Phát Triển Thiết Bị Lọc Bụi Gỗ Để Loại Bỏ 99,9% Hạt Vi Nhựa Trong Nước
Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Sản phẩm sinh học, một phần của Đại học British Columbia (UBC) ở Canada, đã đạt được thành công trong việc phát triển một thiết bị lọc sử dụng bụi gỗ để loại bỏ tới 99,9% hạt vi nhựa có trong nước. Phương pháp này có thể có tác động lớn đến việc giảm ô nhiễm vi nhựa và bảo vệ nguồn cung cấp nước.
Dựa trên nguyên tắc sử dụng tanin - một hợp chất thực vật tự nhiên chứa trong trái cây chưa chín - để bổ sung vào lớp bụi gỗ, thiết bị mới đã thể hiện khả năng loại bỏ hạt vi nhựa trong nước với hiệu quả cao. Mặc dù thử nghiệm chỉ diễn ra trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học tin rằng phương pháp này có khả năng được triển khai rộng rãi với chi phí thấp sau khi họ tìm ra đối tác thích hợp trong ngành.
Hạt vi nhựa, được tạo ra từ quá trình phân hủy sản phẩm tiêu dùng và chất thải công nghiệp, ngày càng gây nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người. TS. Orlando Rojas, người đứng đầu dự án tại Viện Nghiên cứu Sản phẩm sinh học, nhấn mạnh rằng việc ngăn chặn việc các hạt vi nhựa xâm nhập vào nguồn cung cấp nước đang là một thách thức quan trọng. Ô nhiễm hạt vi nhựa đã lan rộng đến nguồn nước máy và dự kiến có tới hơn 10 tỷ tấn rác nhựa được quản lý sai cách sẽ bị thải ra môi trường vào năm 2025.
TS. Rojas nói: "Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp có thể thích nghi với các quy mô khác nhau - từ gia đình đến các hệ thống xử lý nước của thành phố. Thiết bị lọc mới của chúng tôi, khác biệt với các thiết bị lọc truyền thống, không làm gia tăng ô nhiễm mà thay vào đó sử dụng các vật liệu tái tạo và có khả năng phân hủy sinh học như axit tannic từ thực vật, vỏ cây, gỗ và lá, cùng với mùn cưa gỗ - sản phẩm phụ của ngành lâm nghiệp có khả năng tái tạo".
Được đặt tên là "bioCap", phương pháp này đã cho thấy khả năng thu giữ từ 95,2% đến 99,9% hạt vi nhựa trong nước, tùy thuộc vào loại nhựa. Khi thử nghiệm trên mô hình chuột, phương pháp đã ngăn chặn hiệu quả sự tích tụ của hạt vi nhựa trong cơ thể.
TS. Rojas nói thêm: "Với sự gia tăng nguy cơ từ hạt vi nhựa đối với hệ sinh thái và con người, chúng tôi cần những giải pháp sáng tạo. Phát minh này đã đưa chúng tôi gần hơn với một cách tiếp cận bền vững để đối phó với thách thức của vi nhựa"./.
Nguyễn Hà (TH)