021 tại xã Diễn Thịnh - Diễn Châu (01ha). Xây dựng mô hình thâm canh giống lạc đen CNC1 vụ xuân năm 2021 tại xã Diễn An - Diễn Châu (04 ha) và xã Trung Phúc Cường - Nam Đàn (04ha).
Kết quả theo dõi, đánh giá các mô hình cho thấy giống lạc đen CNC1 sinh trưởng, phát triển tốt. Giống CNC1 có thời gian sinh trưởng vụ xuân 111-115 ngày, vụ thu đông 101-118 ngày, ít nhiễm sâu bệnh hại chính, năng suất vụ xuân đạt trên 3,6 tấn/ha, vụ thu đông đạt trên 2,1 tấn/ha
Kết quả đánh giá năng suất cho thấy, giống lạc đen CNC1 cho năng suất từ 36,53-37,21 tạ/ha ở vụ xuân, từ 21,11-23,13 tạ/ha ở vụ thu đông. Giống lạc CNC1 được khảo nghiệm qua nhiều vụ, chất lượng hạt giống tốt, áp dụng biện pháp kỹ thuật mới nên các chỉ tiêu về cấu thành năng suất và năng suất đều cao hơn so với các giống lạc đang trồng phổ biến, cao hơn từ 2,16-4,88 tạ/ha.
Kết quả phân tích chất lượng hạt giống lạc đen CNC1 tại các điểm ở từng thời vụ cho thấy, chỉ tiêu về độ sạch, độ nảy mầm, độ ẩm phù hợp với Quy chuẩn Quốc gia Quốc gia QCVN 01- 48:2011/BNNPTNT về chất lượng hạt giống lạc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

https://khuyennongnghean.com.vn/uploads/news/2022_05/image-20220512102807-1.jpeg

Mô hình sản xuất giống CNC1 trong vụ thu đông năm 2020 và năm 2021 tại các địa phương cho lãi thuần từ 19,34-48,73 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được cao hơn sản xuất đại trà từ 14,71-26,06 triệu đồng/ha. Trong vụ xuân năm 2021, mô hình sản xuất giống CNC1 tại Diễn Châu cho lợi nhuận đạt 48,73 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà là 26,06 triệu đồng/ha. Đánh giá hiệu quả kinh tế giữa mô hình sản xuất giống lạc đen CNC1 và mô hình sản xuất đại trà cho thấy: Việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất giống lạc đen CNC1, kỹ thuật thâm canh, nguồn giống đầu vào có chất lượng tốt sẽ cho năng suất, chất lượng, giá bán và hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất đại trà.
Kết quả xây dựng mô hình sản xuất giống lạc đen CNC1 tại tỉnh Nghệ An cho thấy việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất giống lạc đen CNC1, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ ban hành, kết hợp quy trình thâm canh lạc đạt năng suất cao, sử dụng giống có chất lượng tốt cho năng suất lạc bình quân đạt từ 36,53-37,21 tạ/ha ở vụ xuân; 21,11-23,13 tạ/ha ở vụ thu đông, cao hơn so với sản xuất giống lạc truyền thống và kỹ thuật canh tác của bà con từ 2,16- 2,85 tạ/ha (đối với vụ thu đông), từ 4,54-4,88 tạ/ha (đối với vụ xuân), chất lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn phù hợp với quy chuẩn Quốc gia QCVN 01-48:2011/BNNPTNT về chất lượng hạt giống lạc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả kinh tế tăng từ 14,71-26,06 triệu đồng/ha.
Kết quả xây dựng mô hình vụ thu đông 2020 và năm 2021 sản xuất được 33,92 tấn giống lạc đen CNC1, góp phần cung cấp giống tốt, chất lượng cao cho sản xuất ở các vụ tiếp theo trên địa bàn tỉnh Nghệ An./.
Lê Văn Trường
Viện KHKT NNBTB

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay208,155
  • Tháng hiện tại1,140,612
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây