SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO TẠI NGHỆ AN

Thứ hai - 14/06/2021 22:27 0
Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những phương án thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt. Công nghệ cao đã được ứng dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực nông nghiệp như: trồng trọt; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản,....
Nghệ An là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được xác định là giải pháp thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh. UBND Tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 03/01/2018 phê duyệt vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phát triển khoảng 500 - 600 ha diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, trong đó hình thành và phát triển 3-5 vùng sản xuất rau công nghệ cao với tổng diện tích 450 ha; Hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung tại huyện Nghĩa Đàn, quy mô 200 ha; Phát triển khoảng 800 - 1.000 ha diện tích chè ứng dụng công nghệ cao, khoảng 600 - 800 ha diện tích cam và khoảng 800- 1.000 ha diện tích cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao...

Thu hoạch mía nguyên liệu tại NM đường Sông Con
Tỉnh Nghệ An đã thu hút được một số dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất quan trọng như: Tập đoàn TH, Massan, Vinamilk, Tổng Công ty cổ phần VTNN Nghệ An,... Đây là những doanh nghiệp đi đầu, tạo sức lan tỏa, tạo động lực mới cho sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Nghệ An.
UBND Tỉnh cũng đã ban hành quyết định 15/2018/QĐ-UBND chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong đó có hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao: hỗ trợ tưới nhỏ giọt cho cây chè; hỗ trợ nhà lưới; hỗ trợ địa điểm bán sản phẩm sản xuất ứng dụng công nghệ cao,... Các chính sách này đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.  

Rau trái vụ HTX Nông nghiệp Quỳnh Liên. Ảnh TT
Hiện nay NNCNC tại Nghệ An được áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Các tập đoàn TH, Vinamilk ứng dụng CNC trong sản xuất cây thức ăn chăn nuôi bò sữa; Các Công ty mía đương NASU, Sông Con, Sông Lam ứng dụng CNC trong sản xuất, thu hoạch mía nguyên liệu. CNC cũng được ứng dụng sản xuất lúa, lạc, chanh leo, dược liệu.,.. Trong chăn nuôi, các tập đoàn TH, Vinamilk ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa; Tập đoàn Masan ứng dụng CNC trong chăn nuôi lợn tại trại lợn Hạ Sơn, Quỳ Hợp. Nhiều doanh nghiệp, hộ dân cũng đã ứng dụng CNC tại một số công đoạn chăn nuôi lợn, gà,... Các HTX, hộ dân đã đầu tư nhà lưới, nhà màng để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, toàn tỉnh Nghệ An có 157 nhà lưới, nhà màng với tổng diện tích 25,77 ha, chủ yếu trồng dưa lưới, dưa lê và rau trái vụ. Trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm thẻ chân trắng, ứng dụng công nghệ cao 3 giai đoạn cũng đang được khuyến cáo áp dụng thay thế nuôi tôm truyền thống.

Nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An
Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng Trung tâm chế biến lâm sản Công nghệ cao, đây là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển mạnh về lâm nghiệp và chế biến lâm sản.
Trên thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn đang phải đối mặt với khó khăn, hạn chế. Sản xuất NNCNC ở địa phương hiện mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật ở từng khâu của quá trình sản xuất, mà chưa có nhiều sản phẩm ứng dụng CNC theo chuỗi giá trị sản phẩm, nên hiệu quả mang chưa cao, thiếu tính bền vững. Công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC mới tập trung ở các doanh nghiệp, ở hợp tác xã và các hộ dân còn hạn chế. Một vấn đề quan trọng nữa là không sản xuất theo phong trào. Cần áp dụng công nghệ cao gắn kết với chuỗi sản xuất sản phẩm trên cơ sở định hướng của thị trường để tránh nguy cơ dư thừa sản phẩm. 
Trong bối cảnh hiện nay việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu rủi ro tác động của môi trường là thật sự cần thiết. Để đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch vùng NNCNC tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đang tập trung vào một số mục tiêu trọng tâm như: Xúc tiến đầu tư; rà soát, xây dựng danh mục các dự án, lĩnh vực cây, con chủ lực để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư ứng dụng CNC liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất nguyên liệu gắn với xây dựng các nhà máy chế biến; Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản có lợi thế...
                                                                                     Nguyễn Thái Tuấn 
                                                                          Chi cục QLCL NLS và TS Nghệ An

 

Nguồn: Sưu tầm

 Tags: áp dụng

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay208,155
  • Tháng hiện tại1,171,909
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây