Phụ nữ Dẫn đường – PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng

Thứ ba - 09/03/2021 22:09 0

Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 2021, Ngân hàng Thế giới đã phỏng vấn những phụ nữ xuất sắc tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, những người đang đảm nhận vai trò lãnh đạo và hướng tới một tương lai bình đẳng trong thế giới hậu COVID. PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng là nhà khoa học như vậy tại Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng
PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng
Những công trình nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng đã góp phần vào thành công của Việt Nam trong việc khống chế các dịch bệnh truyền nhiễm. Dưới đây là tóm lược cuộc phỏng vấn của Ngân hàng Thế giới với chị.

Chị đã trở thành một nhà virus học như thế nào?

Từ khi còn là sinh viên, tôi đã bị cuốn hút bởi thế giới virus và ngạc nhiên vì những sinh vật nhỏ bé như vậy có thể trở thành mối nguy hại lớn cho con người. Ngay sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận vào Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Tôi không nghĩ còn nơi nào phù hợp hơn để phát triển sự nghiệp nghiên cứu virus vì đây là một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam nơi tôi có cơ hội làm việc các chuyên gia đầu ngành những người luôn tận tâm hướng dẫn, chia sẻ kiến ​​thức cho thế hệ đi sau và khuyến khích chúng tôi nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề.

Trong suốt hai thập kỷ qua, tôi là thành viên của nhóm chuyên gia chính tại Việt Nam chuyên nghiên cứu những chủng loại virus dễ lây nhiễm. Tôi nhận thấy rằng sự quan tâm của công chúng đối với lĩnh vực virus học, dịch tễ học đã tăng lên kể từ khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003. Với SARS thời điểm đó và COVID-19 hiện nay, chúng ta đã chứng kiến ​​sự xuất hiện của các mầm bệnh có thể lây lan nhanh chóng do những tiến bộ chưa từng có trong đi lại của loài người. Lĩnh vực của chúng tôi trở nên quan trọng hơn vì đã cung cấp bằng chứng khoa học quan trọng để định hướng các nỗ lực ngăn chặn, phát hiện và giảm thiểu các mối đe dọa về bệnh tật tại các quốc gia.

Công việc của chị bị ảnh hưởng như thế nào bởi đại dịch COVID-19?

Khối lượng công việc của chúng tôi tăng đáng kể, nhưng chúng tôi hiểu rằng công việc của mình đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Kể từ khi trường hợp COVID-19 chính thức đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, chúng tôi đã chạy đua với thời gian để tìm hiểu về một chủng "virus bí ẩn".

Đến tháng 2 năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phân lập thành công virus corona chủng mới. Nắm được cơ chế hoạt động của virus và các mối đe dọa tiềm ẩn là cơ sở vững chắc cho việc phát triển và đánh giá các bộ xét nghiệm chẩn đoán và vắc xin sau này.

Ngoài nghiên cứu, trong thời gian đó chúng tôi đã thực hiện rất nhiều khóa đào tạo để nâng cao năng lực xét nghiệm COVID-19 trên toàn quốc. Trong giai đoạn đầu chỉ có 4 Viện Trung ương và khu vực có năng lực xét nghiệm, với cỡ mẫu lớn thời gian có kết quả xét nghiệm có thể lên đến 24-48 giờ.

Với sự chỉ đạo của Bộ Y tế và sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đã tổ chức tập huấn xét nghiệm chẩn đoán cho 600 nhân viên phòng thí nghiệm của 28 tỉnh miền Bắc và môt số đơn vị miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên. Hiện nay, 94 phòng thí nghiệm khắp cả nước được phép xét nghiệm và khẳng định COVID-19, thời gian có kết quả xét nghiệm đã được cắt giảm đáng kể xuống còn 4-6 giờ.

Tôi rất tự hào rằng hoạt động của Viện đã tạo cơ sở giúp Việt Nam có thể triển khai xét nghiệm rộng rãi tại địa phương. Cho đến nay, tỷ lệ xét nghiệm trên số ca dương tính của Việt Nam cao nhất thế giới, góp phần vào việc ngăn chặn hiệu quả virus của chúng ta.

Đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức lớn cho tất cả những người làm công tác y tế tại tuyến đầu. Các chuyên gia và nhân viên y tế nữ như chị phải vượt qua những thách thức gì?

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những áp lực chưa từng có cho các nhân viên y tế, đặc biệt là những người làm việc ở tuyến đầu. Không chỉ khối lượng công việc tăng lên rất nhiều mà mức độ rủi ro cũng tăng cao. Việc cách ly bắt buộc do tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 đồng nghĩa với việc thường xuyên phải xa nhà, xa người thân trong thời gian dài. Điều này gây ra sự gián đoạn rất lớn đối với những cán bộ nữ giới, những người không chỉ có lịch làm việc cực kỳ bận rộn mà còn đảm nhận vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình

Chủ đề năm nay là "Phụ nữ Dẫn đường" - có nữ lãnh đạo nào truyền cảm hứng cho chị không? Tại sao họ truyền cảm hứng cho chị?

Tôi may mắn được làm việc tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nơi phần lớn các cán bộ khoa học là nữ và có rất nhiều các nhà nữ khoa học tài năng, đáng kính. Một nhân vật mà tôi rất nể trọng là Phó Viện trưởng GS. Lê Thị Quỳnh Mai. Chị chính là điển hình cho những "chiến binh thầm lặng", những người mà lòng quyết tâm, sự tận tụy cống hiến và làm việc hết sức mình là nguồn cảm hứng cho tôi mỗi ngày.

Chị có lời khuyên nào dành cho những phụ nữ trẻ ở Việt Nam muốn tạo ra ảnh hưởng tích cực trong xã hội không?

Để thành công, bạn cần có mục đích rõ ràng và niềm đam mê mạnh mẽ thúc đẩy bạn tiến về phía trước, đặc biệt nếu bạn chọn xây dựng sự nghiệp trong những lĩnh vực ít được biết đến. Và không thể thiếu sự kiên trì. Cho dù trong môi trường phòng thí nghiệm hay cuộc sống, chúng ta phải trải qua vô số thử nghiệm để đạt được kết quả mong muốn. Chỉ cần bạn không bỏ cuộc.

Chị có hy vọng và kế hoạch gì cho tương lai?

Hy vọng của tôi là sẽ thấy nhiều tiến bộ hơn trong lĩnh vực Y tế dự phòng ở Việt Nam. Chúng tôi mong muốn có nhiều nghiên cứu khoa học được xuất bản trên các tạp chí hàng đầu đồng thời thực hiện các nghiên cứu quy mô khu vực và quốc tế. Chia sẻ kiến ​​thức và hợp tác quốc tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để khống chế sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm trong một thế giới kết nối cao.

Trong 15 năm qua, chúng tôi đã tích lũy được những kinh nghiệm to lớn từ việc đối phó với các đại dịch khác nhau như SARS-2003 và bây giờ là COVID-19. Nhưng chúng tôi hiểu cần phải tăng cường năng lực của mình hơn nữa theo một cách có hệ thống. Điều này sẽ đòi hỏi đầu tư đáng kể vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Tôi vui mừng khi thấy ngoài ngân sách Nhà nước, khu vực tư nhân đã quan tâm hơn đến việc tài trợ cho nghiên cứu và phát triển các sản phẩm khoa học.

Chúng tôi mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với khu vực tư nhân cũng như các tổ chức nghiên cứu quốc tế để hiểu hơn về các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và nhờ đó ứng phó tốt hơn các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.

Cảm ơn chị!




Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây