7 tiêu chí để doanh nghiệp thắng Giải thưởng chất lượng Quốc gia

Thứ ba - 27/04/2021 21:26 0

Theo cơ quan tổ chức, các tiêu chí áp theo hệ thống Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương nên rất khó để doanh nghiệp Việt đạt được.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ - Cơ quan thường trực Giải thưởng chất lượng Quốc gia lý giải về việc sau 25 năm triển khai chỉ có hơn 2.000 doanh nghiệp Việt được trao giải. "Nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia không đạt giải, hoặc bỏ giữa chừng, trong đó từng có đơn vị được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Trong 7 tiêu chí, chỉ cần gây ô nhiễm môi trường, hay không đảm bảo lợi ích của người lao động... doanh nghiệp sẽ không đủ điểm để đạt giải.

Bảy tiêu chí có tổng điểm là 1.000, trong đó: Vai trò của lãnh đạo (120 điểm); hoạch định chiến lược (85 điểm); định hướng vào khách hàng và thị trường (85 điểm); đo lường, phân tích và quản lý tri thức (90 điểm); quản lý, phát triển nguồn nhân lực (85 điểm); quản lý quá trình hoạt động (85 điểm); kết quả hoạt động (450 điểm). Nếu tổng điểm trên 600 đạt giải thưởng Chất lượng và trên 800 sẽ dành giải Vàng - Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

Năm 2019 và 2020 có 116 doanh nghiệp được chọn trao giải, thuộc 4 loại hình: doanh nghiệp sản xuất lớn, doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, doanh nghiệp dịch vụ lớn, và doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ. Trong số này có 40 doanh nghiệp được giải Vàng và 4 Giải Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương. Lễ trao giải sẽ diễn ra sáng 25/4 tại Hà Nội.

 
Thứ trưởng Lê Xuân Định nói về các tiêu chí Giải thưởng chất lượng Quốc gia. Ảnh: Hán Hiển.

Thứ trưởng Lê Xuân Định nói về các tiêu chí Giải thưởng chất lượng Quốc gia. Ảnh: Hán Hiển.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cho biết, Giải thưởng được đánh giá nghiêm ngặt qua các tiêu chí và hội đồng chuyên gia dựa trên cả hồ sơ và thực địa sản xuất của doanh nghiệp. Cách thức này giúp doanh nghiệp luôn phải soi mình trong các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. "Đây chính là giá trị cốt lõi mà Giải thưởng đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam khi họ ứng dụng mô hình giải thưởng chất lượng Quốc gia trong quản lý tại đơn vị", ông Định nói.

Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng thang đo cũng cần đủ nhanh, đáp ứng yêu cầu phát triển, đo được sự chuyển mình của doanh nghiệp thích ứng trong tình hình mới. Vì vậy thời gian tới Hội đồng sẽ có điều chỉnh tiêu chí xét giải thưởng. Năm 2020 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành hệ thống tiêu chuẩn trong doanh nghiệp, "ngoài công cụ đánh giá thông thường, việc đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cũng là tiêu chí cần được quan tâm", ông Định nói.

Ông cũng yêu cầu cơ quan thường trực Giải thưởng triển khai có hiệu quả hơn, giúp doanh nghiệp tiếp cận giải thưởng như một công cụ quan trọng để đánh giá toàn diện các hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế, mang đến những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao cho người tiêu dùng, đối tác và cộng đồng.

Giải thưởng Chất lượng Việt Nam triển khai từ năm 1996. Sau hơn 10 năm (từ năm 2009), Giải thưởng Chất lượng đã được đưa vào Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Từ đây, giải mang tên Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - là Giải thưởng về Chất lượng do Thủ tướng quyết định trao tặng hàng năm. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) là cơ quan thường trực Giải thưởng.

Qua 25 triển khai, đã có 2.030 lượt doanh nghiệp nhận được giải thưởng này, mang lại uy tín, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Hải Minh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây