Thực trạng và giải pháp phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống huyện Con Cuông thành hàng hóa

Thứ sáu - 13/09/2019 21:36 0

Con Cuông là huyện miền núi vùng cao, nằm trong địa bàn chiến l­ược kinh tế, quân sự quan trọng của miền Tây Nam tỉnh Nghệ An, có 61,2 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Huyện có 13 đơn vị hành chính (gồm 12 xã và 01 thị trấn), 127 thôn, bản, khối, xóm với tổng số dân số 69.648 người, gồm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống (trong đó, dân tộc Thái chiếm gần 70%), lực lượng lao động trong độ tuổi lao động dồi dào, đồng bào dân tộc Con Cuông đoàn kết, cần cù, chịu khó lao động. Tổng diện tích tự nhiên là 173.831 ha, trong đó: đất nông nghiệp 9.837 ha; đất lâm nghiệp 160.728 ha, có nhiều tài nguyên khoáng sản khác; có tuyến Quốc lộ 7A chạy qua trung tâm huyện lỵ. Huyện có nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, với thảm thực vật phong phú; điều kiện khí hậu và hệ thống sông ngòi đa dạng; có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, sản phẩm truyền thống đa dạng… Đây các là các tiềm năng lớn để huyện phát triển nông, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các sản phẩm đặc trưng, cũng như thương mại, dịch vụ, du lịch… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. 

Trong những năm qua được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của TW, Tỉnh và đặc biệt là sự nỗ lực của địa phương, huyện Con Cuông đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, chế biến nông sản, công nghệ mới, xây dựng, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay trên địa bàn huyện, các sản phẩm địa phương gắn liền với đồng bào các dân tộc miền núi đều đa dạng về chủng loại, phong phú về chất liệu mẫu mã, có thể kể đến như: Dệt thổ cẩm, Mây tre đan, rượu men lá, rượu cần, cam quả, chè công nghiệp, các sản phẩm từ cam (mứt cam, tinh dầu cam, rượu cam, xà phòng cam….); trà dược liệu (cà gai leo, đinh lăng, giảo cổ lam, dây thìa canh...); rèn, mộc…

1.Thực trạng của các sản phẩm đặc sản, truyền thống Con Cuông

Cây chè là một trong những cây công nghiệp mũi nhọn của huyện, trong thời gian qua, cây chè đã thực sự tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân. Diện tích chè hiện có là 354 ha, tập trung phát triển ở một số xã như Yên Khê 245 ha, Chi Khê 15 ha, Bồng Khê 77 ha và rải rác ở các xã khác như xã Lục Dạ 3,7 ha, Mậu Đức 2,6 ha, Thạch Ngàn 2,8 ha.... Năng suất chè búp tươi của huyện đạt 142,8 tạ/ha (cao hơn năng suất bình quân của tỉnh là 108,7 tạ/ha). Do đó, sản lượng chè cũng tăng đáng kể từ 2.450 tấn năm 2010 lên 4.197 tấn năm 2015 và đạt 4.041 tấn năm 2016.

Cây chè giúp bà con các dân tộc Yên Khê thoát nghèo bền vững

Cây cam hàng hóa cũng được huyện rất được chú trọng phát triển trên địa bàn, là hướng đi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Thực tế thời gian qua cây cam đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Tính đến tháng 6 năm 2018, toàn huyện có 363,51 ha, trong đó xã Bồng Khê 59,2 ha, Xã Yên Khê 258,47 ha, Chi Khê 27,01 ha, Lục Dạ 14 ha, Thạch Ngàn 4,9 ha, diện tích trồng mới năm 2018 là 10 ha so với năm 2017. Diện tích cam kinh doanh tăng dần trong các năm gần đây, năm 2015 có 182,17 ha, năm 2018 tăng lên 370,58 ha (tăng 49,2 %). Trong đó: Diện tích cây cho năng suất, chất lượng thấp có khoảng 30 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Yên Khê, Chi Khê và Bồng Khê. Năng suất hiện tại của một số giống cam cho thấy Cam Valencia đạt 11 tấn/ha, Cam Mars (BH) 10 tấn/ha và Cam Vân du đạt 12 tấn/ha. Năng suất bình quân chung cam đạt 11,5 tấn/ha. So sánh cho thấy cam Xã Đoài có năng suất cao hơn cam Vân Du từ 4-5 tấn/ha, cam Valencia cao hơn cam Vân Du 3-4 tấn/ha.

