Mô hình nuôi ốc bươu đen mang lại hiệu quả kinh tế cao
Trước đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mô hình nuôi ốc bươu đen chưa nhiều, chưa phổ biến, mới chỉ xuất hiện một số mô hình nhỏ lẻ ở các huyện… Tuy nhiên, hiện nay người dân nhiều địa phương đã biết tận dụng ao, hồ đã có sẵn nuôi cá kém hiệu quả, các vùng chiêm trũng ngoài đồng ruộng khó canh tác cải tạo để nuôi ốc bươu đen.
Nuôi ốc bươu ta không hề tốn kém, chỉ cần một diện tích mặt nước nhỏ, nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi. Ngoài nuôi thả tự do trong ao, ruộng lúa hoặc nuôi tại bể, có thể làm tráng, tức là làm lưới vuông quây kín, rộng từ 5 - 30m2 rồi thả giữa ao, bên ngoài tráng bà con vẫn có thể kết hợp nuôi thả các loại cá khác mà không sợ gây hại ốc. Ở các vùng nông thôn, quanh năm sẵn các loại rau, cỏ, phụ phẩm nông nghiệp nên thức ăn của ốc hoàn toàn có thể tận dụng mà không mất một đồng chi phí nào. Về nguồn giống thì hiện nay đã có một số hộ sản xuất được, giá giống chỉ khoảng 500 đồng/1 con. Trong khi đó, hiện nay, ốc bươu ta là đặc sản trong các nhà hàng, khách sạn, nguồn cung không đủ cầu. Giá ốc trung bình khoảng 60-70 nghìn đồng/1kg. Còn riêng loại ốc nuôi sử dụng phần lớn thức ăn tự nhiên như ở một số hộ nuôi trên địa bàn tỉnh thì giá lên tới 100 nghìn đồng/1kg vì chất lượng thịt thơm ngon hơn. Với mức giá này, 1 sào nuôi ốc nhồi có thể cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng. Như vậy, nuôi ốc bươu đen sẽ là mô hình nuôi thủy sản đầy triển vọng mà tất cả mọi người, kể cả những hộ không có điều kiện về kinh tế có thể áp dụng. Với cách đầu tư từ chuồng trại đến thức ăn hết sức đơn giản, chỉ cần nắm vững quy cách kỹ thuật thì ai cũng có thể làm được. Hiện, ốc bươu đen là mặt hàng được mọi người rất ưa chuộng, có hàm lượng dinh dưỡng cao...
Tại Quỳnh Lưu, vừa qua, ngoài những con giống gia cầm, thủy cầm đang thả nuôi trong trang trại, ông Trần Hải Đăng (xóm 4, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu) đưa giống cua đồng, ốc bươu đen ở phía Bắc về để nuôi thử nghiệm ở trang trại.
Mô hình nuôi ốc bươu đen, cua đồng của ông Trần Hải Đăng ở xóm 4, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu
Để thực hiện mô hình, ông Đăng đã tiến hành xây dựng hạ tầng 2 ao nuôi, trên diện tích 700 m2, với tổng kinh phí 60 triệu đồng, trong đó được huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ 30 triệu đồng. Sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng thì vào cuối tháng 4, ông Đăng đã ra các tỉnh Nam Định, Tuyên Quang, Hà Nội mua 60 kg cua đồng, 2 vạn con ốc bươu đen và mua thêm 4 vạn con chạch về thả nuôi. Sau 15 ngày thả nuôi thì các con giống thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở địa phương nên sinh trưởng và phát triển rất nhanh.
Theo ông Đăng, một ao ông nuôi kết hợp giữa cua đồng và chạch, ao còn lại ông nuôi chạch và ốc bươu đen. Khi nuôi cùng thì cua đồng thường xé nhỏ thức ăn như ốc bươu vàng, cá tạp nên giúp chạch ăn được dễ dàng hơn. Còn đối với ốc bươu đen chủ yếu ăn lá đu đủ, lá sắn, cây xuyến chi, rau muống, bèo tây, cám, mà trong vườn nhà của ông lại có sẵn nên không tốn chi phí trong quá trình thả nuôi. Đây là những loại con thuộc dòng tự nhiên nên rất dễ nuôi nhưng điều quan trọng nhất theo ông Đăng là nguồn nước phải đảm bảo. Vì vậy, ông thường xuyên kiểm tra mực nước và độ trong của nước trong ao nuôi. Đồng thời, trong ao nuôi ông Đăng thả bèo tây làm nơi trú ngụ và tránh nắng cho con vật. Theo định kỳ cứ một tuần ông lấy mẫu nước đi xét nghiệm độ PH, độc tố để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, trong ao ông thả bèo tây để che mát và làm nơi trú ngụ cho con vật. Ngoài ra, dưới đáy ao ông lót một tấm lưới dày để dễ dàng vớt xương cá, thức ăn dư thừa và các tạp chất lên khỏi ao nuôi nhằm tránh làm ô nhiễm nguồn nước. Mô hình nuôi ốc bươu đen của ông Trần Hải Đăng xã Quỳnh Ngọc là một hướng đi mới ở Quỳnh Lưu, là mô hình khá hiệu quả, không cần vốn nhiều nhưng đầu ra lại rất ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá.
Mô hình nuôi ốc bươu đen của hộ gia đình anh Lê Văn Giang, xã Đức Thành, huyện Yên Thành
Tại Đô Lương, thời gian vừa qua một số hộ gia đình đã phát triển nhiều mô hình nuôi ốc bươu đen và ếch thịt cho thu nhập khá. Việc nuôi ốc bươu đen và ếch sinh sản đã góp phần đa dạng các loại vật nuôi trên địa bàn huyện Đô Lương. Điển hình như chị Nguyễn Thị Thắng ở xóm Ngọc Thành, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương. Chị Thắng đã thành công với mô hình nuôi ốc bươu đen sinh sản. Nhờ nuôi ốc đã tạo thêm một đặc sản cho huyện Đô Lương và thu nhập khá cho gia đình. Cùng với việc nuôi ốc, cùng trên diện tích ao, chị Thắng còn thả thêm cá. Việc nuôi cá không ảnh hưởng đến sinh trưởng của ốc bươu đen; ngoại trừ không được nuôi cá trắm đen, cá dơi trắng, cá chép, bởi đây là những loại cá ăn ốc. Việc nuôi cá và ốc kết hợp đã cho chị Thắng thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Tại Nghĩa Đàn, anh Trương Duy Luých, dân tộc Thổ ở xóm Ráng, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn cũng đã thành công với mô hình nuôi ốc bươu đen trong ao và mang lại thu nhập cao. Ở vùng sâu vùng xa có mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Luých là mô hình mới đang cho thu nhập cao, đầu ra ổn định, vì vậy, mô hình thường xuyên được các cơ sở đoàn đi thăm quan, học tập mô hình để nhân rộng tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi…
Tại Yên Thành, các mô hình nuôi ốc bươu đen được triển khai khá phổ biến. Hộ gia đình anh Lê Văn Giang, ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành là một trong những hộ điển hình trong mô hình nuôi ốc bươu đen tại địa phương. Với 5.0002 ao nuôi cá được tận dụng để nuôi ốc, anh Giang hiện đang vừa nuôi ốc thịt vừa nuôi ốc sinh sản, mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.
Cũng tại Yên Thành, từ 2013, nhận thấy nuôi ốc bươu vốn đầu tư ít, ít công chăm sóc nhưng đem lại thu nhập khá nên chị Nguyễn Thị Kiều ở xóm 9, xã Lý Thành, Yên Thành đã mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng ao kiên cố (5 ao, mỗi ao rộng từ 15 - 20 m2)và mua ốc giống về nuôi thả. Theo chị Kiều, mô hình nuôi ốc bươu kinh phí đầu tư ít, đầu ra lại rất ổn định, lại mang lại nguồn thu nhập khá. Bởi hiện nay, ốc đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng, khách sạn. Chĩ đã tự học hỏi, nghiên cứu thêm tài liệu để nhân giống, mở rộng quy mô nuôi và nuôi thử nghiệm thêm các loại "đặc sản" đồng quê như: cua, chạch và một bể ếch.
Theo ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội Làm vườn Nghệ An, hiện nay, do con người lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên vô tình làm ảnh hưởng hệ sinh thái của ốc tự nhiên ngày càng khan hiếm, mặc dầu là nuôi, nhưng những loại thức ăn cũng đều là tự nhiên, nên chất lượng luôn được đảm bảo. Mỗi mét vuông nuôi đúng kỹ thuật cho thu hoạch từ 4-5kg ốc, trọng lượng đạt khoảng 25 - 30 con/kg, giá bán tại ao dao động từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng/kg, giá trên thị trường là 100.000 - 120.000 đồng/kg nên người nông dân nuôi loại ốc này có thu nhập ổn định...".
Ốc bươu đen, khi đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, quy luật phát triển của con ốc ngay tại địa phương, tận dụng lợi thế sẵn có như mặt bằng, nhân công, thức ăn dễ tìm, đầu tư ít và ít rủi ro, chất lượng sản phẩm và giá thành cao, dễ tiêu thụ là hướng đi bền vững giúp người dân tìm công ăn việc làm chính đáng, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với sự phát triển tốt như giai đoạn vừa qua, hy vọng đây sẽ là hướng đi mới cho các hộ dân nhằm nâng cao góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn./.
Hoàng Ngân
Tin khác
- Thanh Chương triển khai mô hình nuôi dê thịt thương phẩm
- Các nhà khoa học giải thích tại sao chúng ta bị nấc
- Nuôi dế mèn cho hiệu quả kinh tế cao
- Yên Thành phát triển bền vững cây ăn quả có múi
- Nghiên cứu nâng cao tỷ lệ sống của tôm hùm (Panulirus Ornatus) giống giai đoạn ương nuôi
- Nghiên cứu nhân nhiễm Cd và Hg trên sò lông (Anadara subcrenata), điệp (Mimachlamys Nobilis) và nghêu lụa (Paphia undulata) trong vùng thu hoạch trọng điểm và giải pháp phòng ngừa
- Các nhà nghiên cứu Israel phát triển lớp phủ chống vi khuẩn đa mục đích
- Trung Quốc đã thành lập một trung tâm nghiên cứu về kỹ thuật và trị liệu gen
- Phát hiện Vitamin E acetate là thủ phạm gây tử vong liên quan đến hút thuốc lá điện tử
- Liệu pháp phage mang lại hứa hẹn cho bệnh gan do rượu
- Hoạt động của con người đã tăng tốc độ xói mòn đất cách đây 4.000 năm
- Nuôi trồng thủy sản - Phòng bệnh hơn chữa bệnh
- Thu nhập ổn định từ mô hình nuôi vịt đẻ trứng kết hợp nuôi cá
- Anh Sơn xây dựng mô hình trồng khoai tây Đức
- Nấm có thể giảm sự phụ thuộc vào phân bón
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CAS (Cells Alive System) trong bảo quản một số loại quả xuất khẩu chủ lực (nhãn, xoài, thanh long)
- Giường bệnh bằng đồng có tác dụng diệt khuẩn
- Nghiên cứu mới giải thích cách thức virus HIV có thể né tránh ZAPped
- Cholesterol, chất béo khi sinh liên quan đến sức khỏe tâm lý ở trẻ 5 tuổi
- Chủng vi khuẩn ăn thịt kết hợp với nhau gây nhiễm trùng chết người