Nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm mô hình cộng đồng làng xã cacbon thấp, chống chịu cao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ tư - 18/05/2022 04:38 0

Việt Nam lại là một trong số các quốc gia gánh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất gây ra do biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Với tỉ lệ đóng góp 35,8% trong tổng phát thải khí nhà kính (KNK), nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) mà còn là ngành gây phát thải KNK lớn làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.

Các hoạt động nông nghiệp như canh tác lúa, sử dụng đất nông nghiệp, quản lý chất thải chăn nuôi, xử lý phụ phẩm nông nghiệp… là những nguồn chủ yếu gây phát thải KNK. Có rất nhiều giải pháp quản lý, chính sách, khoa học công nghệ nhằm giảm phát thải KNK, phát triển cacbon thấp ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được đề xuất, tính toán và thử nghiệm trên thế giới. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn các giải pháp phù hợp và khả thi trong điều kiện của khu vực nông thôn Việt Nam, nhằm kết hợp tốt mục tiêu phát triển cacbon thấp, chống chịu và ứng phó BĐKH với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và môi trường bền vững tại địa phương.

Trong bối cảnh đó, đề tài: “Nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm mô hình cộng đồng làng xã cacbon thấp, chống chịu cao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực nông thôn đồng bằng Bắc Bộ” do nhóm nghiên cứu của GS. TS. Nguyễn Văn Nội tại Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường thực hiện từ năm 2016 đến năm 2019, là rất cần thiết.

Đề tài nhằm vào bốn mục tiêu sau: xây dựng cơ sở khoa học của mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở các vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB); xây dựng bộ tiêu chí của mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho các vùng nông thôn ĐBBB; xây dựng mô hình trình diễn và đánh giá hiệu quả các mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao ở các vùng nông thôn ĐBBB nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; và đề xuất giải pháp và phương án nhân rộng các mô hình trình diễn cho các vùng tương tự trên toàn quốc.

Đề tài đã nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn, từ đó xây dựng bộ tiêu chí của mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho các vùng nông thôn ĐBBB. Bộ tiêu bao gồm 3 nguồn vốn, 15 tiêu chí và 49 chỉ số. Nguồn vốn tự nhiên bao gồm tiêu chí sử dụng đất và 10 chỉ tiêu về cơ cấu sử dụng đất, phân chia thành 2 bảng theo 2 nhóm xã nông thôn ven biển và nông thôn nông nghiệp. Nguồn vốn xã hội gồm 8 tiêu chí và 21 chỉ số (thu nhập, tỷ lệ người nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm; giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường & năng lượng, chính sách phòng chống thiên tai). Nguồn vốn cơ sở hạ tầng gồm 6 tiêu chí và 18 chỉ số (giao thông, thủy lợi, nhà ở, điện, cơ sở vật chất cộng đồng sử dụng trong công tác phòng chống thiên tai; hệ thống thông tin liên lạc). Ngoài ra các thành phần và hàm lượng phát thải cacbon đã được làm rõ và tính toán.

Song song với đó, 2 mô hình trình diễn, bao gồm tổ hợp các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và nâng cao khả năng chống chịu BĐKH áp dụng tại 2 xã thí điểm Lam Điền và Hải Đông cũng được triển khai thực hiện. Các mô hình này là công cụ trực quan, nhằm giúp người dân địa phương hiểu rõ và cụ thể hơn về cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với BĐKH. Trên cơ sở phân tích những thách thức và tiềm năng trong việc giảm phát thải KNK và nâng cao sức chống chịu BĐKH ở khu vực nông thôn ĐBBB cũng như các điều kiện đặc trưng tại các địa phương thí điểm, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn các giải pháp khoa học-công nghệ và quản lý phù hợp để áp dụng trong 2 mô hình này để đáp ứng được đồng thời cả 3 mục tiêu: (1) phát triển kinh tế - xã hội, (2) đảm bảo phát triển môi trường bền vững, (3) giảm phát thải cacbon và chống chịu với BĐKH.

Trên cơ sở các mô hình thí điểm và bộ tiêu chí về cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với BĐKH, đề tài tiến hành đánh giá toàn diện tác động của các mô hình tới sự phát triển sinh kế, kinh tế - xã hội - môi trường bền vững của địa phương, đánh giá hiệu quả giảm phát thải KNK và nâng cao sức chống chịu của cộng đồng. Sự phù hợp của từng mô hình với các điều kiện đặc thù của địa phương cũng được phân tích, đánh giá, từ đó đề xuất các phương án nhân rộng mô hình./.

Minh Hồng

 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập339
  • Hôm nay15,973
  • Tháng hiện tại610,067
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây