Nghiên cứu phòng chống bệnh đốm nâu và một số bệnh hại chính khác trên cây thanh long

Thứ năm - 23/09/2021 22:10 0

Cây thanh long (Hylocereus spp.), còn gọi là Pitahaya, thuộc họ xương rồng leo (Cactaceae), có nguồn gốc từ vùng bán sa mạc, nhiệt đới nóng châu Mỹ như Mexico, Colombia, CostaRica và Nicaraga (Crane và Balerdi, 2005). Ngày nay, thanh long được trồng thương mại hóa ở những vùng sa mạc cho đến vùng nhiệt đới tại nhiều quốc gia châu Á như Israel, Đài Loan, Thái Lan, Philipin, Sri lanka và Malaixia,... Gần đây đã xuất hiện một số nước mới bắt đầu trồng thanh long ở quy mô nhỏ như ở Okinawa (Nhật Bản), California, Hawaii và Florida (Hoa Kỳ), phía Bắc Teritory và một số vùng bang Queensland (Úc) và Trung Quốc (Ortiz-Hernández và Carrillo- Salazar, 2012).

Tại Việt Nam, thanh long được trồng nhiều ở các tỉnh như Bình Thuận, Tiền Giang, Long An và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có diện tích trồng thanh long khá tập trung, phổ biến đối với giống thanh long ruột trắng và ruột đỏ (LĐ1). Hiện nay, có khoảng hơn 44.200 ha trồng tập trung ở Bình Thuận, Long An và Tiền Giang (Cục Trồng trọt, 2017). Có khoảng 80% sản lượng thanh long Việt Nam được xuất khẩu tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu 2017 (tính đến tháng 11/2017) đạt 1.052,462 triệu đô la so với tổng kim ngạch rau quả đạt 3,176 tỷ đô la và đứng đầu Top 10 loại quả xuất khẩu của Việt Nam (Tổng Cục Hải quan, 2017).

Cùng với sự phát triển mạnh cây thanh long thì những thiệt hại do bệnh gây ra cũng gia tăng đáng kể. Đặc biệt, bệnh đốm nâu thanh long không chỉ tấn công ở những vùng trồng tập trung mà chúng còn lây lan cả diện tích mới phát triển của một số địa phương khác như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, v.v... Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (2014), diện tích thanh long nhiễm bệnh gia tăng rất nhanh kể từ năm 2009 đến nay, năm 2013 diện tích nhiễm bệnh ước khoảng 10.000 ha. Bệnh gây hại cả trên cành và quả, đặc biệt bệnh gây hại trên quả gây thất thu năng suất, ảnh hưởng đến xuất khẩu và thiệt hại về kinh tế. Khi mới xuất hiện, trên cành vết bệnh là những chấm li ti hơi lõm vào bề mặt bẹ (như vết kim châm), khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, các vết bệnh lan rộng ra, liên kết nhau thành từng mảng lớn làm sần sùi bề mặt cành, trong một số trường hợp bệnh gây thối từng mảng lớn. Ổ bệnh được hình thành trên cành già và gây thối cành (vết bệnh có dạng đồng xu hay mắt cua). Trên quả bệnh tấn công và gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của quả, đặc biệt ở giai đoạn sau trổ hoa và giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.

Hiện nay chưa có hoặc rất ít nghiên cứu chuyên sâu tìm hiểu về đặc điểm sinh học, khả năng xâm nhiễm, gây hại và lây lan, ký chủ và biện pháp quản lý hiệu quả bệnh đốm nâ u và một số bệnh hại khác trên thanh long. Mặt khác bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa, cây thanh long có thân nhẵn nên khả năng bám giữ của thuốc kém dẫn đến hiệu quả phòng trừ bệnh thường rất thấp. Do đó gây tốn kém và nguy cơ gây mất an toàn do ô nhiễm thuốc BVTV, nguy hiểm hơn hết là bị cấm xuất khẩu rất có khả năng xảy ra. Ngoài bệnh đốm nâu, trên Thanh long đã và đang xuất hiện nhiều bệnh hại khác nhưng hiện vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu.

Đề tài Nghiên cứu phòng chống bệnh bệnh đốm nâu và một số bệnh hại chính khác trên cây Thanh Long do nhóm tác giả gồm cơ quan chủ Viện Cây Ăn Quả Miền Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thành Hiếu thực hiện nhằm đề xuất các giải pháp tổng hợp để quản lý bệnh đốm nâu và một số bệnh hại khác trên Thanh Long hiệu quả và nâng cao giá trị xuất khẩu với mục tiêu nhăm xây dựng được giải pháp khoa học công nghệ quản lý tổng hợp bệnh đốm nâu và một số bệnh hại chính khác trên cây Thanh Long phục vụ sản xuất bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung, sản phẩm kỹ thuật và công nghệ đều đạt kế hoạch, đáp ứng các mục tiêu đặt ra so với thuyết minh tổng thể được phê duyệt.

- Thông qua kết quả điều tra hiện trạng sản xuất đã ghi nhận mặc dù nhà vườn trồng thanh long có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, xử lý ra hoa nghịch vụ, kỹ thuật nâng cao chất lượng quả theo yêu cầu,… tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: chưa loại hoàn toàn các bộ phận nhiễm bệnh trên cây và tiêu hủy triệt để nguồn bệnh, đặc biệt đối với những vườn không thể tỉa bỏ ổ bệnh nằm bên trong ở những lớp cành bên dưới đỉnh trụ thanh long, tán cây quá dày; sử dụng nhiều loại thuốc BVTV có độc cao, tăng nồng độ, sử dụng thuốc không theo khuyến cáo của nhà sản xuất; để tán quá dày,…

- Thành phần bệnh hại chính trên thanh long tại Bình Thuận gồm có 7 loại bệnh và 7 loại sâu hại phổ biến, trong đó bệnh đốm nâu là bệnh gây thiệt hại nặng nhất, kế đến là bệnh thán thư, bệnh thối rễ, chết cành. Tương tự, ở Tiền Giang và Long An, có 5 bệnh chính bao gồm: bệnh đốm nâu là đối tượng gây thiệt hại nghiêm trọng nhất, kế đến là bệnh đốm đen bông (rỉ sét), bệnh thán thư, thối quả, vàng bẹ rám cành.

- Lưu trữ đầy đủ và bảo quản 01 bộ nguồn vi sinh vật gây bệnh và 01 Bộ sưu tập bệnh đốm nâu, thán thư, thối quả và virus X trên thanh long trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới tại Viện Bảo vệ thực vật và Viện Cây ăn quả miền Nam.

- Đã xác định được tác nhân gây hại của một số bệnh hại quan trọng trên thanh long như: bệnh đốm nâu do nấm Neoscytalidium dimidiatum gây ra, bệnh thối quả do vi khuẩn Erwinia sp. và bệnh thối rễ, chết cành do tuyến trùng Meloidogyne sp., nấm Phytophthora sp., Pythium sp. và Fusarium sp. và bệnh virus do virus cactus X gây hại.

- Xác định đầy đủ các đặc điểm sinh học, sinh thái của bệnh đốm nâu, biện pháp và xây dựng mô hình (20 ha) và 01 quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh đốm nâu được Cục Bảo vệ thực vật công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Một số điểm mới của quy trình so với trước đây là: xác định được chính xác tác nhân gây hại, phương thức xâm nhiễm, lây lan, tồn tại, cây ký chủ, mức độ tỉa cành và tiêu hủy cành hiệu quả, biện pháp bao quả (thiết kế 3 loại túi bao quả) và sử dụng thuốc BVTV an toàn, ít độc.

- Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã đạt được, mô hình quản lý tổng hợp bệnh đốm nâu được áp dụng đồng bộ các biện pháp vệ sinh vườn triệt để, biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, biện pháp hóa học an toàn theo quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh đã làm tăng hiệu quả giảm bệnh từ 74,2-93,7%, tăng hiệu quả kinh tế từ 15,1- 27,7%. Cụ thể đối với hiệu quả kỹ thuật đã giúp giảm số lần phun thuốc (từ 12 lần xuống chỉ còn 3 - 6 lần, nếu có áp dụng biện pháp bao quả chỉ phun 3 - 4 lần, nếu chỉ phun thuốc thì áp dụng 6 lần), giảm chi phí sử dụng thuốc BVTV và công lao động phun thuốc từ 50% so với đối chứng khi áp dụng kết hợp với việc bao quả hoặc bao nụ thanh long.

- Các nghiên cứu mới và bổ sung biện pháp quản lý tổng hợp đối với bệnh thối rễ, chết cành, thán thư và thối quả có thể được áp dụng cho vùng trồng thanh long.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16752/2019) tại Cục Thông tin KH&CNQG.

Đ.T.V (NASATI)

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1428
  • Hôm nay71,510
  • Tháng hiện tại1,016,173
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây