Nhà khoa học Việt tách hoạt chất chống loãng xương từ cây rừng

Thứ hai - 28/11/2022 21:01 0

Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội chiết xuất thành công các hoạt chất có tác dụng chống loãng xương từ cây bướm bạc, vót vàng nhạt, triển vọng phát triển thuốc điều trị.

TS Nguyễn Hải Đăng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Chủ nhiệm đề tài cho biết, từ năm 2017 nhóm bắt đầu nghiên cứu, tìm kiếm các hoạt chất có tác dụng chống loãng xương từ nguồn thực vật phía Bắc Việt Nam.

Trong số 235 mẫu thực vật được sàng lọc khả năng chống loãng xương, có 74 mẫu thể hiện tác dụng ức chế tế bào hủy xương. Trong số này, nhóm lựa chọn 3 loài nghiên cứu sâu gồm: bướm bạc (Mussaenda pubescens), đinh lăng (Polycias fruticosa) và vót vàng nhạt (Viburnum lutescens), phân lập được 41 hợp chất có tác dụng ức chế sự hình thành tế bào hủy xương.

 
Nhóm nghiên cứu làm việc tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Hồng Khánh

Nhóm nghiên cứu làm việc tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Hồng Khánh

TS Hải Đăng cho biết, có hàng chục hợp chất được phân lập nhưng nhóm chỉ chọn 2 hợp chất mussaendoside O (từ loài bướm bạc) và 2-oxo-3β,23-dihydroxyolean-12-en-28-oic acid (chất mới từ loài vót vàng nhạt) để thử nghiệm sâu về khả năng chống loãng xương trên mẫu tế bào và trên chuột. Hai hợp chất này cho hiệu quả cao, kết quả được công bố trên tạp chí chuyên ngành quốc tế.

"Đây là bước nghiên cứu cơ bản rất quan trọng trước khi thực hiện các bước tiếp theo", TS Đăng nói. Ngoài thực nghiệm đánh giá hoạt tính trên tế bào, các nghiên cứu về cơ chế đã giúp hiểu sâu hơn về tác động của các hợp chất tiềm năng trên các đích sinh học. Từ đó, định hướng các nghiên cứu tiếp theo trên chuột. Để ứng dụng lâm sàng và phát triển thành thuốc "trung bình cần khoảng 12-15 năm và tiêu tốn khoảng 1-2 tỷ USD", TS Đăng nói và cho biết, tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu.

Chia sẻ về quá trình triển khai, Chủ nhiệm đề tài cho biết, khó khăn lớn nhất của nhóm là biệt hóa được tế bào hủy xương từ tế bào RAW264.7. Thí nghiệm này cần phải thực hiện liên tục và yêu cầu kỹ thuật cao. Thêm nữa, đề tài thực hiện trong thời gian giãn cách do Covid-19, nhiều dòng tế bào không thể duy trì, một số dòng tế bào quan trọng bị mất nên phải nuôi lại, mất rất nhiều thời gian.

Sau hơn 3 năm nghiên cứu, nhóm đã thu được những kết quả bước đầu. Ngoài việc chiết xuất thành công các hợp chất quý, quá trình thực hiện đề tài giúp hình thành một nhóm nghiên cứu có sự phối hợp giữa các nhà khoa học về hóa học và sinh học. Kết quả là "nhóm nghiên cứu mạnh thuộc trường USTH được thành lập", TS Đăng cho biết.

Trên cơ sở vận hành nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm các nguồn hoạt chất tiềm năng có dược tính cao, hướng đến các hoạt tính như chống loãng xương, chống viêm và chống ung thư.

Hải Minh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây