Nghiên cứu công nghệ nuôi thâm canh tôm hùm thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn

Chủ nhật - 24/04/2022 22:36 0

Nuôi tôm hùm trong lồng ở biển ven bờ là nghề truyền thống ở miền Trung Việt Nam, đạt tổng sản lượng 1600-2000 tấn/năm. Việc sử dụng thức ăn tươi nuôi tôm hùm trong môi trường biển hở dẫn đến khó kiểm soát môi trường và mầm bệnh nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Ngoài ra nghề nuôi này cũng phần nào bị tác động bởi tình trạng ô nhiễm môi trường trong các vịnh bởi các lý do khác nhau như lượng chất thải tạo ra từ hoạt động nuôi ở mật độ quá dày vượt quá sức tải của môi trường vùng nuôi.

Bên cạnh đó, thiên tai có thể tàn phá hầu hết các bè nuôi tôm hùm ở vùng nuôi trọng điểm gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Những thách thức này là tín hiệu cảnh báo tính chưa bền vững của nghề nuôi tôm hùm bằng lồng trong các vùng vịnh kín ở biển ven bờ; đặt ra yêu cầu phát triển hình thức nuôi mới, hiện đại. Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm hướng đến mục tiêu 2600 tấn/năm vào năm 2030, cần có các giải pháp đồng bộ trong đó có mục tiêu phát triển hình thức nuôi tôm hùm trong bể trên bờ tái sử dụng nước (RAS).

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (RIA3) cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Mai Duy Minh thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ nuôi thâm canh tôm hùm thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn”. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả nuôi tôm hùm thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, có hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi thủy sản trong RAS là hướng mới, hiện đại được kỳ vọng, giúp tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh và thiên tai trên cơ sở người nuôi chủ động kiểm soát chất lượng nước, con giống, thức ăn và quản lý điều kiện nuôi hiệu quả hơn nhờ quá trình xử lý và tái sử dụng nguồn nước. Cho đến nay, mô hình này đã được áp dụng ở quy mô thương mại cho một số đối tượng và đã được thử nghiệm trên tôm hùm bông. Bên cạnh đó, viên thức ăn công nghiệp cũng đã được sản xuất phục vụ nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh trong lồng biển ở Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay nuôi tôm hùm ở Việt Nam vẫn là nuôi trong lồng biển bằng thức ăn tươi. Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể kể đến như tôm có tăng trưởng chậm, tỉ lệ sống thấp liên quan đến chất lượng viên thức ăn công nghiệp nuôi tôm trong lồng biển và chất lượng nước nuôi tôm hùm bằng thức ăn tươi trong RAS. Báo cáo này tóm tắt kết quả đạt được về hoàn thiện công thức thức ăn công nghiệp; phòng và trị bệnh nguy hiểm; thiết kế RAS; kết quả nuôi mô hình tôm hùm bông trong RAS và đề xuất quy trình nuôi tôm hùm bông thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp trong RAS. Kết quả đạt được là cơ sở để phát triển sớm nuôi tôm hùm bông trong bể trên bờ tái sử dụng nước và từng bước hoàn thiện quy trình nuôi tôm hùm thương phẩm bằng 100% thức ăn công nghiệp trong hệ thống tái sử dụng nước đạt hiệu quả kinh tế, ứng dụng được vào sản xuất.

Kết quả nghiên cứu cho thấy bổ sung 0,4% taurine và 0,4% Bio-mos® giúp cải thiện tăng trưởng về khối lượng của tôm hùm bông cỡ giống. Tôm ăn thức ăn có bổ sung taurine và Biomos® có khối lượng nhiều hơn so với tôm nuôi đối chứng. Tuy vậy phân tích thống kê cho thấy sai khác về khối lượng trung bình của tôm là không có ý nghĩa. Điều này có thể do mức độ sai khác là chưa đủ lớn giữa tôm ăn thức ăn viên công nghiệp và tôm ăn thức ăn công nghiệp bổ sung thêm taurine. Bổ sung taurine vào thức ăn công nghiệp giúp tăng tính hấp dẫn của nó với J. edwardsii qua đó gia tăng hiệu quả của thức ăn. Tuy vậy mức độ tiêu thụ thức ăn của J. edwardsii tăng lên khi bổ sung glycine so với bổ sung taurine. Trong nghiên cứu này quá trình thí nghiệm chưa đánh giá được sự khác nhau về phản ứng của P. ornatus đối với thức ăn có bổ sung thêm taurine so với thức ăn không bổ sung taurine. Như vậy vai trò của chất dẫn dụ và chất dinh dưỡng phụ thuộc vào loại chất và loài tôm hùm thử nghiệm.

Trên cơ sở kết quả theo dõi tập tính ăn của tôm hùm, hiện trạng viên thức ăn công nghiệp, tăng trưởng và tỉ lệ sống của tôm hùm sau đợt luyện tôm và thí nghiệm ương tôm bằng các loại viên thức ăn khác nhau cũng như trao đổi với các chuyên gia về thức ăn thủy sản trong nước có thể khẳng định rằng trong môi trường nuôi bể (là nơi ít chịu tác động của dòng chảy, không chịu tác động của sóng biển và các sinh vật cạnh tranh), chúng ta đã sản xuất được thức ăn công nghiệp dạng viên khô, 7 có độ đặc, chắc, đủ hấp dẫn tôm hùm bông trong phạm vi không gian hẹp, có tính ổn định cao trong nước; tôm ăn thức ăn này có thể lột xác bình thường; sau khi lột xác tôm mới lột ít bị đồng loại ăn thịt khi đạt cỡ trên 20 g/con. Xu hướng để cải thiện chất lượng viên thức ăn sẽ tập trung khai thác vai trò của các nguyên liệu có nguồn gốc từ biển; áp dụng quy trình tạo viên và sấy hiệu quả; tạo kích thước hạt mịn cho nguyên liệu đầu vào; sử dụng các loại chất kết dính hiệu quả cũng như xác định và bổ sung các thành phần như các acid amine thiết yếu.

RAS được chọn lựa để thiết kế là hệ thống có khả năng tái sử dụng nước hiệu quả, có lợi thế về chi phí. Hệ thống bao gồm các bể và các thiết bị phụ trợ. Nhóm các bể gồm có bể nuôi tôm, bể thu gom chất thải rắn, bể lọc sinh học, bể chứa nước sau xử lý. Nước từ bể nuôi tôm được thải ra, tự chảy vào bể lắng, tại đây chất thải dạng hạt sẽ được giữ lại. Tiếp theo đó, phần nước trong sẽ tự chảy qua bể lọc sinh học. Nước từ bể lọc sinh học được các vi sinh vật xử lý các hợp chất ni tơ chuyển NH3 độc hại sang dạng NO2-N sau đó NO2-N độc hại được chuyển thành NO3 -N ít độc. Tiếp đó, nước từ bể lọc sinh học chảy qua bể chứa, làm mát, sục khí ô xy trước khi được bơm qua hệ thống UV diệt khuẩn để trở về bể nuôi tôm. Thiết bị khác gồm có máy sục khí, máy ổn nhiệt độ nước. Ngoài ra để thực hiện quá trình nuôi cần có các thiết bị đo pH, độ mặn, nhiệt độ đo độ ô xy hóa khử ORP bằng thiết bị cầm tay và máy đo các thông số môi trường nước. Dùng máy Hanna để đo TAN, NO2-N, NO3-N, Phosphate. Kit so màu thử nhanh TAN và độ kiềm.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Khi được bổ sung vào thức ăn công nghiệp dạng viên khô, Mannan olygosaccharide (Biomos®) ở mức 0,4% (4 g/kg thức ăn) giúp cải thiện tăng trưởng và tỉ lệ sống của tôm hùm bông trong khi đó bổ sung taurine ở mức 4 g/kg thức ăn chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng.

Đã thiết kế được bể lọc sinh học vật liệu xi măng gồm có 3 ngăn dùng các hạt lọc là hạt san hô cành và viên đá cuội. Bể lọc sinh học hoạt động khá hiệu quả, tỉ lệ thay nước không quá 50% trong tháng, đã duy trì các yếu tố môi trường như sau: TAN < 0,8 mg/l; NO2 -N< 0,08 mg/l; pH = 7,5-8,0. Các yếu tố khác có thể kiểm soát như nhiệt độ 26-30oC; độ mặn 30-37‰; DO > 4,6 mg/l; NO3 < 50 mg/l; Tổng ni tơ hữu cơ < 8 mg/l; Can xi = 320-360 mg/l.

Nuôi tôm hùm bông thương phẩm trong hệ thống RAS ở mật độ 8-10 con/m2 bằng thức ăn công nghiệp dạng viên đạt năng suất 5,45 -6,73 kg tôm/m2; tăng trưởng và tỉ lệ sống không sai khác với tôm nuôi ở mật độ 6 con/m2.

Có thể dùng kỹ thuật PCR phát hiện được vi khuẩn Vibrio alginolitycus gây đỏ thân và nấm Fusarium solani gây đen mang nhưng không phát hiện được RLB gây bệnh sữa trong mẫu chứa phân tôm hùm và nước thu từ bể nuôi tôm hùm.

Sản phẩm được chiết ra từ củ tỏi (Allium sativum, L) và hạt cau (Areca catechu) có tiềm năng ngăn ngừa tác nhân RLB gây bệnh sữa ở tôm hùm khi tắm ở liều lượng 50 ppm trong thời gian 60 phút/lần/ngày x 2 ngày.

Nuôi tôm hùm bông cỡ 15,5 g/con ở mật độ 8 con/m2 trong hệ thống RAS dùng 100% thức ăn công nghiệp sau 18 tháng nuôi, tôm đạt khối lượng trung bình 0,68 kg/con; tỉ lệ sống 71,76%; năng suất 3,91 kg/m2; hệ số thức ăn FCR = 3,22. Tăng trưởng của tôm chậm hơn, tỉ lệ sống thấp hơn so với nuôi tôm trong lồng biển bằng thức ăn tươi. Nguyên nhân do chất lượng viên thức ăn công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của tôm hùm bông và chưa kiểm soát hiệu quả bệnh sữa, bạc vỏ, đen mang trong các tháng đầu nuôi thử nghiệm. Tắm tôm bằng các hợp chất kháng khuẩn và nước ô xy già đã khắc phục được dịch bệnh này.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17148/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI)

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1938
  • Hôm nay98,802
  • Tháng hiện tại1,511,899
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây