Số hóa bệnh viện

Thứ tư - 23/11/2022 22:29 0
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về chuyển đổi số, y tế là một trong tám lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Thời gian qua, các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước đã tích cực thực hiện số hóa. Hiệu quả mang lại rất rõ đối với cả bệnh viện, người bệnh và ngành y tế.

Theo dõi, điều trị và chăm sóc người bệnh trên iPad tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh (Nghệ An).
Theo dõi, điều trị và chăm sóc người bệnh trên iPad tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh (Nghệ An).

Nếu như những lần trước phải đi từ khoảng 4 giờ sáng đến xếp hàng, lấy số thứ tự để khám bệnh thì lần này đến hơn 8 giờ, ông Nguyễn Văn Thái (59 tuổi, ở phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An) mới có mặt tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh để khám bệnh. Ông chia sẻ, ông không phải đi thật sớm như trước là do bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin, giúp người bệnh đăng ký, lấy số thứ tự khám bệnh qua ứng dụng "BVTP VINH" trên điện thoại thông minh. Người bệnh chỉ cần có mặt đúng giờ đã đăng ký để gặp bác sĩ. Kết quả cũng được bác sĩ thông báo trên ứng dụng, giúp người bệnh tiện theo dõi sức khỏe. Số hóa thông tin từ hồ sơ bệnh án, kết quả cận lâm sàng đã giúp cho bác sĩ hội chẩn trực tuyến với đồng nghiệp, chuyên gia đầu ngành từ nhiều điểm cầu trong và ngoài viện để kịp thời đưa ra phương án chữa bệnh hiệu quả nhất cũng như hỗ trợ, cập nhật kiến thức thường xuyên cho cán bộ, nhân viên y tế.

Bác sĩ CKII Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh cho biết, bước đột phá tạo nên diện mạo mới của bệnh viện hôm nay phải kể đến thành công trong ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm "thông minh" nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người bệnh. Đăng ký khám bệnh qua app trên điện thoại hay hội chẩn trực tuyến chỉ là hai trong số hàng chục tiện ích của ứng dụng công nghệ thông tin mang lại cho người bệnh. Bệnh viện là một trong những đơn vị đầu tiên trong khu vực ứng dụng phần mềm "thông minh", số hóa tất cả các hoạt động khám, chữa bệnh. Mặc dù trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận gần 2.000 lượt khám nhưng ứng dụng thông minh đã giúp người dân chủ động lấy số thứ tự, đăng ký dịch vụ chăm sóc sức khỏe, rút ngắn quy trình tiếp nhận, tạo đột phá trong điều trị, chăm sóc người bệnh. Công tác quản trị cũng được bệnh viện số hóa, thực hiện trên phần mềm quản lý.

Đến nay, Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh đã xây dựng Hệ thống phần mềm quản lý tổng thể theo các tiêu chí của một bệnh viện thông minh, gồm: Hệ thống máy chủ, bảo đảm an toàn bảo mật thông tin; hệ thống quản lý thông tin tổng thể bệnh viện; hệ thống lưu trữ, truyền tải và hội chẩn hình ảnh y khoa; hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm; bệnh án điện tử, chữ ký số…

Tại Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang, người bệnh có thể đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến; không phải lưu trữ giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh, không sợ làm mất các kết quả thăm khám... Người bệnh tương tác với nhân viên y tế bằng các hình thức như tư vấn trực tuyến qua tổng đài chăm sóc khách hàng, tư vấn sức khỏe từ xa qua các tiện ích cộng đồng. Dữ liệu cá nhân được quản lý chặt chẽ, bảo mật, là nền tảng để triển khai hồ sơ sức khỏe toàn dân đúng lộ trình đã đề ra của Bộ Y tế trong thời gian tới.

Tại An Giang, khi dịch Covid-19 bùng phát, kéo theo số người bị nhiễm bệnh tăng cao, ngành y tế đã ứng dụng phần mềm hỗ trợ quản lý F0 tại nhà, nhờ đó đã giảm tải tại các bệnh viện cũng như bảo đảm sức khỏe an toàn cho người nhiễm. Chị N.T.T.L, ngụ thành phố Long Xuyên cũng như nhiều người mắc Covid-19 khác rất yên tâm khi tự điều trị ở nhà, vì hằng ngày chị được các y, bác sĩ trao đổi, tư vấn trực tuyến về cách ăn uống, điều trị, phòng ngừa lây lan cho người nhà…

Số hóa bệnh viện là việc chuẩn hóa thông tin, dữ liệu và hình thành kho dữ liệu khám, chữa bệnh phục vụ công tác quản lý, công tác khám, chữa bệnh, công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh (trước, trong và sau khi khám, điều trị). Tiêu chí số hóa bệnh viện cần hướng tới đáp ứng 3 không: bệnh viện không giấy tờ; không xếp hàng và không dùng tiền mặt. Đến nay, gần như 100% các bệnh viện tại Việt Nam đều đã số hóa công tác quản lý bệnh viện bằng phần mềm quản lý bệnh viện HIS; hơn 20 bệnh viện đã số hóa thành công công tác chẩn đoán hình ảnh, không dùng phim nhựa (hiện nay có rất nhiều bệnh viện đang số hóa công tác chẩn đoán hình ảnh, nhưng chưa hoàn thiện và dùng song song phim số với phim nhựa); gần 40 bệnh viện đã số hóa thành công bệnh án điện tử và hoàn toàn không dùng bệnh án giấy. Hơn 80% các bệnh viện triển khai ít nhất từ hai phương án thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Công tác đăng ký khám trực tuyến đang được các bệnh viện quan tâm và đẩy mạnh triển khai.

Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Nguyễn Trường Nam cho biết, hiệu quả số hóa được thể hiện rất rõ đối với cả bệnh viện, người bệnh và ngành y tế. Đối với bệnh viện, việc số hóa đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý bệnh viện; nâng cao chất lượng khám, chữa và chăm sóc người bệnh; tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa hoạt động của bệnh viện; tăng tính cạnh tranh, tính hấp dẫn và sự hài lòng của người bệnh. Đối với người bệnh, được trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao; được quan tâm và chăm sóc sức khỏe chủ động và tích cực. Đối với ngành y tế, việc số hóa bệnh viện sẽ hình thành các kho dữ liệu chuyên ngành, các kho dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh, kho dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử… Các kho dữ liệu này được kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế trên toàn quốc giúp hỗ trợ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh cho người dân. Từ các kho dữ liệu y khoa sẽ hình thành các hệ thống dữ liệu lớn của ngành y tế để từ đó ứng dụng công nghệ số hiện đại như công nghệ dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu Analysis… để phục vụ nghiên cứu khoa học, phân tích mô hình bệnh tật, dự báo...

Để thực hiện thành công mục tiêu số hóa, ngành y tế đã xác định và chia ba giai đoạn triển khai. Giai đoạn một (trong năm 2022), tập trung thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu khám, chữa bệnh, bước đầu hình thành kho dữ liệu tập trung về khám, chữa bệnh, tạo cơ sở dữ liệu lõi cho các nền tảng số y tế. Ngành y tế đã ban hành quy định về mô hình nghiệp vụ và cấu trúc thông tin nghiệp vụ để thúc đẩy hoàn thiện và xây dựng mới các nền tảng số y tế thuộc danh mục các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Giai đoạn hai (từ năm 2023 đến 2025), thúc đẩy triển khai: hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; đăng ký và tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai khám, chữa bệnh không giấy, trong đó hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy. Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật. Giai đoạn ba (từ năm 2025 đến 2030), hoàn thiện số hóa dữ liệu sức khỏe người dân, hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế: hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa,... Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải hoàn thành: triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy, chẩn đoán hình ảnh chỉ sử dụng phim số, người dân có thể đăng ký khám, đăng ký tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực đô thị đạt tối thiểu 50% tổng giá trị thanh toán viện phí.

Quá trình số hóa trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin Nguyễn Trường Nam cho rằng, ngành y tế và các đơn vị cần đẩy mạnh xây dựng thể chế để tạo các hành lang pháp lý thuận lợi cho việc số hóa bệnh viện; xây dựng, điều chỉnh cơ chế tài chính phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của xã hội hiện nay đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để triển khai công tác này; có chính sách và cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ thông tin y tế về làm việc cho các bệnh viện; cần có cơ chế đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng thiết bị công nghệ cao phục vụ chuyên môn.

Nguồn tin: nhandan.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1476
  • Hôm nay71,510
  • Tháng hiện tại994,631
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây