CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP Chìa khoá phá vỡ bế tắc trong tiêu thụ nông sản!

Thứ ba - 16/03/2021 23:00 0
Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là khái niệm khá mới mẻ với đa số người dân và cụm từ này được truyền thông đề cập đến khá nhiều trong thời điểm hiện nay. Người dân cần hiểu chuyển đổi số là gì?, chuyển đổi số có tác dụng như thế nào với sản xuất, tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong bối cách dịch bệnh Covid 19 diễn ra, đe doạ cắt đứt thị trường, gián đoạn cung cầu nông sản. Chuyển đổi số là sử dụng dữ liệu, áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Truyền thông thôn tin và Đ/c Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Nguồn Internet
Hiện nay, trong sự phát triển mạnh mẽ của tất cả các ngành kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống hiện nay đang diễn ra quá nhiều bất cập, đặc biệt trong khâu sản xuất - tiêu thụ nông sản. Công tác quy hoạch sản xuất theo ngành hàng, sản phẩm đã được đưa ra nhưng rồi nhanh chóng bị phá vỡ, cung - cầu nông sản đứt đoạn, không gặp nhau. Người sản xuất chỉ chú trọng sản xuất những gì mình có chứ chưa quan tâm và cũng không có thông tin gì đến thị trường tiêu thụ. Người tiêu dùng mua sản phẩm nhưng không biết rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất nên không an tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm dẫn tới thiếu niềm tin. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan: “sự mù mờ về thông tin như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu. Người sản xuất mù mờ về thị trường trong khi thị trường mù mờ về sản xuất, cơ quan quản lý cũng mù mờ về chuyện đó. Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu. Nền nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu, thông tin, thì hình ảnh nông nghiệp mới vươn xa hơn”.
Ngày 18/6/2021, Hội nghị trực tuyến Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng chủ trì với 63 tỉnh thành trong cả nước.
Áp dụng thành công chuyển đổi số cơ bản thay đổi được phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống đặc biệt bất cập trong kết nối tiêu thụ nông sản như hiện nay. Công nghệ số sẽ giúp người sản xuất và người tiêu dùng xích lại gần nhau. Người sản xuất có thể sản xuất sản phẩm gì, số lượng bao nhiêu thông qua năng lực sản xuất của mình nhưng sẽ có thông tin về thị trường để quyết định. Ngược lại các doanh nghiệp kinh doanh nông sản, người tiêu dùng cũng sẽ có thông tin cụ thể về người sản xuất, sản phẩm mình kinh doanh, sử dụng. Thông qua công nghệ số người tiêu dùng hoàn toàn có thể giám sát được quy trình sản xuất nông sản. Tính minh bạch trong sản xuất sẽ được đề cao tối đa và chắc chắn sẽ lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng vốn đang thiếu hiện nay.
Khi thông tin được cung cấp tới cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất một cách đầy đủ cũng sẽ tạo ra sự liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ đồng thời tránh được hiện tượng ép cấp, ép giá vì thiếu thông tin. Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Huy Dũng nói "Chuyển đổi số sẽ tạo ra nền tảng cho phép nông dân và các ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Chúng ta có thể kết nối 9 triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả 6 tỷ người tiêu dùng trên thế giới”.
Cần làm gì để thực hiện thành công chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp: Để áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp trước hết phải có sự vào cuộc tích cực, liên tục của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Thông tin truyền thông và các cấp chính quyền địa phương. Cần có hệ thống dữ liệu về đất đai, diện tích sản xuất, mùa vụ thu hoạch của từng loại cây trồng, vật nuôi. Số hoá dữ liệu thông tin một cách thuận lợi nhất để người dân có thể dễ dàng cập nhật sử dụng. Bộ thông tin truyền thông cần có kế hoạch cung cấp dịch vụ thông tin 3G, 4G phủ rộng, giá rẻ hơn để người dân kể cả vùng xa, vùng miền núi dễ dàng tiếp cận.

Công ty Sản xuất và Cung ứng Rau quả sạch Quốc tế
sử dụng công nghệ số trong điều chỉnh chế độ tưới, bón phân tự động
Đối với người sản xuất cần xác định việc áp dụng công nghệ số chính là phương thức hỗ trợ tốt cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Người nông dân không phải phụ thuộc vào kinh nghiệm mà có thể khai thác, sử dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc, điều chỉnh tự động chế độ tưới, bón phân thậm chí là phát hiện sâu bệnh hại. Khi tham gia công nghệ số các đơn vị sản xuất, người nông dân xác định phải làm thật, thực hiện đầy đủ quy trình, chăm sóc và cung cấp đầy đủ thông tin dữ liệu, công khai minh bạch công việc của mình. Với những người khai thác tốt công nghệ số họ không chỉ cung cấp cho khách hàng sản phẩm mà còn sẵn sàng giới thiệu thêm cả quy trình sản xuất để khẳng định thêm chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Nghệ An là tỉnh có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp cao trong các ngành kinh tế, sản phẩm nông lâm thuỷ sản phong phú về chủng loại, sản xuất ra không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn cung cấp ra ngoài tỉnh và xuất khẩu. Trong những năm qua, Nghệ An đã thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ số và đã đạt hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong số các doanh nghiệp sản xuất nông sản tại Nghệ An thì các đơn vị thuộc Tập đoàn TH đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm. Mặc dù là đơn vị tham gia sau trong số các nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu Việt Nam nhưng các sản phẩm sữa, nước quả,..của tập đoàn TH đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và đã xuất khẩu.
Đối với các sản phẩm khác: nông sản, chăn nuôi, khai thác, chế biến thuỷ sản của Nghệ An hầu hết có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu. Một số đơn vị đã bước đầu ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nhưng chưa nhiều, ứng dụng tại mt vài công đoạn trong chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm.
Với mạng lưới công nghệ thông tin của Việt Nam ngày càng phát triển, tỷ lệ người dân dùng điện thoại thông minh Smartphone nhiều thì công nghệ số không chỉ sân chơi dành riêng cho các nhà đầu tư lớn mà kể cả các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, các HTX nông nghiệp đều có thể ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Mỗi đơn vị có thể lựa chọn cho mình những khâu đột phá đặc biệt vào các công đoạn đang yếu thế như: quản lý nhiệt độ, độ ẩm, chế độ bón phân tự động, giới thiệu sản phẩm tiến tới có thể ứng dụng công nghệ số vào các khâu giám sát quy trình VietGAP, phát hiện và xử lý sâu bệnh,..
Việc xác định vai trò và tham gia, khai thác hiệu quả công nghệ số là cơ hội để nông sản Nghệ An phát triển, xây dựng thương hiệu, kết nối được với các tập đoàn kinh doanh, người tiêu dùng trong nước và cơ hội để xuất khẩu. Thời gian không bao giờ chờ đợi ai, thành công chỉ đến với những người biết nắm bắt và tận dụng hiệu quả cơ hội mình có./.     
                                                                    Nguyễn Ngọc Hoàng
                                                                 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2664
  • Hôm nay170,575
  • Tháng hiện tại1,678,794
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây