Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam
Các hệ thống thanh toán đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Trong đó, các hệ thống thanh toán bán lẻ là công cụ thiết yếu cho nền kinh tế tiêu dùng. Tính thuận tiện và hiệu quả của các hệ thống này góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, sự minh bạch và văn minh của xã hội.
Tính tới thời điểm Quý 1/2017, hai loại hình thanh toán điện tử hiện đang phát triển khá sôi động ở Việt Nam là thanh toán qua ngân hàng điện tử và ví điện tử. Hầu hết các ngân hàng đều có các ứng dụng Internet Banking và Mobile Banking. Các ví điện tử, mặc dù đã dần dịch chuyển lên thiết bị di động và cải thiện trải nghiệm, vẫn gặp cản trở lớn vì vấn đề nạp tiền. Người dùng phải thực hiện nạp tiền vào tài khoản ví để sử dụng thanh toán, trong khi đó vấn đề cản trở lớn là sự thiếu niềm tin của người dùng đối với đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử, vốn không phải là ngân hàng. Ví điện tử cũng chưa tích luỹ đủ tiện ích - tức là sự chấp nhận rộng rãi - để tạo động lực đủ mạnh cho đông đảo người tiêu dùng vượt qua cản trở để nạp tiền. Như vậy, mặc dù có chủ trương từ nhà nước, mong muốn của các ngân hàng và nỗ lực của nhiều đơn vị làm dịch vụ thanh toán, vẫn chưa có sản phẩm thanh toán điện tử nào được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam. Vì thế, đề tài: "Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam" do nhóm nghiên cứu tại Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca thực hiện, đã đặt mục tiêu thực hiện nghiên cứu chuyên sâu và ứng dụng các công nghệ thanh toán di động hiện đại; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ an toàn bảo mật tốt nhất cho thanh toán di động; bổ sung các tính năng thanh toán quan trọng; nghiên cứu chuyên sâu để hiểu rõ hành vi người tiêu dùng và hiểu rõ các lĩnh vực bán lẻ phù hợp nhất để hoàn thiện sản phẩm tối ưu; đóng gói sản phẩm thương mại và triển khai thí điểm để sẵn sàng cho triển khai thương mại trên diện rộng. Qua đó, đề tài đặt mục tiêu tạo ra sản phẩm thanh toán di động chất lượng cao góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của việc đưa thanh toán điện tử vào ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam. Đề tài do TS. Trần Thanh Nam làm chủ nhiệm, đã được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công Giải pháp Thanh toán Di động MOCA bao gồm ứng dụng di động MOCA (và module nhúng MOCA) hỗ trợ nền tảng iOS và Android, hệ thống lõi MOCA, các công cụ vận hành hệ thống thanh toán MOCA. Giải pháp được thiết kết, phát triển trên cơ sở nghiên cứu nắm bắt và làm chủ các công nghệ thanh toán di động hiện đại, đồng thời nghiên cứu thị trường và khách hàng mục tiêu ở Việt Nam, kết hợp với việc triển khai thí điểm, triển khai thương mại trong phạm vi phù hợp, để thu thập và đánh giá kết quả. Sản phẩm của dự án hỗ trợ những tính năng chính và nâng cao như thanh toán qua mã QR, tokenization thẻ, chuyển tiền điện tử, thanh toán trực tuyến có đảm bảo, với thiết kế an toàn bảo mật đạt chuẩn PCI-DSS và với năng lực chịu tải đáp ứng hàng chục ngân hàng, hàng chục nghìn điểm bán hàng và hàng triệu người dùng.
Sản phẩm của đề tài cũng có hiệu quả kinh tế cao khi được cung cấp miễn phí cho người dùng đồng thời chi phí triển khai cho đơn vị bán hàng đặc biệt thấp khi xét chi phí trang bị QR code so với chi phí thiết bị POS/mPOS. Phương thức thanh toán qua QR code giúp giảm rủi ro lộ thông tin thẻ nhờ đó giúp tiết giảm các chi phí liên quan đến gian lận, thất thoát. Đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao trong việc góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16197/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)
Tin khác
- Sửa đổi Luật SHTT: Cải thiện nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ
- Quan sát pha mới trong ngưng tụ Bose-Einstein của các hạt ánh sáng
- Kích thước của lõi sao Hỏa
- Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máng cào dùng trong lò chợ mỏ than hầm lò năng suất 180 t/h
- Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm thiết bị mạng định nghĩa bằng phần mềm cho các ứng dụng IoT
- Mô tả đặc tính chín thông số của tế bào/mô ung thư gan sử dụng phương pháp ma trận Mueller và phân cực Stokes
- Hoàn thiện thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế
- Ứng xử cơ học của bê tông nhựa trong miền biến dạng nhỏ dưới tác dụng của tải trọng trùng phục
- Sản xuất thực phẩm chức năng có arabinoxylan từ cám gạo
- Nghiên cứu tìm hiểu hệ thống nước làm mát lò phản ứng hạt nhân nước áp lực và xây dựng một số quy trình phân tích các thành phần chính của nước mô phỏng hệ làm mát
- Dùng AI để chỉ định bình duyệt nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học máy tính
- Công nghệ 4.0 góp phần giải bài toán môi trường
- Nghiên cứu mới: tia cực tím tiêu diệt virus corona trên bề mặt
- Nghiên cứu sản xuất giấy bao gói chất lượng cao
- Nghiên cứu sản xuất thành công chế phẩm Lactoferrin từ Pichia pastoris tái tổ hợp
- Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng phương pháp phân tích thành phần hóa học đối với cao lanh để sản xuất gốm sứ dân dụng
- Nghiên cứu, xây dựng mạng truyền thông quang tốc độ cao dựa trên HAP phục vụ khắc phục thảm họa thiên nhiên
- Nghiên cứu, phát triển hệ thống thiết bị giám sát lưu lượng và phát hiện tấn công từ chối dịch vụ dựa trên công nghệ mạng điều khiển bằng phần mềm software-defined networking (SDN)
- Sản xuất cồn thực phẩm ở nồng độ chất khô cao từ gạo và sắn quy mô 2.000 lít/mẻ
- Nghiên cứu tái thiết lập chương trình trực tiếp in vitro và in vivo nguyên bào sợi chuột thành tế bào tiền thân giống nguyên bào mạch