Vườn cam ở thôn Tân Trà xã Bồng Khê huyện Con Cuông

Cây dược liệu đang là lĩnh vực được huyện  quyết tâm trở thành một vùng sản xuất dược liệu của tỉnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, năm 2016, huyện Con Cuông đã thực hiện đề tài KH-CN xây dựng mô hình trồng cây dược liệu tại xã Chi Khê. Quy mô diện tích vùng dược liệu 5 ha, với các loại cây Cà gai leo, Kim ngân hoa, Dây thìa canh, Đinh lăng, Giảo cổ lam... Bước đầu tạo dựng cánh đồng dược liệu phát triển tốt, đến thời kỳ cho thu hoạch. Hiện nay các sản phẩm trà dược liệu được công nhận sản phẩm đặc trưng khu vực phía Bắc. Ngoài ra, với diện tích đất rừng lớn, Con Cuông rất có tiềm năng để phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng với các loại như Mạch môn, Sa nhân, Giả cổ lang, Hà thủ ô, Đinh lăng, Chè hoa vàng,...

Dệt thổ cẩm cũng là 1 sản phẩm truyền thống của đồng bào huyện Con Cuông có trên 75% là đồng bào các dân tộc thiểu số, do vậy, Dệt thổ cẩm là một trong những đặc trưng và đa dạng mẫu mã.

Các sản phẩm từ cam được UBND huyện đã phối hợp với tổ chức Jaca của Nhật Bản khảo sát và hỗ trợ một số hộ dân tại bản Pha, xã Yên Khê về thiết bị máy móc, tập huấn kỹ năng, hỗ trợ về bao bì để sản xuất một số sản phẩm từ cam (mứt cam, tinh dầu cam, rượu cam, xà phòng cam, xiro cam…) và đã được thị trường ưa chuộng, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ trồng cam trên địa bàn huyện. Đây là hoạt động nhằm khuyến khích và tạo đầu ra đa dạng về sản phẩm cam quả.

Sản phẩm làm từ cảm được người tiêu dùng yêu thích

Rượu cần Mậu Đức là một sản phẩm truyền thống, thuộc tri thức dân gian, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Trong hàng chục, hàng trăm loại rượu, có lẽ đây là loại duy nhất không uống bằng ly, bằng chén mà uống bằng một dụng cụ đặc biệt được gọi là cần ("công đoạn" hút). Hơn nữa, đối với rượu cần, người ta không uống một mình với mục đích giải sầu mà chỉ uống tập thể vào những dịp lễ tết, hội hè... khi tiếp đãi bạn bè, khách quý phương xa. Vào những ngày trọng đại đó, ché rượu được đặt trang trọng giữa nhà, bên bếp lửa bập bùng; còn khách và chủ cùng quây quần xung quanh, ngất ngây trong tiếng cồng chiêng. Mọi người ngồi xếp chân vòng tròn, vít cong cây cần làm bằng ống trúc và hút say sưa. Nguyên liệu làm rượu cũng chỉ là những loại ngũ cốc thông thường... Song bí quyết chính là ở chất gây men. Chất gây men được làm từ lá rừng và thường được giữ kín, không tiết lộ cho người ngoài tộc.

Nghề mây tre đan có từ lâu đời, găn với quá trình hình thành và phát triển sản xuất của nhân dân huyện nhà, được đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện giữ gìn và phát triển. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 01 Làng nghề mây tre đan Bản Diềm - xã Châu Khê được UBND tỉnh chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống. Người dân nơi đây đã làm ra những sản phẩm mỹ nghệ phong phú từ mây tre đan như: đồ vật trang trí, đĩa, khay, lọ hoa, chao đèn, rèm cửa, bàn ghế, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, nhạc cụ dân tộc…Với tính sáng tạo và bàn tay khéo léo, các nghệ nhân Bản Diềm đã tạo ra hàng trăm cách đan khác nhau như: đan xương cá, kết hình hoa và kết màu sắc, tạo hình hoa văn nổi trên nhiều mẫu sản phẩm tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao… Các sản phẩm mây tre đan Bản Diềm được giới thiệu, quảng bá tại các triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh, đến nay các sản phẩm được tiêu thu trong nước và nước ngoài (Nhật, Đức)

2. Nhu cầu và khả năng trở thành hàng hoá của các sản phẩm đặc sản

Trên địa bàn huyện hiện nay có một số sản phẩm phát triển được thị trường chấp nhận và có khả năng mở rộng đó là: Cam quả, các sản phẩm từ cam, các sản phẩm từ cam (mứt cam, tinh dầu cam, rượu cam, xà phòng cam…); trà dược liệu (cà gai leo, đinh lăng, giảo cổ lam, dây thìa canh...); rượu cần… Từ thực tế đó, UBND huyện Con Cuông đã trích kinh phí để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tập thể như  đầu năm 2017, "Cam Con Cuông" và được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận tại Quyết định số 81120/QĐ-SHTT ngày 12/11/2018. Năm 2018 huyện tiếp tục trích kinh phí để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tập thể: "Rượu Men lá Con Cuông", hiện đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam chấp nhận đơn của huyện và đang trong quá trình thẩm định. Sản phẩm trà dược liệu (cà gai leo, đinh lăng, giảo cổ lam, dây thìa canh...), do doanh nghiệp đầu tư và đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận, bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng, hiện nay các sản phẩm trà dược liệu được tiêu thụ trên thị trường 

Ngoài ra, các hợp tác xã, doanh nghiệp và các hộ dân trên địa bàn đã mạnh giạn ứng dụng khoa học kỷ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP và xây dựng tem truy gốc nguồn gốc. Mặt khác, UBND huyện đã thường xuyên đăng ký, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, Hợp tác xã và nhân dân trên địa bàn được tiếp cận, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại các Hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần giới thiệu và tìm đầu ra phát triển sản phẩm 

3. Giải pháp phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống thành hàng hoá.

Để phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống thành hàng hóa, UBND huyện Con Cuông đã triển khai đồng loạt nhiều giải phát trong đó chú trọng: Khuyến khích các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ dân tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất sơ chế và bảo quản sau thu hoạch tiên tiến và các hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ và khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển thương hiệu sản phẩm cùng với việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Công bố chất lượng... để chứng nhận cho chất lượng sản phẩm từ đó có thể thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại; Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ thiết thực nhằm xây dựng được mối liên kết giữa bốn nhà "nhà sản xuất - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học" , qua đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ nghiên cứu - ứng dụng - sản xuất - phân phối tới tiêu dùng; Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tăng cường các hoạt động thông tin, hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm, hàng hóa địa phương tham gia vào các kênh phân phối của địa phương; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân mời gọi doanh nghiệp, các tập đoàn lớn vào làm đầu mối thu mua để phân phối, bán lẻ các sản phẩm của địa phương tại các thị trường tiềm năng; Tiếp tục triển khai xây dựng thực hiện chương trình điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm mỗi phường xã một sản phẩm OCOP gắn với các điểm du lịch, nhằm quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của Con Cuông đến với khách hàng cũng như các đơn vị phân phối trong và ngoài nước./.

Vi Văn Quý

UBND huyện Con Cuông

 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây