KHAI THÁC DỊCH VỤ LOGICTIS HẬU CẦN THUỶ SẢN - THẾ MẠNH TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN CỦA NGHỆ AN

Thứ hai - 17/05/2021 23:04 0
Trong những năm gần đây, nền kinh tế Nghệ An đã có bước phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,84%. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 44,34 triệu đồng. Cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả bước đầu, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 4,47%/năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản 11-12%/năm.
1. Tiềm năng, lợi thế của kinh tế biển Nghệ An
Nghệ An có bờ biển dài 82 km và diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông, dọc bờ biển có 6 cửa lạch (lạch Cờn, lạch Quèn, lạch Thơi, lạch Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội) với độ sâu từ 1,0 đến 3,5m thuận lợi cho tàu thuyền có trọng tải 50 - 1.000 tấn ra vào. Từ độ sâu 40m trở vào là vùng có đáy tương đối bằng phẳng, vùng phía ngoài có nhiều đá ngầm và chướng ngại vật, cồn cát, nơi tập trung nhiều bãi cá có giá trị kinh tế cao. Theo điều tra của Viện nghiên cứu hải sản, trữ lượng hải sản các loại Nghệ An khoảng 80.000 tấn, khả năng khai thác cho phép khoảng 35-37 nghìn tấn/năm. Trữ lượng cá ở vùng có độ sâu trên 30m trở ra chiếm 60%; cá nổi chiếm 30%, cá đáy chiếm 70%, lượng cá nổi có khả năng khai thác dễ hơn. Cá biển ở Nghệ An có tới 267 loài trong 91 họ, tập trung nhiều vào các loài như cá trích 30-39%, cá nục 15-20%, cá cơm 10 - 15%. Tôm biển có 8 loài sống tập trung ở vùng nước nông 30m trở vào; tôm he khả năng khai thác lớn, chiếm 30% tổng số tôm. Có hai bãi tôm chính: bãi Lạch Quèn diện tích 305 hải lý vuông, trữ lượng 250 - 300 tấn, khả năng khai thác 50%; bãi Diễn Châu diện tích 425 hải lý vuông, trữ lượng 360 - 380 tấn, khả năng khai thác 50%. Dọc bờ biển Nghệ An có 3.500 ha nước lợ sử dụng cho việc nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối.
Vùng biển Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm của các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng, trên tuyến trục bắc nam và đông tây của miền Trung, trên hành lang của tuyến đường hàng hải quốc tế, là một trong những cửa ngõ biển của vùng Bắc Trung bộ, Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Nghệ An lại là vùng có nhiều tiềm năng, giàu có về nguyên vật liệu công nghiệp xây dựng và nông sản. Nhờ có các cảng biển mà cơ hội xuất khẩu lớn hơn, thuận lợi hơn. Hiện nay, tỉnh có 7 cảng biển, trong đó, cảng Cửa Lò là thương cảng lớn, do tỉnh quản lý, còn 6 cảng còn lại do địa phương quản lý (đó là cảng xếp dỡ tổng hợp Bến Thủy, 2 cảng xăng dầu ở Hưng Hòa và 3 cảng cá Cửa Hội, Lạch Quèn, Lạch Vạn).
 2. Khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản
Năm 2020, tổng số cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản tên địa bàn tỉnh là 34 cơ sở. Trong đó: Sản xuất ương dưỡng giống mặn lợ có 18 cơ sở (15 cơ sở kết hợp sản xuất giống, ương dưỡng giống tôm sú tôm thẻ, cá biển, nhuyễn thể, 01 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ, 01 Cơ sở sản xuất giống ngao); Cơ sở sản xuất ương dưỡng giống thủy sản nước ngọt duy trì ổn định qua hàng năm với 16 cơ sở kết hợp nhiều đối tượng, trong đó 03 cơ sản xuất giống cấp 1và 13 cơ sở ương dưỡng giống. Doanh nghiệp có vốn nhà nước 02, tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 01, số còn lại là cơ sở tư nhân.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 21.476 ha. Trong đó: Diện tích nuôi nước ngọt 18.937 ha, diện tích nuôi mặn lợ 2.539 ha. Số lồng trên sông, hồ là 1.197 lồng. Sản lượng thủy sản nuôi hằng năm ước đạt trên 57.000 tấn.
Năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản đạt 185.348 tấn (trong đó: khai thác biển 178.706 tấn, khai thác nội đồng 6.642 tấn); Số tàu thuyền khai thác trên biển là 3.469 chiếc (trong đó: loại tàu có chiều dài lớn nhất từ trên 15m trở lên là 1.221chiếc). Lao động nghề cá ước 101.000 người; Giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 theo giá hiện hành đạt 9.586 tỷ đồng.
Về chế biến thuỷ sản, hiện nay cả tỉnh có 05 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu hoặc làm vệ tinh cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có 02 cở sở chế biến đông lạnh, 01 cơ sở chế biến đông lạnh và hàng khô, 01 cơ sở chế biến nước mắm công nghiệp và 01 cơ sở sản xuất sản phẩm đóng hộp thủy sản). Số cơ sở chế biến đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-01:2009/BNNPTNT là 05 cơ sở và 02 cơ sở có Code của EU, 01 cơ sở có Code xuất khẩu thị trường China và các nước Đông Nam Á.
Có 27 cơ sở chế biến cá hấp sấy với tổng công suất 4.000 tấn/năm. Hệ thống thu gom, sơ chế, chế biến, cấp đông và bảo quản lạnh phát triển khá mạnh về số lượng cơ sở và công suất. Năm 2021 có 89 cơ sở thu gom, sơ chế, cấp đông và bảo quản lạnh, số lượng kho lạnh bảo quản là 224 kho, công suất kho bảo quản từ 50 - 100 tấn sản phẩm.
Toàn tỉnh có 06 cơ sở chế biến bột cá, với tổng công suất 800 tấn nguyên liệu/ngày.
Về chế biến nước mắm có 05 công ty, doanh nghiệp chế biến nước mắm truyền thống với tổng công suất thiết kế 9 triệu lít/năm, năng lực chế biến thực tế khoảng 4,5 triệu lít nước mắm/năm và khoảng 220 tấn mắm các loại. Tổng sản phẩm chế biến xuất khẩu đến năm 2020 đạt 25.179 tấn, giá trị chế biến xuất khẩu đạt 28,13 triệu USD; chế biến nội địa đạt 52.961 tấn, sản lượng nước mắm truyền thống đạt 12-15 triệu lít/năm.

(Cảng cá Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An)
3. Cơ sở dịch vụ hậu cần thủy sản
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã chỉ định và công bố 01 cảng biển cho tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam. Triển khai đầu tư xây dựng đi vào hoạt động được 4 công trình cảng cá, 05 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, 07 bến cá. Hiện nay có 4 cảng đã đưa vào sử dụng, trong đó UBND tỉnh công bố mở cảng cá loại II, gồm: Cảng cá Cửa Hội (công suất 15.000 - 17.000 tấn/năm), Cảng cá Quỳnh Phương (15.000 - 17.000 tấn/năm). Tạo điều kiện thu hút được 61 tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trong mặt bằng cảng, phần nào đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong việc phát triển thủy sản như xăng dầu, nhà máy đá, kho cấp đông, kho bảo quản, sơ chế thủy sản, cửa hàng cung cấp ngư lưới cụ, nhà máy xay bột cá và các dịch vụ, nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân.
Dịch vụ hậu cần ngành khai thác thủy sản cũng phát triển, có 691 cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản được nhân dân đầu tư tại các cửa lạch, trong đó: Đóng mới, sữa chữa tàu cá: 41 cơ sở; Buôn bán, sữa chữa máy thủy tàu cá 86 cơ sở; Sữa chữa trang thiết bị tàu cá 85 cơ sở; Sản xuất nước đá 93 cơ sở; Kho đông lạnh 224; Cửa hàng buôn bán ngư lưới cụ 99 cơ sở; Trang thiết bị khai thác 54 cơ sở; Cung cấp nhiên liệu cho tàu cá 99 cơ sở; Trạm biến áp phục vụ DVHC nghề cá 50 cơ sở.
          Nhờ phát triển đội tàu khai thác ổn định và phát triển số lượng tàu khai thác vùng khơi, vùng viễn dương; nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác hải sản xa bờ; bảo tồn, lưu giữ, phục hồi đa dạng sinh học các hệ sinh thái. Ổn định diện tích nuôi trồng thuỷ sản; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn vượt các rào cản kỹ thuật của các hiệp định thương mại. Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững; phát triển các cơ sở chế biến thủy sản với quy mô lớn, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng; xây dựng các sản phẩm chủ lực (OCOP).
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1012/QĐTTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ xác định, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình cần phối hợp nghiên cứu lập 1 Trung tâm logistics hạng II nhằm kết nối các cảng cạn, cảng biển (Nghi Sơn, Cửa Lò, Hòn La, Vũng Áng), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu phục vụ cho hoạt động giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ.
Hy vọng rằng trong thời gian tới với việc đầu tư đồng bộ hệ thống logistis các tỉnh miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng trong đó có logistis trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản cũng với những lợi thế hiện nay, ngành thuỷ sản sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh trong phát triển kinh tế biển ở Nghệ An./.
              Hoài Thanh
 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay313,433
  • Tháng hiện tại1,946,983
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây