Truy tìm nguồn gốc COVID-19: Không dễ trả lời

Thứ tư - 28/04/2021 22:18 0

Mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố toàn văn báo cáo về kết quả điều tra về nguồn gốc Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc với nhiều thông tin rất chi tiết. Tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc của đại dịch mới được công bố tuần qua được đánh giá là một bản tóm tắt chuyên sâu về dữ liệu có sẵn, bao gồm các chi tiết chưa từng thấy. Đây là kết quả của một cuộc điều tra chung giữa các nhà nghiên cứu Trung Quốc và quốc tế, bao gồm một chuyến đi kéo dài bốn tuần vào đầu năm nay đến Vũ Hán, Trung Quốc, nơi Covid-19 lần đầu tiên được phát hiện.


Lấy mẫu thực phẩm để tìm dấu vết của virus tại một khu chợ bán thực phẩm tươi sống ở Trung Quốc.
Ảnh: Wei Liang/Getty

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để khoa học xác định được nguồn gốc của virus, qua đó đem lại những thông tin có thể giúp ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. David Robertson, nhà virus học tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh, nhận xét, dù các chi tiết trong báo cáo rất hữu ích nhưng lại không có nhiều thông tin mới. "Dữ liệu đã xác nhận rất nhiều điều đã được biết đến, đặc biệt là về thời gian của các sự kiện và các trường hợp đầu tiên ở Vũ Hán."

Những thách thức còn lại bao gồm việc tìm ra loài động vật có thể đã mang virus từ dơi sang người và xác định xem sự lây lan này xảy ra như thế nào. Thành viên nhóm WHO Thea Fisher, nhà virus học sức khỏe cộng đồng tại Bệnh viện North Zealand ở Copenhagen, cho biết: "Đây chỉ là bước đầu tiên trong một chuyến đi dài ​​để tìm ra nguồn gốc virus".
Nature đã trao đổi với các nhà khoa học về những gì xảy ra tiếp theo.

Có gì mới trong báo cáo?

Báo cáo mô tả kết quả của nhiều tuyến điều tra, bao gồm thời điểm SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở người và loài động vật nào có thể đã mang nó. Đại dịch có thể đã bắt đầu bùng phát trước tháng 12, khi virus đã lây lan mà không bị phát hiện. Nó đã được biết đến thông qua một loài động vật không rõ nguồn gốc, hoạt động như một vật trung gian giữa dơi mang virus và con người.

Nhóm nghiên cứu không tìm thấy loài đó, mặc dù các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã thử nghiệm hàng chục nghìn mẫu động vật hoang dã và vật nuôi nhưng không khả quan. Họ cũng kết luận rằng việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".

Báo cáo tiết lộ nhiều điều về những người nhiễm đầu tiên được biết đến với Covid-19 - và về mối liên hệ của họ với chợ Huanan, nơi nhiều trường hợp đầu tiên đã được xác định - Virginie Courtier, một nhà di truyền học tiến hóa tại Viện Jacques Monod ở Paris cho biết. "Đây là nghiên cứu dịch tễ học phân tử toàn diện nhất về vụ dịch ở Vũ Hán".

Các nhà khoa học băn khoăn về điều gì?

Nhiều câu hỏi quan trọng vẫn đang tồn tại, bao gồm động vật trung gian, địa điểm và thời điểm xảy ra. Báo cáo bao gồm các khuyến nghị cho các nghiên cứu sâu hơn, bao gồm theo dõi dấu vết của những người nông dân, lái buôn động vật và sản phẩm động vật tại các chợ trên khắp Vũ Hán.

Eddie Holmes, nhà virus học tại Đại học Sydney ở Úc, cho biết ưu tiên nên là "theo dõi các loài động vật", bắt đầu từ chợ Huanan. Các nhà nghiên cứu cho biết với số lượng lớn các loài động vật mà SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm, việc lấy mẫu phải mở rộng hơn nữa. Chắc chắn, dơi phải nằm trong số những loài vật đó. Họ hàng gần nhất được biết đến của SARS-CoV-2 là coronavirus dơi có tên là RaTG13, được phân lập từ một con dơi trong một mỏ ở Mặc Giang, miền Nam Trung Quốc. Nhưng nó chỉ giống 96% bộ gene với SARS-CoV-2, có nghĩa là nó có quan hệ họ hàng xa. Courtier nói rằng nên lấy mẫu nhiều dơi hơn từ mỏ đó và các nhà nghiên cứu nên chia sẻ trình tự của các virus khác được phân lập ở nơi này.

Nhưng dựa trên việc các nhà nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu dơi toàn diện trong nhiều hang động trong thập kỷ qua, Linfa Wang, nhà virus học tại Trường Y Duke – Đại học Quốc gia Singapore, nghi ngờ liệu có tìm thấy những loài họ hàng gần hơn của coronavirus chủng mới hay không. "Nếu bạn đưa cho tôi một tỷ đô la, tôi sẽ không chỉ lấy mẫu ở động Mặc Giang mà còn lấy mẫu ở cả Đông Nam Á. Việc lấy mẫu nên mở rộng đến các khu vực ít được chú ý như Thái Lan và Campuchia, những nơi đó gần đây đã phân lập được các họ hàng khác của SARS-CoV-2", Wang cho biết thêm.

"Để xác định thời điểm virus xuất hiện lần đầu ở người, cần xét nghiệm các mẫu máu lưu trữ để tìm kháng thể tại Trung tâm máu của Vũ Hán", Wang nói. Trung tâm này nhận 200.000 lượt hiến máu mỗi năm và lưu trữ chúng trong hai năm. Báo cáo đã khuyến nghị xét nghiệm mẫu trong các ngân hàng máu trên khắp Trung Quốc và toàn cầu, tập trung vào sáu tháng trước khi những trường hợp đầu tiên được biết đến.

Các nhà nghiên cứu khác nói rằng cần biết thêm thông tin chi tiết về các trường hợp đầu tiên được biết đến, bao gồm trình tự bộ gene đầy đủ để xác định sự đa dạng và hình dạng của virus ban đầu.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Với nhiều câu hỏi chưa được trả lời, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Chuyến thăm Vũ Hán là giai đoạn đầu tiên trong quy trình của WHO bắt đầu vào tháng 5/2020; Nó sẽ được nối tiếp bằng nghiên cứu dài hạn hơn, theo một thỏa thuận giữa Trung Quốc và WHO.

Dominic Dwyer, nhà virus học tại New South Wales Health Pathology ở Sydney, và thành viên nhóm WHO, nói rằng một số công việc đã bắt đầu, bao gồm cả việc phân tích lại dữ liệu giám sát về các bệnh giống cúm ở Trung Quốc trước tháng 1/2020. Nhưng các công việc khác, bao gồm cả xét nghiệm máu được hiến tặng, sẽ mất nhiều thời gian hơn. Các dự án khác đang xác định các trang trại cung cấp động vật hoang dã cho các chợ ở Vũ Hán và đánh giá thời gian virus có thể tồn tại trong thực phẩm đông lạnh vì đây cũng có thể là nguồn lây truyền.
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết trong một tuyên bố rằng tổ chức cam kết tiếp tục tìm kiếm. "Rõ ràng là chúng tôi cần nghiên cứu nhiều hơn trên một loạt các lĩnh vực, điều này sẽ đòi hỏi các chuyến thực địa sâu hơn".

David Heymann, một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, cho biết trọng tâm của nghiên cứu về nguồn gốc của Covid-19 bây giờ là giảm thiểu sự lây lan trong tương lai từ động vật sang người của SARS-CoV-2 và các virus khác có khả năng gây đại dịch. Ông cho biết thêm: "Chúng ta cần thay đổi mô hình từ phát hiện và phản ứng nhanh sang phòng ngừa tại nguồn".

Robertson đồng ý rằng việc đánh giá rủi ro của những sự kiện như vậy nên được ưu tiên. Ông nói: "Như dữ liệu cho thấy, SARS-CoV-2 không cần thay đổi nhiều, hoặc có thể lây truyền ở người như vậy, nên không khó khăn để nó tiếp tục xuất hiện trong tương lai".

Các nhóm không tham gia vào nghiên cứu của WHO cũng tiến hành tăng cường lấy mẫu và giải trình tự các mẫu lưu trữ từ dơi và các loài động vật trung gian có thể có, ở Trung Quốc và khắp Đông Nam Á, để tìm kiếm các virus tổ tiên tiềm ẩn. Trong tháng qua, các nhà nghiên cứu ở Vân Nam, một tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc, đã xác định được một số coronavirus dơi mới có liên quan chặt chẽ với SARS-CoV-2.

Thuyết "rò rỉ từ phòng thí nghiệm"

Báo cáo kết luận rằng khả năng Covid-19 bắt nguồn từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm là rất nhỏ. Nhưng ngày càng có nhiều áp lực, bao gồm từ các nhà nghiên cứu, để có một cuộc điều tra toàn diện hơn về lộ trình khả thi này. Filippa Lentzos, một nhà nghiên cứu về an toàn sinh học tại Đại học King's College London, cho biết các thành viên trong nhóm của WHO không có đủ kiến ​​thức cần thiết để điều tra vi phạm an toàn sinh học.

Tedros đồng ý rằng cần phải điều tra thêm và sẵn sàng cử các phái đoàn bổ sung có sự tham gia của các chuyên gia có liên quan. Ông nói rằng đánh giá của nhóm, dựa trên các chuyến thăm phòng thí nghiệm và phỏng vấn với các nhà nghiên cứu, là chưa đủ sâu rộng, đồng thời nói thêm rằng "theo như WHO lo ngại, tất cả các giả thuyết vẫn còn trên bàn".

Một lập luận quan trọng chống lại giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là SARS-CoV-2 là một loại virus chưa được biết đến trước đại dịch, không có dấu vết trong các cơ sở dữ liệu công khai và các bài báo nghiên cứu. Nhưng một số nhà nghiên cứu nói rằng không thể biết chính xác loại virus nào đã được lấy mẫu (để thí nghiệm tạo ra virus này, nếu có) trên khắp thế giới. Tuy nhiên Wang nói rằng rất khó có khả năng một phòng thí nghiệm giữ bí mật thông tin như vậy, dẫu có bổ sung thông tin: có một khả năng nhỏ là ai đó đang nghiên cứu về loài dơi và vô tình bị nhiễm một loại virus không xác định khi đang thu thập mẫu trong hang động, chính sự lây nhiễm này có thể gieo mầm thành đại dịch.

Liệu bao giờ tìm ra nguồn gốc của virus?

Trước tình hình chính trị và nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, một số nhà khoa học đã tự hỏi liệu nguồn gốc của đại dịch có thể mãi mãi là bí ẩn hay không? Những người có nhiều kinh nghiệm trong truy tìm nguồn gốc dịch bệnh cho rằng, việc này đòi hỏi thời gian và một chút may mắn.

Theo Robertson, nguồn gốc của nhiều loại virus ở người phải mất nhiều năm mới biết được. "Virus rất phức tạp, vì các sự kiện hiếm có thể có tác động lớn. Tuy nhiên, với việc lấy mẫu động vật đầy đủ, các nhà nghiên cứu sẽ có thể xác định được tổ tiên của SARS-CoV-2 đang lưu hành là gì, ở đâu và trên loài động vật nào", ông nói.

Courtier lạc quan rằng các nghiên cứu về quá trình tiến hóa phân tử sẽ giúp xác nhận liệu vụ bùng phát là do tai nạn trong phòng thí nghiệm hay do tự nhiên, bởi vì phương pháp sinh học phân tử sẽ cho thấy liệu virus đã được lưu trữ hay bị từng bị xử lý trong phòng thí nghiệm.

Nhưng Lentzos lập luận rằng nguồn gốc của virus có thể mãi mãi là bí ẩn. "Sẽ không có câu trả lời chắc chắn. Tất cả những gì chúng ta sẽ có có thể là xác suất và khả năng xảy ra mà thôi".

Cá sấu được sơ chế để bày bán tại một khu chợ hải sản ở Quảng Châu.
Ảnh: Alex Lee / Reuters

Câu hỏi về nguồn gốc của đại dịch đã gây tranh cãi về mặt chính trị ngay từ đầu. Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng nhóm của WHO đã làm rất tốt việc tổng hợp các bằng chứng sẵn có trong những điều kiện khó khăn.

Với những ràng buộc mà họ phải chịu, báo cáo là một "đánh giá hữu ích và kỹ lưỡng về những gì chúng ta biết và những gì chúng ta cần làm", Holmes nhận xét. "Những ràng buộc này bao gồm khung thời gian ngắn chỉ có bốn tuần. Điều này hạn chế về khả năng tiếp cận tài liệu và phạm vi công việc hẹp", ông nói.

Nhưng những người khác thất vọng vì chính trị dường như đã làm lu mờ việc tìm kiếm câu trả lời. Petrovsky nói: "WHO đã xử lý việc này như một phái đoàn ngoại giao chứ không phải là một cuộc điều tra khoa học độc lập về tất cả các nguồn có thể".

Sau khi báo cáo được công bố, Hoa Kỳ và hơn một chục quốc gia khác đã đưa ra một tuyên bố làm dấy lên lo ngại về sự chậm trễ và quyền tiếp cận hạn chế của nhóm WHO đối với dữ liệu thô. Điều này kêu gọi "một cam kết mới của WHO và tất cả các quốc gia thành viên về khả năng tiếp cận, tính minh bạch và kịp thời".

Tuy nhiên, những người khác chỉ ra rằng việc Trung Quốc công khai và cho phép nhóm nghiên cứu của WHO tiến hành một cuộc điều tra như vậy thì tự bản thân nó đã là bất thường. Heymann nói: "Nếu bạn xem xét các quốc gia công nghiệp hóa cao khác, tôi không chắc họ sẽ làm như vậy".


Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây