Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị xơ gan mất bù

Chủ nhật - 26/03/2023 22:55 0
Vừa qua, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Tiến Thịnh tại Viện nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108 đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị xơ gan mất bù” nhằm xây dựng thành công quy trình sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị xơ gan mất bù và đánh giá kết quả sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị xơ gan mất bù.
Sau bốn năm nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả nổi bật như sau: Về xây dựng thành công quy trình sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị xơ gan mất bù: Xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân sàng lọc và bệnh nhân nghiên cứu. Khám sàng lọc cho 300 bệnh nhân xơ gan do HBV, tuyển chọn 62 bệnh nhân xơ gan mất bù do HBV vào nhóm nghiên cứu. Xây dựng và hoàn thiện “Quy trình phân lập tế bào gốc tủy xương tự thân để điều trị bệnh nhân xơ gan mất bù” và phân lập, xử lý thành công 31 khối tế bào gốc tự thân từ tủy xương để điều trị cho 31 bệnh nhân xơ gan mất bù do HBV. Xây dựng và hoàn thiện “Quy trình phân lập tế bào gốc máu ngoại vi tự thân để điều trị bệnh nhân xơ gan mất bù” và phân lập, xử lý thành công 31 khối tế bào gốc tự thân từ tủy xương để điều trị cho 31 bệnh nhân xơ gan mất bù do HBV. Xây dựng và hoàn thiện “Chỉ định và quy trình kỹ thuật can thiệp nội mạch sử dụng khối tế bào gốc máu ngoại vi tự thân sau huy động bằng G-CFS trong điều trị xơ gan mất bù”. Xây dựng và hoàn thiện “Chỉ định và quy trình kỹ thuật can thiệp nội mạch sử dụng khối tế bào gốc tủy xương tự thân trong điều trị xơ gan mất bù”.
Về kết quả sử dụng khối tế bào gốc tự thân thu thập từ tủy xương và từ máu ngoại vi trong điều trị xơ gan mất bù cho: Truyền khối tế bào gốc tự thân có hiệu quả cải thiện chức năng gan, thông qua kết quả thay đổi có ý nghĩa các chỉ số albumin, tỷ lệ prothrombin và bảng điểm Child Pugh, tuy nhiên không làm thay đổi điểm MELD tại thời điểm 6 tháng so với trước điều trị. Truyền khối tế bào gốc tự thân không làm thay đổi chênh áp tĩnh mạch gan tại thời điểm 6 tháng sau can thiệp so với trước điều trị nhưng có sự cải thiện về độ viêm và độ xơ hóa của gan trên hình ảnh mô bệnh học sau điều trị 6 tháng. So sánh kết quả điều trị giữa nhóm điều trị bằng khối tế bào gốc máu ngoại vi sau huy động bằng G-CSF và nhóm điều trị bằng khối tế bào gốc tủy xương cho thấy không có sự khác biệt về cải thiện chức năng gan, và hình ảnh mô bệnh học. Đây là phương pháp điều trị an toàn, không có biến chứng và tử vong liên quan đến phương pháp điều trị. Tuy nhiên, cần có các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên với nhiều bệnh nhân hơn nữa để đánh giá sự an toàn, lợi ích lâm sàng để phát triển liệu pháp tế bào gốc tự thân cho bệnh nhân xơ gan mất bù./.
Thái Tuấn (Tổng hợp)

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây