Ưu đãi để nhà khoa học trẻ làm chủ công nghệ lõi

Thứ hai - 17/05/2021 20:41 0

Theo TS Đoàn Lê Hoàng Tân, nguồn nhân lực các nhà khoa học trẻ là lực lượng chính để quyết định việc tiếp cận làm chủ và phát triển công nghệ mới.

Là một trong những nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng, TS Đoàn Lê Hoàng Tân, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, để khoa học công nghệ phát triển bền vững trong giai đoạn tới, công nghệ lõi là yếu tố cần được ưu tiên đầu tư. Trong đó, nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao là lực lượng chính để tiếp cận, làm chủ và phát triển các công nghệ mới và cốt lõi này.

Theo anh, nền khoa học công nghệ nước nhà đã có bước tiến lớn, cập nhật rất nhanh so với thế giới với số lượng công bố quốc tế không ngừng gia tăng qua các năm. Các cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu được đầu tư thiết bị hiện đại một phần đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học công nghệ. Uy tín của các nhà khoa học Việt Nam cũng tăng lên nhờ các giải thưởng quốc tế và thống kê liên quan đến trích dẫn, số công bố.

 
TS Tân làm việc tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC.

TS Tân làm việc tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC.

Mặc dù vậy, TS Tân cho biết, các nhà khoa học vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc tiếp cận đề tài do chính sách liên quan đến đầu tư kinh phí mức đầu tư cho hoạt động công nghệ nâng cao chất lượng nghiên cứu còn hạn chế. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, mức chi cho khoa học công nghệ kể cả nguồn chi từ ngân sách và ngoài ngân sách đạt khoảng 0,5 % GDP, trong khi các quốc gia tiên tiến trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc) đầu tư khoa học công nghệ là trên 4% GDP.

Vì vậy, các thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học liên quan đến đăng ký đề tài, giải ngân cần có cơ chế "thông thoáng" hơn. "Việc này sẽ giúp các nhà khoa học tập trung hơn trong nghiên cứu và sáng tạo từ đó phát huy hết khả năng và cho ra các sản phẩm chất lượng", TS Tân nói và cho biết, việc cải thiện này tạo điều kiện thu hút nhân tài và tránh việc chảy máu chất xám.

Từng có nghiên cứu được thương mại hóa, TS Tân mong muốn các nhà khoa học trẻ được tạo cơ hội tiếp cận với vốn đầu tư doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề của họ, hợp tác với doanh nghiệp để cùng phát triển và thương mại hóa nghiên cứu thành sản phẩm đưa ra thị trường.

Nhà nghiên cứu trẻ khát khao được cống hiến là chia sẻ của TS Nguyễn Hoàng Chinh, Nghiên cứu viên Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM. Anh cho biết, để khuyến khích các nhà khoa học trẻ sáng tạo hơn trong khoa học công nghệ phải có "sân chơi" bởi các nhà nghiên cứu trẻ có đủ phẩm chất của nhà làm nghiên cứu.

 
TS Chinh hướng dẫn sinh viên tách chiết hợp chất trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC.

TS Chinh (bìa phải) hướng dẫn sinh viên tách chiết hợp chất trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC.

Cái khó khăn lớn nhất của các nhà nghiên cứu trẻ đó là cạnh tranh với các "nhà khoa học có tên tuổi" trong việc xin các quỹ tài trợ để duy trì và theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu. " Vì vậy cần phải tăng cường thêm các chương trình tài trợ nghiên cứu ươm mầm cho các nhà khoa học trẻ, đầu tư cả về số lượng và chất lượng", anh nói.

TS Chinh cũng cho biết, kết quả nghiên cứu có thể từng bước tiếp cận thị trường không thể không có hệ thống khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ươm mầm các tác năng trẻ, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ mới thành lập có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Nguyễn Xuân

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay127,576
  • Tháng hiện tại1,227,196
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây