WHO phê duyệt vaccine sốt rét đầu tiên ở châu Phi

Thứ năm - 14/10/2021 21:52 0

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã phê duyệt và khuyến nghị triển khai rộng rãi vaccine sốt rét RTS,S để bảo vệ trẻ em ở châu Phi.

Dữ liệu từ chương trình triển khai thí điểm vaccine RTS, S trên hơn 800.000 trẻ em ở ba quốc gia châu Phi đã thuyết phục được hội đồng tư vấn cho WHO rằng vaccine này là an toàn và hiệu quả.

Mặc dù hiệu quả của vaccine này không cao, WHO khuyến nghị nên tiêm rộng rãi cho trẻ em ở các khu vực châu Phi có mức độ lây truyền bệnh sốt rét vừa hoặc cao. (Vaccine này chỉ nhắm vào ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, loại ký sinh trùng phổ biến ở châu Phi.) Khoảng 260.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở Châu Phi thiệt mạng vì sốt rét mỗi năm.


RTS, S đã được tiêm thí điểm ở một số vùng được chọn ở Malawi, Kenya và Ghana kể từ năm 2019.

Được phát triển từ những năm 1980, RTS, S chứa một đoạn protein P. falciparum liên kết với một protein từ virus viêm gan B để ngăn chặn khả năng lây nhiễm của ký sinh trùng vào gan và phát triển ở đó.

RTS, S là vaccine sốt rét đầu tiên được thử nghiệm trên quy mô lớn vào năm 2003. Kết quả ban đầu rất đáng khích lệ, nhưng hầu như không có gì nổi bật. Vaccine hoạt động hiệu quả hơn khi được tiêm cho trẻ sớm nhất từ 6 tháng tuổi, có nghĩa là không thể tích hợp vào lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh. Và ngay cả khi đó, ba liều đầu tiên chỉ làm giảm một phần ba nguy cơ mắc bệnh sốt rét lâm sàng. Đáng lo ngại hơn, có những manh mối cho thấy vaccine này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh sốt rét thể não hoặc mắc bệnh viêm màng não.

Tuy nhiên, dữ liệu từ các thử nghiệm vẫn đủ hứa hẹn để Cơ quan Dược phẩm Châu Âu phê duyệt vaccine RTS,S sử dụng cho trẻ em từ 6 đến 17 tháng tuổi vào tháng 7/2015. Nhưng vài tháng sau, ban cố vấn vaccine của WHO đã quyết định cần nghiên cứu thêm về tính an toàn của vaccine, và đề xuất triển khai tiêm thí điểm cho trẻ em ở các vùng thuộc Ghana, Malawi và Kenya vào năm 2019.

Dữ liệu thu được từ chương trình này cho thấy vaccine có mức độ hiệu quả như trong các nghiên cứu trước đó, giảm 30% tỷ lệ nhập viện vì sốt rét ác tính. Không quan sát thấy sự gia tăng viêm màng não hoặc tỷ lệ tử vong (do bất kỳ nguyên nhân nào).

Trong cuộc họp, hội đồng tư vấn của WHO cũng cân nhắc dữ liệu từ một thử nghiệm gần đây do Abdoulaye Djimdé, chuyên gia về bệnh sốt rét tại Đại học Bamako, Mali, và các đồng nghiệp thực hiện.Trong đó, nhóm của Djimdé đã sử dụng RTS,S kết hợp với các liều thuốc chống sốt rét thông thường, được tiêm dự phòng ngay trước mùa mưa ở Mali và Burkina Faso. Trẻ em được chủng ngừa cả vaccine và thuốc chống sốt rét có nguy cơ mắc bệnh sốt rét lâm sàng thấp hơn khoảng 60% và nguy cơ mắc bệnh sốt rét ác tính thấp hơn 70% so với trẻ chỉ được tiêm một trong hai loại. Tổng thể các dữ liệu hiện có đã thuyết phục hội đồng rằng việc triển khai rộng rãi hơn ở những khu vực có mức độ lây truyền sốt rét từ trung bình đến cao là hợp lý.

Các nhà lãnh đạo của WHO cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu về cách sử dụng vaccine sao cho hiệu quả nhất. Đây là một căn bệnh rất phức tạp, khiến việc phát triển vaccine trở nên đặc biệt khó khăn - Dyann Wirth, nhà nghiên cứu bệnh sốt rét tại Đại học Harvard và là chủ tịch Nhóm cố vấn Chính sách sốt rét của WHO, nói. “Chúng tôi không nói rằng đây là kết quả cuối cùng, mà hy vọng đây là bước khởi đầu cho việc phát triển vaccine sốt rét.”

Nguồn:

https://www.science.org/content/article/landmark-decision-who-greenlights-rollout-africa-first-malaria-vaccine

https://www.science.org/doi/10.1126/science.334.6054.298

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây