CHÀNG KỸ SƯ THUỶ SẢN ĐAM MÊ KHOA HỌC

Thứ tư - 06/11/2019 22:15 0

Là một kỹ sư chuyên ngành nuôi trồng Thuỷ sản, Hoàng Văn Hợi (Công Ty TNHH 1 TV Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản) luôn quan tâm đến các điều kiện phát triển thuỷ sản tại tỉnh Nghệ An. Để có thể tiếp cận với những tiến bộ khoa học và công nghệ mới nhằm ứng dụng vào nuôi trông thuỷ sản Hoàng Văn Hợi đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi rất nhiều trên các tài liệu chuyên ngành cũng như thông tin mới về các đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước.

Từ thực tế của Nghệ An hiện nay, Hợi nhận thấy có hồ thủy điện lớn như hồ thủy điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương và hồ thủy điện Hủa Na tại huyện Quế Phong... đây là những diện tích mặt nước rất lớn đầy tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá lồng. Tuy nhiên, vấn đề công nghệ lồng nuôi hiện tại chưa đáp ứng được điều kiện vùng lòng hồ. Lồng truyền thống thời gian sử dụng thấp 1-2 năm, lồng nuôi bằng nhựa HDPE nhập khẩu rất đắt tiền. Vì vậy, cần tạo ra 1 loại lồng nuôi cá phù hợp nuôi hồ chứa vừa có tuổi thọ cao vừa phù hợp với khả năng đầu tư của hầu hết người dân tại các vùng đó.

 Hệ thống lồng nuôi cá bằng nhựa gồm 4 bộ phận chính: khung lồng, giá nâng lưới mặt, túi lưới, neo. Chất liệu của lưới được làm bằng polyetylen chống tia cực tím mặt trời, giúp cho tuổi thọ của lưới được kéo dài. Với kết cấu khá đơn giản nên việc lắp đặt, thi công và vận hành hệ thống lồng rất dễ dàng mà giá thành lại rẻ chỉ bằng một nửa các hệ thống được làm bằng tre, bằng gỗ. Hệ thống lồng nuôi cá góp phần giúp cho những hộ nuôi trồng có quy mô lớn giảm thiểu được tối đa nhân công và thời gian chăm sóc.

Hệ thống lồng nuôi cá bằng nhựa, chi phí thấp

Lồng nuôi được bố trí với 4 lồng liên kết, đối diện nhau và nhà ở để bảo vệ, cho cá ăn ở vị trí trung tâm, rất thuận tiện trong quản lý, theo dõi trong quá trình nuôi. Với thiết kế rộng của lồng, thức ăn không bị thất thoát ra ngoài, đồng thời giá thành giảm tới hơn 500.000 đồng/m3 so với lồng truyền thống. Tuổi thọ của lồng cao, trong 10 năm đầu không phải bỏ chi phí tái đầu tư trong khi các lồng truyền thống bằng tôn, mét sau 1 năm đã phải thay thế dần. Lồng bằng nhựa có ưu điểm nhẹ, dễ di chuyển, có thể tháo độc lập từng lồng và kích cỡ lồng có thể lên đến 300-400m3/lồng, còn lồng truyền thống nặng, khó di chuyển và kích cỡ tối đa chỉ khoảng 70m3. Từ đó, có thể giảm chi phí đầu tư cho hệ thống lồng, giảm chi phí nhân công và tăng năng suất của lồng nuôi.

Khi được hỏi về tính ưu viết của công trình này, anh Hợi cho biết: Hệ thống lồng được cấu tạo khá đơn giản, dễ lắp đặt, với nhiều vật liệu dễ kiếm trên thị trường. Lồng gồm có khung làm bằng nhựa HIPE, hình tròn nên có tính đàn hồi cao, chịu được lực tác động của sóng gió va đập. Lồng được kết cấu chỉ một vòng nhựa HIPE nên việc thi công lắp đặt rất dễ dàng. Với hệ thống túi lưới làm bằng chất liệu polyetylen dệt không gút, có độ bền cao và được gia cố bằng các dây giềng đảm bảo tính bền chắc hơn. Ở cuối phần dây giềng được treo bởi các hòn chì lưới nên đảm bảo thể tích của túi lưới và không bị nước làm chảy dạt. Bộ phận neo được thiết kế liên kết từ neo đến khung lồng thông qua phao chịu lực, có tác dụng như một lò xo giúp hệ thống lồng nuôi tự động nổi lên hay hạ xuống tùy theo mực nước hồ chứa.

Hoàng Văn Hợi (Thứ 2 trái sang) nhận Bằng khen và Cúp Bông sen sáng tạo của UBND tỉnh Nghệ An cho giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Nghệ An năm 2013

Hệ thống lồng này được anh Hợi thử nghiệm nuôi cá trắm đen trên hồ Thủy điện Bản Vẽ với quy mô 4 lồng, thể tích 300m3. So với lồng nuôi cá truyền thống, công nghệ lồng mới này không có góc chết nên môi trường nước trong lồng nuôi luôn thông thoáng, cá không bị vướng lưới, không bị xây xát, ít bệnh tật. Năng suất đạt 10kg/m3, tỷ lệ sống đạt trên 85%, cá thu hoạch được từ 3-4kg/con. Sản phẩm đã tham gia Hội chợ Công nghệ và Thiết bị quốc tế Việt Nam 2015, Chợ Công nghệ và Thiết bị vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - Techmart Daknong 2013", Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015" và đã được Ban tổ chức của các sự kiện này tặng giấy chứng nhận sản phẩm thu hút được sự quan tâm của khách tham quan. Đặc biệt, công trình đã được UBND tỉnh Nghệ An tặng Giải Nhì cuộc thi Sáng tạo KH&CN tỉnh Nghệ An năm 2013. Công trình này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng sáng chế ngày 25/11/2013.

Bên cạnh công trình lồng nuôi cá, Hoàng Văn Hợi còn tích cực tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Anh đã có 4 đề tài, dự án cấp tỉnh nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản và được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá cao. Với vạu trò là thành viên của Câu lạc bộ sáng chế, Hoàng Văn Hợi đã và đang tích cực nghiên cứu và sáng chế các công trình phục vụ lao động sản xuất đồng thời hỗ trợ các thành viên của Câu lạc bộ trong sáng tạo và hướng dẫn làm các thủ tục cấp bằng sáng chế./.

Hải Yến

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây