Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh nghiên cứu đặc điểm lâm sàng bệnh lý mũi xoang do dị hình vách ngăn và đánh giá kết quả phẫu thuật bước đầu tại khoa TMH

Thứ ba - 16/11/2021 20:22 0
Vách ngăn mũi đóng vai trò quan trọng để đảm bảo vững chắc cho cấu trúc của mũi về thẩm mỹ cũng như sự lưu thông không khí, vận chuyển niêm dịch. Dị hình vách ngăn (DHVN) là loại dị hình rất phổ biến của hốc mũi. Nguyên nhân gây DHVN là do bẩm sinh hoặc do chấn thương ngay từ trong bào thai hay do tai nạn trong quá trình phát triển. DHVN rất đa dạng về hình thái, bao gồm: vẹo, lệch, mào, gai hoặc phối hợp với nhau. Hiện nay có rất nhiều phương pháp và kỹ thuật chỉnh hình vách ngăn. Mỗi phương pháp lại có ưu và nhược điểm riêng. Các kỹ thuật chỉnh hình vách ngăn ngày càng được cải tiến nhằm đạt được mục đích hạn chế tối đa tổn thương về giải phẫu, bảo tồn các chức năng sinh lý của mũi như chức năng thông khí, vận chuyển niêm dịch, cải thiện tình trạng viêm mũi xoang. Vì vậy đề tài “ Đặc điểm lâm sàng bệnh lý mũi xoang do dị hình vách ngăn và đánh giá kết quả phẫu thuật bước đầu tại khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh” triển khai với các mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng bệnh lý mũi xoang do dị hình vách ngăn; Đánh giá kết quả nội soi chỉnh hình vách ngăn tại bệnh viện trường Đại học Y khoa Vinh
Đối tượng nghiên cứu của công trình gồm 48 bệnh nhân được phẫu thuật nội soi chỉnh hình vách ngăn tại Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện trường Đại học Y khoa Vinh từ tháng 1/2019 đến tháng 9/2019. Sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang từng trường hợp có can thiệp.
Chảy mũi là triệu chứng cơ năng thường đi kèm với triệu chứng ngạt mũi trong dị hình vách ngăn. Theo Messerklinger, chỉ cần hai lớp niêm mạc phù nề áp sát chạm vào nhau là đã có thể xảy ra rối loạn cục bộ quá trình thanh thải lông nhày gây nên rối loạn dẫn lưu. Niêm mạc mũi bị kích thích bởi các chất trung gian hóa học là sản phẩm của quá trình viêm làm tăng tiết nhày gây chảy mũi.Triệu chứng chảy mũi gặp trong nghiên cứu là do phản ứng tăng tiết niêm dịch của niêm mạc mũi xoang, kết hợp với sự cản trở và bít tắc trên con đường vận chuyển niêm dịch gây ứ trệ và tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bội nhiễm. Khi chưa có sự tắc nghẽn dẫn lưu nhiều thì chảy dịch nhày đục thường thấy hơn, tương ứng với mức độ ảnh hưởng ít của DHVN đến phức hợp lỗ ngách, chảy dịch mủ vàng, xanh do dịch tiết ứ đọng lâu ngày và bội nhiễm vi khuẩn, thậm chí cả nấm, tương ứng với mức độ ảnh hưởng nhiều của DHVN đến phức hợp lỗ ngách. Chảy mũi nhày trong thường thấy trong bệnh lý dị ứng mũi kết hợp với DHVN. Chúng tôi gặp 100% bệnh nhân có biểu hiện chảy mũi, chiếm 25% lý do đi khám bệnh. Tương đương với nghiên cứu của Nguyễn Thái Hùng (100%), Syhavong Buaphan (100%), Triệu chứng chảy mũi có tỷ lệ cao hơn so với nghiên cứu của Cao Minh Thành (35,7%), Klot Sovanara (41,7%).
Các triệu chứng cơ năng thường gặp trong bệnh lý mũi xoang do DHVN bao gồm ngạt mũi, chảy mũi, hắt hơi, giảm ngửi, đau đầu. Trên 1 bệnh nhân DHVN có thể gặp tất cả các triệu chứng này, nhưng thường là không đầy đủ. Đây cũng là các triệu chứng chính của viêm mũi xoang theo tiêu chuẩn EPOS 2012. Với 48/48 trường hợp BN có triệu chứng ngạt mũi trước phẫu thuật. Đây là dấu hiệu hay gặp nhất, cũng là nguyên nhân chủ yếu để bệnh nhân đòi hỏi thầy thuốc phải phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn.
BN Phùng Nam H. SBA: 15166885  

Hình 3.1. BN Phùng Nam H. Trước PT

Hình 3.2. BN Phùng Nam H. Sau PT 1tháng

Hình 3.3. BN Phùng Nam H. Sau PT 3 tháng
 

Hình 3.4. BN Hoàng Đình C. Trước PT

Hình 3.5. BN Hoàng Đình C. Sau PT 1 tháng

Hình 3.6. BN Hoàng Đình C. Sau PT 3 tháng
         
Trong nghiên cứu của chúng tôi, các triệu chứng cơ năng được cải thiện đáng kể. Có 64,58% BN cải thiện tình trạng ngạt mũi ngay từ tuần đầu tiên sau PT. Tỷ lệ này tăng lên 81,25% sau PT 1 tháng và 91,7% sau PT 3 tháng. Kết quả này tương đồng với 1 số tác giả khác như Nguyễn Kim Tôn (93,2% hết ngạt và 6,8% đỡ ngạt) [6], Nguyễn Thái Hùng (96,9% hết ngạt và 3,1% đỡ ngạt), Syhavong Buaphan (93,3% hết ngạt và 6,7% đỡ ngạt), Lý Đức Thuận (94,7% hết ngạt, 5,3% ngạt nhẹ).
Sau 3 tháng, 87,5% BN hết chảy mũi, 12,5% đỡ chảy mũi. Kết quả này tương đương với nghiên cứu của các tác giả khác như Nguyễn Kim Tôn (90,9% hết chảy mũi và 9,1% đỡ chảy mũi), Lý Đức Thuận (88,2% hết chảy mũi và 11,8% đỡ chảy mũi) [9], kết quả này cao hơn nghiên cứu của Syhavong Buaphan (70% hết chảy mũi và 30% giảm chảy mũi). Phẫu thuật đã làm cho hốc mũi thông thoáng, giải phóng bít tắc trên con đường vận chuyển niêm dịch mũi, tình trạng phù nề xuất tiết dịch của niêm mạc mũi sẽ hết hoặc giảm dần.
Ngay trong phẫu thuật, sau khi bóc tách niêm mạc, lấy bỏ phần vách ngăn dị hình và phủ lại niêm mạc, bệnh nhân đã được phục hình vách ngăn thẳng theo đúng giải phẫu, bảo tồn tối đa cấu trúc của vách ngăn. Trong quá trình theo dõi bằng khám nội soi 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng sau phẫu thuật, vách ngăn của bệnh nhân vẫn giữ vững được phục hình tốt như ngay trong phẫu thuật, không xảy ra lún sập tháp mũi, dính cuốn mũi vào vách ngăn hay thủng vách ngăn. Kết quả này thu được ở 48/48 trường hợp trong nghiên cứu
Qua nghiên cứu trên 48 BN được phẫu thuật nội soi chỉnh hình vách ngăn tại Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh từ tháng 01/2019 đến tháng 09/2019 cho thấy: Triệu chứng cơ năng thường gặp: Ngạt mũi (100%), Chảy mũi(100%), Hắt hơi (79,2%), Đau đầu(66,7%), Ngửi kém(14,6%); Chỉ số Glatzel trước phẫu thuật bên dị hình: Chủ yếu là ngạt nhẹ 32/48 BN (66,7%) và ngạt vừa 2/48 BN (4,2%); Hình thái dị hinh vách ngăn: Gặp chủ yếu là mào (43,9%), gai (35,1%); Vị trí dị hình vách ngăn theo Cottle: gặp nhiều ở vùng 4,5 (84,2%); Kết quả sau phẫu thuật 3 tháng: Sau phẫu thuật, các triệu chứng cơ năng đều được cải thiện hết hoặc đỡ. Vách ngăn thẳng và phẳng, bảo tồn được tối đa cấu trúc vách ngăn, không có di chứng. Không gặp trường hợp nào tai biến thủng hoặc dính vách ngăn
Qua nghiên cứu 48 trường hợp cho thấy phẫu thuật nội soi chỉnh hình vách ngăn giúp phục hình giải phẫu vách ngăn, giữ vững cấu trúc, đảm bảo chức năng, hạn chế tối đa tai biến, di chứng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh trong thời gian hậu phẫu và làm giảm hoặc hết các khó chịu do dị hình vách ngăn gây ra. Hy vọng thời gian tới, kỹ thuật này được triển khai rộng rãi nhằm hạn chế tối đa tổn thương về giải phẫu, bảo tồn các chức năng sinh lý của mũi như chức năng thông khí, vận chuyển niêm dịch, cải thiện tình trạng viêm mũi xoang./.


Nguyễn Trọng Tuấn
 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập183
  • Hôm nay30,110
  • Tháng hiện tại323,322
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây