Nghệ An xây dựng mối liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản thông qua các mô hình HTX, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp

Thứ hai - 14/06/2021 22:24 0
Tính đến tháng 6 năm 2021, Hội nông dân tỉnh Nghệ An đã kết nạp được 26.584 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 501.153 hội viên sinh hoạt tại 3.600 chi hội. Các cấp hội tập trung đổi mới, đa dạng các hình thức vận động, tập hợp và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội. Chất lượng hoạt động của các chi hội và hội viên ngày càng được nâng lên. Các cấp hội chăm lo xây dựng nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động bằng nhiều hình thức như: đẩy mạnh các họat động dịch vụ hỗ trợ nông dân; tham gia đảm nhận các công trình để lao động gây quỹ tại địa phương, hội viên đóng, có 97% cấp cơ sở và chi hội có quỹ hoạt động. Tính đến 30/6/2021, toàn tỉnh đã thành lập được 19 chi hội nông dân nghề nghiệp, 355 tổ hội nông dân nghề nghiệp, xây dựng được 127 tổ hợp tác với 1.581 thành viên tham gia; vận động, hướng dẫn thành lập được 31 hợp tác xã với 3.257 thành viên tham gia. Thông qua các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, bước đầu hình thành cho hội viên tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp hội viên nông dân mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Hoạt động tư vấn, hỗ trợ dịch vụ, đào tạo nghề tiếp tục được quan tâm. Tính đến ngày 15/6/2021 nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân là 75.550 triệu đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình ủy thác các nguồn vốn vay, dư nợ đến nay đạt 2.798 tỷ đồng cho gần 70 nghìn hộ vay vốn; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với dư nợ 604 tỷ đồng cho 6.057 hộ hội viên vay; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Nghệ An (LienVietPostBank) 33 tỷ đồng cho 681 hội viên nông dân vay. Thông qua các hoạt động này, giúp nông dân thuận lợi trong việc tiếp cận với nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, hạn chế việc nông dân phải vay vốn qua các tổ chức tín dụng đen hoạt động bất hợp pháp ở các vùng nông thôn hiện nay. 
Các cấp hội phối hợp tổ chức mở 682 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 22.512 lao động nông thôn; trong đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp Hội Nông dân tỉnh trực tiếp mở 126 lớp đào tạo nghề cho 4.298 học viên, có trên 78% học viên sau học nghề đã tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm mới. Xây dựng được 1.036 mô hình kinh tế phát triển có hiệu quả.

Tổ chức Hội phối hợp với các công ty, doanh nghiệp có uy tín tạo điều kiện cho trên 1 triệu lượt hội viên nông dân vay hơn 42.500 tấn phân bón các loại, 155 tấn thức ăn chăn nuôi, 120 nghìn con giống, hàng chục tấn giống cây trồng, giá trị vay đạt gần 500 tỷ đồng để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi.
Hội cũng chú trọng hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức và tham gia tổ chức được 05 hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản. Trong đó nhiều huyện, thành thị đã tổ chức được 860 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm có hiệu quả.
Hàng năm, các cấp hội đã tuyên truyền vận động được 60% hộ gia đình hội viên nông dân đăng ký trở thành hộ nông dân SXKD giỏi, trong đó số hộ nông dân đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đạt 50%.
Hội Nông dân tỉnh đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực như: Chỉ đạo phong trào xây dựng “vườn mẫu nông dân, vườn chuẩn nông thôn mới”, phong trào “xây dựng hàng cây, vườn cây nông dân ơn Bác”. Đến nay đã xây dựng được 824 hàng cây nông dân ơn Bác với tổng chiều dài 240.203m và 26 vườn cây với diện tích là 31.060m2, số lượng cây đã được trồng là 45.196 cây; 103 vườn chuẩn nông thôn mới và 785 vườn mẫu nông dân theo hướng vườn chuẩn nông thôn mới. Phát động các phong trào toàn dân tham gia thu gom rác thải tại cộng đồng dân cư, các bãi biển, cánh đồng.
Hàng năm, tuyên truyền vận động trên 90% số hộ nông dân đăng ký đạt gia đình văn hóa; 389.272 nông dân tham gia BHYT, 21.141 nông dân tham gia BHXH tự nguyện. Tổ chức lễ phát động nông dân sản xuất, chế biến, kinh doanh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, tổ chức các cuộc thi, xây dựng 03 câu lạc bộ “Nông dân sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn”, mở 12 lớp tập huấn trang bị kiến thức cho 600 hội viên, nông dân về sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, thành lập 03 cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2018/images/2018-10-08/a-2-hnd-1538997627-width500height333.jpg
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông dân trực tiếp tham gia đóng góp, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, tham gia hiến đất mở đường, góp tiền, ngày công lao động để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới tại cơ sở đạt nhiều kết quả quan trọng. Tính từ năm 2019 đến nay các cấp hội trong tỉnh đã tuyên truyền vận động nông dân đóng góp được 1.641.832 triệu đồng; làm mới, sửa chữa được 1.364,75km đường giao thông nông thôn, 1.176,9 km kênh mương các loại, cải tạo nâng cấp hàng trăm công trình thủy lợi như bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu.
Những kết quả đã đạt được của Hội Nông tỉnh Nghệ An được các cấp chính quyền đánh giá cao. Trong thời gian tới, các cấp hội nông dân sẽ chú trọng vào các vấn đề: tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi tư duy sản xuất, hình thành tư duy thị trường hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng mối liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn nhu cầu thực tiễn cho hội viên, dạy những nghề hội viên cần, xã hội cần, dạy nghề đi đôi với giải quyết việc làm; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới gắn với các đề án về môi trường, về tiêu thụ nông sản, về tổ hợp tác nông dân; đẩy mạnh việc sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuyên truyền hội viên thực hiện tốt công tác an ninh trật tự, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; quan tâm nắm tình hình tư tưởng hội viên; phối hợp với Mặt trận và các Đoàn thể trong công tác giám sát, phản biện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên nông dân.


 

Đậu Thị Huyền Trang

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập882
  • Hôm nay65,507
  • Tháng hiện tại687,114
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây