Nghiên cứu xác định tuổi thành thục công nghệ và thành thục kinh tế của các mô hình rừng trồng Keo lai và Keo tai tượng trên một số vùng sinh thái trọng điểm (Đông Bắc Bộ, Trung Bộ và Đông Nam Bộ)

Thứ tư - 17/11/2021 03:58 0

Trong vài thập niên gần đây, Keo tai tượng, Keo lá tràm và Keo lai thuộc một số những loài cây chủ lực để trồng rừng, sinh trưởng nhanh, phát triển được ở nhiều điều kiện sinh thái khác nhau, được trồng rất rộng rãi. Phần lớn diện tích trồng Keo chủ yếu để sản xuất nguyên liệu công nghiệp (dăm gỗ, giấy sợi), được xếp vào kiểu rừng gỗ nhỏ. Trước sức ép về gỗ nguyên liệu cho gỗ xẻ, gỗ xây dựng, đồ mộc, đặc biệt là đồ mộc xuất khẩu, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích phát triển rừng rồng cung cấp gỗ lớn. Vì vậy, vài năm gần đây, ở một số địa phương đã tiến hành chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, quy hoạch trồng rừng gỗ lớn. Một số nghiên cứu bước đầu đã cho thấy chuyển hướng sang trồng rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, đến nay, các nghiên cứu về Keo lai và Keo tai tượng trước đây đều tập trung vào việc lập các biểu sản lượng, thương phẩm, cấp đất trên các lập địa khác nhau, nhưng chưa có báo cáo nào chỉ ra được tuổi thành thục về số lượng, công nghệ cũng như kinh tế của rừng trồng những loài cây gỗ này. Mặt khác, cần phải xác định tuổi thành thục công nghệ, số lượng, kinh tế theo sản phẩm rừng cho từng loại mô hình: rừng trồng gỗ nhỏ, rừng trồng gỗ lớn, rừng trồng chuyển hóa nhằm tìm ra chu kỳ kinh doanh rừng có hiệu quả nhất về công nghệ, kinh tế đối với người dân là một yêu cầu cấp thiết. Vì thế, nhóm nghiên cứu của TS. Đỗ Văn Bản tại Viện Khoa học lâm nghiệp Việt nam, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xác định tuổi thành thục công nghệ và thành thục kinh tế của các mô hình rừng trồng Keo lai và Keo tai tượng trên một số vùng sinh thái trọng điểm (Đông Bắc Bộ, Trung Bộ và Đông Nam Bộ)” từ năm 2016 đến năm 2018.

Đề tài nhằm mục tiêu: xác định tuổi thành thục công nghệ và thành thục kinh tế các mô hình rừng trồng Keo lai và Keo tai tượng; và xác định và so sánh giá trị gia tăng các mô hình rừng trồng Keo lai và Keo tai tượng.

Một số kết luận của nghiên cứu:

- Keo lai và Keo tai tượng với mục đích sản xuất gỗ đồ mộc, tuổi thành thục công nghệ và kinh tế tương tự nhau (khoảng 12 - 13 năm), tuổi thành thục về số lượng có thể hơn hoặc kém 1, 2 năm. Thời điểm khai thác khoảng 13 năm tuổi.

- Để sản xuất gỗ để bóc, làm ván ghép thanh, Keo lai đạt tuổi thành thục công nghệ là 8 - 12 tuổi; Keo tai tượng 7 - 13 tuổi, nhưng tuổi thành thục kinh tế lần lượt là 11 - 12 năm và 11 - 13 năm.

- Để sản xuất gỗ băm dăm, Keo lai đạt tuổi thành thục công nghệ là 4 - 6 năm; Keo tai tượng 4 - 7 năm, tuổi thành thục kinh tế lần lượt là 6 năm và 6 - 7 năm.

- Nếu rừng trồng với đa sản phẩm (để khai thác tối đa), Keo lai và Keo tai tượng đạt tuổi thành thục kinh tế 11-16 năm. Cấp đất càng tốt thì tuổi thành thục càng đến sớm và ngược lại. Mô hình chuyển hóa từ đạt tuổi thành thục đến sớm hơn các mô hình khác 1 - 2 năm.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16800/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập159
  • Hôm nay30,110
  • Tháng hiện tại322,919
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây