Nghiên cứu xây dựng, ứng dụng và phổ biến bộ công cụ chẩn đoán doanh nghiệp ngành công thương

Thứ tư - 17/08/2022 23:12 0

Hiện nay Việt Nam đã đàm phán, ký kết các hiệp định song phương với nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile... Năm 2015, Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức được thành lập. Năm 2016, Việt Nam chính thức kết thúc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTAs) với Liên minh Châu Âu (EU). Tháng 1/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Có thể thấy rằng Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa không những mang lại nhiều cơ hội mà còn đặt ra rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ thị trường quốc tế, doanh nghiệp (DN) phải cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Và phương cách duy nhất để DN được chấp nhận và trở thành một “mắt xích” của chuỗi cung ứng toàn cầu là nâng cao năng lực cạnh tranh, hợp chuẩn với yêu cầu của quốc tế. Để thực hiện công việc này, việc nghiên cứu, đề xuất bộ tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá toàn diện mọi mặt của DN, làm công cụ đánh giá năng lực DN là rất cần thiết. Thông qua hệ thống các tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá, DN sẽ xác định được năng lực của mình và có chiến lược phát triển, giải pháp cải tiến phù hợp. Bộ tiêu chí cũng là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ DN trong việc đánh giá, nhận định năng lực DN và đưa ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ thích hợp. Việc đánh giá liên tục sẽ giúp DN chẩn đoán các vấn đề mình mắc phải và có giải pháp kịp thời giải quyết.

Các tiêu chí và chỉ tiêu để đánh giá và chẩn đoán DN đã được các quốc gia chú trọng phát triển từ rất sớm. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu hiện trạng phát triển và năng lực của DN thường được đánh giá định tính theo cảm nhận của chuyên gia đánh giá hoặc các chủ DN. Hiện chỉ có một số báo cáo, nghiên cứu liên quan đến việc xây dựng, áp dụng các tiêu chí đánh giá năng lực DN, tuy nhiên còn rời rạc và chỉ tập trung vào một số yếu tố cơ bản như tài chính, thương mại, công nghệ. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ áp dụng cho một số ngành, lĩnh vực cụ thể mà chưa có tính tổng quát cho cộng đồng DN. Việc thiếu chỉ tiêu và tiêu chí đánh giá cụ thể dẫn đến tình trạng đánh giá không chính xác, thiếu khách quan, không xác định được năng lực thực sự của DN và khó so sánh giữa các DN với nhau.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công Thương cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Trương Thị Chí Bình thực hiện “Nghiên cứu xây dựng, ứng dụng và phổ biến bộ công cụ chẩn đoán doanh nghiệp ngành công thương” với mục tiêu: Xây dựng bộ tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá, làm công cụ chẩn đoán DN ngành công thương; Xây dựng phần mềm trên cơ sở bộ tiêu chí và chỉ tiêu kể trên để chẩn đoán, phân tích và trích xuất báo cáo đánh giá DN; Đào tạo và phổ biến bộ công cụ giúp DN tự chẩn đoán/ đánh giá hiện trạng phát triển của DN.

Các nghiên cứu về chỉ số năng lực thường phân chia thành hai nhóm: nhóm nghiên cứu về các chỉ số kết quả RI hay KRI (Key Result Indicator) điển hình là các chỉ số tài chính, và nhóm nghiên cứu về các chỉ số năng lực hoạt động PI hay KPI (Key Performance Indicator) nghiên cứu về các chỉ số liên quan đến các chức năng tác nghiệp. Số lượng các nghiên cứu thuộc nhóm thứ nhất (chỉ số tài chính) là rất lớn, thậm chí hình thành cả một ngành học (phân tích chỉ số kinh doanh) trong chương trình đào tạo về quản lý; Trong khi đó, nghiên cứu về chỉ số năng lực hoạt động tác nghiệp thường được lồng ghép vào trong nội dung các khóa học chuyên ngành quản lý kinh doanh. Tình trạng “thiên vị” này tồn tại một phần do các nguyên nhân lịch sử, một phần do mức độ phức tạp khác nhau của việc thu thập thông tin, công cụ mô hình phân tích, tính tiêu chuẩn hóa về thông tin và chuẩn mực so sánh. Hơn nữa, cho đến nay, hầu như khó có thể tìm được công trình nào nghiên cứu về mối liên hệ giữa KRI và KPI của tổ chức. Các nghiên cứu về KRIs vẫn cung cấp những bằng chứng xác thực về kết quả hoạt động của một tổ chức/ DN trong quá khứ, nhưng không thể giúp đưa ra những dự báo đáng tin cậy về triển vọng tương lai. Trong khi đó, các nghiên cứu về KPIs của một tổ chức có thể giúp chỉ ra tiềm năng một tổ chức/DN có thể làm được, nhưng không đưa ra được những bằng chứng cụ thể, xác đáng, bằng những con số cụ thể dù là dự báo.

Có thể thấy rằng các tiêu chí và chỉ tiêu để đánh giá và chẩn đoán DN đã được các quốc gia chú trọng phát triển từ rất sớm. Chẩn đoán DN giúp đánh giá toàn diện, khách quan năng lực của DN, từ đó chỉ ra các điểm yếu cần khắc phục và đề xuất các hoạt động cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Tại Nhật Bản, từ năm 1952, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã xây dựng chương trình “Chế độ đánh giá DN nhỏ và vừa”. Theo đó DN được đánh giá theo các tiêu chí cụ thể, từ đó chỉ ra các điểm hạn chế và giải pháp cải tiến, hỗ trợ. Các tiêu chí này liên tục được cập nhật và giảng dạy cho các chuyên gia đánh giá, hỗ trợ DN. Tại Hàn Quốc, năm 2004, Tổ chức phát triển DN nhỏ và vừa Hàn Quốc (SBC) cũngđã giới thiệu công cụ “Chẩn đoán sức khỏe DN”. Thông qua các tiêu chí đánh giá cụ thể của công cụ này, DN có thể tự đánh giá năng lực và nhận ra các yếu điểm của mình. Các tiêu chí/công cụ chẩn đoán DN đã hỗ trợ tích cực cho các chuyên gia tư vấn và DN trong hoạt động cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các công cụ chẩn đoán DN này tập trung vào đánh giá năng lực DN trên các mặt chính như tài chính, đánh giánội bộ, công nghệ, thương mại, chuyển giao công nghệ.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Bộ công cụ có 90 tiêu chí (74 tiêu chí năng lực hoạt động và 16 tiêu chí năng lực tài chính), được phản ánh trên 27 khía cạnh, bao gồm: (i) 15 tiêu chí đánh giá về năng lực tổ chức và quản lý; (ii) 19 tiêu chí đánh giá về năng lực công nghệ; (iii) 9 tiêu chí đánh giá về năng lực thương mại; (iv) 16 tiêu chí đánh giá về đổi mới sáng tạo; (v) 15 tiêu chí đánh giá về năng lực phát triển bền vững; (v) 16 tiêu chí đánh giá về hoạt động tài chính. Với 74 tiêu chí thuộc năng lực hoạt động, mỗi tiêu chí có 5 chỉ tiêu cụ thể và chi tiết tùy theo mức độ phát triển của DN, để DN tự đánh giá theo thực tiễn của DN mình. (tổng cộng có 370 chỉ tiêu đánh giá). 370 Chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đánh giá của DN Nhật Bản và Hàn Quốc, sau khi khảo sát định tính với các DN, đã được nhóm nghiên cứu điều chỉnh thấp hơn 1 mức cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Các chỉ tiêu đánh giá được mô tả rất chi tiết và có sự phân biệt rõ ràng với 5 cấp độ, để DN có thể tự đánh giá chuẩn xác điểm của mình. Sau khi điền thông tin tự đánh giá thông qua bộ công cụ này, DN được xếp loại mỗi khía cạnh năng lực của DN mình theo 7 mức của bộ công cụ. Phần năng lực tài chính được đánh giá và so sánh với các DN Việt Nam cùng ngành, theo dữ liệu đã công bố của Tổng cục Thống kê, phân biệt theo 10 nhóm ngành. Từ các kết quả đáng giá này, DN nhận được báo cáo chẩn đoán năng lực doanh nghiệp với các mức điểm tương ứng, đánh giá xếp loại và đề xuất về các giải pháp theo các nhóm tiêu chí kể trên mà DN cần thực hiện.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm, sử dụng phần mềm đánh giá đầy đủ các tiêu chí cho hơn 60 DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Kết quả cho thấy, bộ công cụ được DN đánh giá cao, vì phản ánh tổng quát tình hình DN và sát với thực tế hoạt động của họ. Việc tự đánh giá mỗi khía cạnh năng lực theo 05 chỉ tiêu chi tiết ở mỗi tiêu chí cũng giúp DN hiểu và xác định rõ những nội dung mình còn thiếu và cần cải tiến, thay đổi để hoàn thiện hơn ở mỗi năng lực. Bộ công cụ cũng đã được giới thiệu và phổ biến thông qua 02 khóa đào tạo và 01 hội thảo tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với các Sở Công Thương địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, và các DN liên quan.

Bộ công cụ chẩn đoán được xây dựng dựa trên 03 bộ công cụ quốc tế và cơ sở dữ liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam. Ưu điểm của Bộ công cụ là hệ thống các tiêu chí tổng quát nhưng đơn giản, ngắn gọn hơn; các chỉ tiêu đánh giá đã được xây dựng phù hợp với thực tiễn Việt Nam; và bộ công cụ đã được DN tiếp cận dễ dàng và miễn phí trên website. Các yếu tố này làm cho DN có thể tự sử dụng bộ công cụ để đánh giá, mà không cần có chuyên gia hỗ trợ. Đây là các ưu điểm vượt trội so với các bộ công cụ quốc tế kể trên.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17502/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI)

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1356
  • Hôm nay38,823
  • Tháng hiện tại940,589
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây