Chuyển đổi số doanh nghiệp - Khó khăn nhưng không thể không làm

Thứ hai - 06/11/2023 22:00 0

Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn xảy ra. Nhờ chuyển đổi số mà nhiều doanh nghiệp sẽ phát triển như Kỳ Lân nhưng nếu không theo kịp chuyển đổi số cũng sẽ khiếp doanh nghiệp đi xuống.

“Chuyển đổi số không còn là câu chuyện cá lớn nuốt cá bé mà là cá nhanh nuốt cá chậm” - ông Klaus Martin Schwab nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) nhận định.

Tác động của công nghệ số lên các tổ chức, các ngành nghề là khác nhau, nên lộ trình chuyển đổi sẽ khác nhau. Một doanh nghiệp sản xuất xi măng có thể ít bị tác động bởi công nghệ số hơn là một doanh nghiệp du lịch. Nếu một doanh nghiệp lớn không đổi mới, nó có thể sẽ bị thay thế bởi những doanh nghiệp mới nổi, nhỏ và linh hoạt hơn.

Thực trạng hiện nay cụm từ “chuyển đổi số” xuất hiện rất nhiều trên truyền thông, báo chí, mạng xã hội tuy nhiên để doanh nghiệp có thể nắm bắt được lại không đơn giản. Trong thời gian qua, dù đạt được một số kết quả tích cực nhưng hoạt động chuyển đổi số của Hà Nội vẫn đứng trước nhiều thực trạng khó khăn.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, trong năm 2022 - giai đoạn đất nước thúc đẩy phục hồi sau đại dịch COVID-19, có đến 90% doanh nghiệp quan tâm chuyển đổi số. Tuy nhiên, số doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để chuyển đổi số chỉ chiếm 40%. Nhìn chung, đa phần các doanh nghiệp thủ đô đều quan tâm đến chuyển đổi số nhưng mức quan tâm và tỉ lệ thực hiện chuyển đổi không đồng đều.

Ông Lê Tuấn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Nam Linh, đang vận hành hai xưởng may với quy mô 250 lao động tại quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ, doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm may mặc, việc chuyển đổi số trong bán hàng và marketing là hai lĩnh vực mà doanh nghiệp rất quan tâm để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang khá băn khoăn về tiến trình này bởi những hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính cũng đang là rào cản rất lớn. Dù công ty đã có chuyên viên kỹ thuật nhưng những công việc như lập trình, xử lý lỗi ứng dụng thì phải thuê, mua từ các đơn vị cung cấp bên ngoài với chi phí rất đắt đỏ.

Về vấn đề này, bà Đinh Thị Thúy - Ủy viên Ban chấp hành doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, thời điểm hiện tại các công ty công nghệ Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ, đưa ra giải pháp đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp với mức chi phí phù hợp.

Như vậy doanh nghiệp muốn chuyển đổi số không phải tự mình nghiên cứu hay mua công nghệ từ nước ngoài mà đã có sự trợ giúp của những công ty chuyên hỗ trợ chuyển đổi cho doanh nghiệp trong nước, điều này không chỉ tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp mà còn đem lại sự tiện lợi vì khi gặp sự cố sẽ có đội ngũ xử lý ngay không phải tự mình làm hay phải đợi chuyên gia nước ngoài đến. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ chính con người chứ không quan trọng về cơ sở vật chất như nhiều doanh nghiệp vẫn nghĩ. Muốn chuyển đổi số, doanh nghiệp phải đào tạo những con người số, nắm bắt được công nghệ, đánh giá được những mặt tích cực từ đó làm động lực chuyển đổi số sớm, nhanh, hiệu quả.

Về phía chủ doanh nghiệp đã chuyển đổi số, ông Trần Phương Lê - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và Thương mại Phương Linh chia sẻ, 5 năm trước khi các công ty công nghệ tại Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chuyển đổi số doanh nghiệp, ông đã tìm hiểu và áp dụng công nghệ chuyển đổi số của Châu Âu cho doanh nghiệp của mình dù chi phí rất cao. Khoản chi phí này được coi là áp lực với doanh nghiệp thời điểm đó, tuy nhiên sau 5 năm chuyển đổi, doanh nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Vì vậy ông Trần Phương Lê rút ra bài học chuyển đổi số “khi mới bắt đầu sẽ gặp muôn vàn những khó khăn nhưng chúng ta có dám vượt qua khó khăn đó hay không? Tôi nghĩ đã là chủ doanh nghiệp chúng ta phải học, học suốt đời, để chúng ta có nền tảng, tuy duy đổi mới của thế giới. Nếu chúng ta không thức tỉnh sẽ bị tụt hậu”.

Chuyển đổi số đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đi từ những nền tảng cơ bản, áp dụng chuyển đổi cho từng giai đoạn của công ty bằng cách lựa chọn những gói công nghệ phù hợp với quy mô doanh nghiệp sau đó tăng dần lên và cuối cùng làm chủ. Các công ty công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi giống như những bác sĩ tìm và chữa bệnh cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần lựa chọn công ty công nghệ đủ uy tín để đồng hành trong quá trình chuyển đổi số. Cùng với đó, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội luôn sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa chuyển đổi số.

Duy Trinh

Nguồn tin: vietq.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây