Tiêu chuẩn về phương pháp kiểm nghiệm thực phẩm với các mục tiêu phát triển bền vững

Thứ hai - 17/10/2022 22:40 0
Các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm thực phẩm giúp đánh giá, kiểm soát các chỉ tiêu áp dụng đối với sản phẩm thực phẩm và quá trình sản xuất thực phẩm, thậm chí có thể giúp kiểm soát toàn bộ chuỗi thực phẩm (từ trang trại đến bàn ăn).
 
Chủ đề Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 2021 được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đưa ra là “Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững – Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn” (Standards for SDGs – Our shared vision for a better world). Các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) là những mục tiêu phổ quát được Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc về phát triển bền vững đưa ra từ năm 2015 nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc (LHQ).
Các SDG bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể (mục tiêu thành phần) và 232 chỉ tiêu. Những mục tiêu này không chỉ bao gồm phát triển xã hội mà còn đề cập đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, đổi mới, tiêu dùng bền vững, hòa bình, công bằng… Các mục tiêu được kết nối với nhau và thành công trong một mục tiêu có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến mục tiêu khác. 
Nhằm cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể.   
 


Đến nay trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia có khoảng 1900 TCVN về thực phẩm. Ảnh minh họa.
Theo thống kê sơ bộ, đến nay trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia có khoảng 1900 TCVN về thực phẩm. Bên cạnh các tiêu chuẩn về thuật ngữ và định nghĩa, tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn về bao gói, bảo quản và vận chuyển thực phẩm thì các tiêu chuẩn phương pháp thử (phương pháp kiểm nghiệm) đóng vai trò quan trọng và có số lượng áp đảo. Có thể hiểu đơn giản rằng mỗi tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm thường bao gồm nhiều chỉ tiêu về chất lượng và an toàn thực phẩm, mỗi chỉ tiêu này lại có thể có nhiều phương pháp thử với các nguyên tắc khác nhau.
Đây cũng là thực trạng chung của hệ thống tiêu chuẩn ISO của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế. Riêng Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CAC) thì tổ chức này chỉ ban hành các tiêu chuẩn Codex về sản phẩm và các hướng dẫn, quy phạm thực hành đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Mặc dù không ban hành các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm thực phẩm, nhưng trong các tiêu chuẩn Codex viện dẫn rất nhiều tiêu chuẩn về phương pháp thử của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực.
Các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm thực phẩm giúp đánh giá, kiểm soát các chỉ tiêu áp dụng đối với sản phẩm thực phẩm và quá trình sản xuất thực phẩm, thậm chí có thể giúp kiểm soát toàn bộ chuỗi thực phẩm (từ trang trại đến bàn ăn). Chuỗi thực phẩm được kiểm soát sẽ tiến tới chuỗi cung ứng bền vững, giúp cho người lao động tham gia quá trình đó có thu nhập và những người lao động nghèo có cơ hội thoát nghèo.
Như vậy sẽ đáp ứng SDG 1 “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi” (No poverty). Mặt khác, các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm thực phẩm hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận các thị trường quốc tế và thúc đẩy thương mại, từ đó tạo ra việc làm. Việc đạt được mục tiêu này cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt nghèo trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất thực phẩm.
Đồng thời, các tiêu chuẩn hài hòa góp phần loại bỏ các hạn chế thương mại và các rào cản đối với thương mại thực phẩm, giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo thêm việc làm, đáp ứng SDG 8 “Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người” (Decent work and economic growth).
Các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm thực phẩm cũng đáp ứng tốt đối với SDG 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững (Responsible consumption and production), SDG 12 có mục tiêu 12.3 là đến năm 2030 sẽ giảm một nửa lượng thực phẩm lãng phí tính theo đầu người và giảm tổn thất lương thực trong chuỗi sản xuất và cung ứng, bao gồm cả những tổn thất sau thu hoạch; mục tiêu 12.4 là sẽ quản lý tốt vòng đời của các loại hóa chất và chất thải theo các cam kết quốc tế đã ký kết, nhằm giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và tác động có hại đến sức khỏe con người và môi trường. Có thể thấy việc kiểm nghiệm thực phẩm theo tiêu chuẩn thích hợp giúp kiểm soát chuỗi thực phẩm nói chung và kiểm soát từng công đoạn cụ thể, đảm bảo tính bền vững của quá trình sản xuất thực phẩm.
Tiêu chuẩn về kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP như hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh vật, thực phẩm biến đổi gen… nhằm kiểm soát các mối nguy ATTP, do đó sẽ đáp ứng SDG 3 về “Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi” (Good health and well-being).

Xóa đói, nghèo và bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh là ba trong số các SDG liên quan chặt chẽ đến hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm
Các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm thực phẩm song hành cùng tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật trong việc đáp ứng với SDG 2 “Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững” (Zero hunger). SDG 2 có mục tiêu 2.1 là đến năm 2030 sẽ chấm dứt tình trạng thiếu đói và đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả người cao tuổi và trẻ sơ sinh, được tiếp cận với thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng và đầy đủ quanh năm. Tiếp theo là mục tiêu 2.3: đến năm 2030 sẽ tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập của lao động nông nghiệp. Việc kiểm nghiệm lương thực, thực phẩm giúp duy trì sự lưu thông của sản phẩm trên thị trường và đến tay những người tiêu dùng yếu thế nhất.
Đối với hệ sinh thái dưới nước (Life below water) tương ứng với SDG 14 và hệ sinh thái trên cạn (Life on land) tương ứng với SDG 15, các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm giúp đáp ứng các mục tiêu này thông qua việc hỗ trợ quản lý đối với đất, nước, các vật tư đầu vào nông nghiệp và quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm.
Cũng trên khía cạnh này, các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm thực phẩm cũng đáp ứng SDG 6 “Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người” (Clean water and sanitation) với mục tiêu 6.3 là đến năm 2030 sẽ cải thiện chất lượng nước, kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học.
 


Các tiêu chuẩn kiểm nghiệp thực phẩm có thể giúp đáp ứng các SDG 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững, SDG 14 và 15 về hệ sinh thái dưới nước và trên cạn.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm thực phẩm áp dụng cho các nền mẫu có nguồn gốc từ các loài thực vật có khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu thì sẽ đáp ứng các mục tiêu của SDG 13 về “Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai” (Climate action).
Theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, nhóm tiêu chuẩn phương pháp thử bao gồm cả phương pháp lấy mẫu. Tiêu chuẩn TCVN 5102:1990 (ISO 874:1980) Rau quả tươi – Lấy mẫu cùng với phần lớn các tiêu chuẩn phân tích rau quả được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đánh giá là đáp ứng các SDG theo thứ tự là 12, 3, 2, 13, 15. Cần lưu ý rằng việc canh tác các loại rau quả nói chung có ảnh hưởng qua lại rất lớn đến hệ sinh thái đất và nước, đồng thời việc lựa chọn giống cây trồng thích hợp có vai trò quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể lấy ví dụ điển hình đó là quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
 


Chuỗi thực phẩm được kiểm soát sẽ tiến tới chuỗi cung ứng bền vững. Ảnh minh họa. 
Trong khi đó, đối với nhóm tiêu chuẩn về cà phê, các tiêu chuẩn như TCVN 6539:1999 (ISO 4072:1982) Cà phê nhân đóng bao – Lấy mẫu, TCVN 6605:2007 (ISO 6670:2002) Cà phê hoà tan – Phương pháp lấy mẫu đối với bao gói có lót được ISO đánh giá là đáp ứng các SDG theo thứ tự là 10, 12, 9 và 8. Có thể thấy rằng các quốc gia xuất khẩu cà phê là các nước đang phát triển, tỷ lệ người có thu nhập thấp tham gia chuỗi cung ứng cà phê là khá cao.
Do đó, bên cạnh SDG 8 và SDG 12 đã nêu ở trên thì việc đáp ứng SDG 10 “Giảm bất bình đẳng trong xã hội” (Reduced inequalities) và SDG 9 “Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới” (Industry, innovation and infrastructure) rất được lưu tâm.
Thậm chí, TCVN 6538:2013 (ISO 6668:2008) Cà phê nhân – Chuẩn bị mẫu để phân tích cảm quan được ISO đánh giá là đáp ứng tới 8 SDG: 1, 2, 8, 9, 10, 11, 12 và 16; theo đó, ngoài các SDG đã nêu thì tiêu chuẩn này còn phù hợp với SDG 11 “Đô thị và cộng đồng bền vững” (Sustainable cities and communities) và SDG 16 về hòa bình, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả (Peace, justice and strong institutions)
Các phương pháp kiểm nghiệm dựa trên các kỹ thuật sinh học như TCVN 11933:2017 (ISO 16577:2016) Phân tích dấu ấn sinh học phân tử – Thuật ngữ và định nghĩa, TCVN 12613:2019 (ISO 21570:2005 with Amenment 1:2013) Thực phẩm – Phương pháp phân tích để phát hiện sinh vật biến đổi gen và sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen – Phương pháp dựa trên định lượng axit nucleic đều được ISO đánh giá là đáp ứng các SDG 1, 2, 3, 12, 14, 15
Như vậy, có thể thấy rằng hệ thống TCVN về thực phẩm nói chung, các tiêu chuẩn về phương pháp kiểm nghiệm thực phẩm nói riêng cho đến nay đã hỗ trợ rất tốt cho việc đáp ứng các SDG của Liên hiệp quốc cũng như SDG của Việt Nam. Tỷ lệ hài hòa cao (khoảng 90 %) của các tiêu chuẩn về phương pháp kiểm nghiệm thực phẩm so với tiêu chuẩn quốc tế (ISO, AOAC…), tiêu chuẩn khu vực (CEN) vừa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm, đồng thời hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
 
Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Nguồn tin: www.most.gov.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập276
  • Hôm nay13,041
  • Tháng hiện tại607,135
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây