Trong không khí chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 10 và Kỷ niệm ngày Đo lường quốc tế năm 2023, Tổng cục TCĐLCL phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội nghị “Đo lường hỗ trợ hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu” nhằm hưởng ứng hoạt động kỷ niệm Ngày Đo lường Thế giới năm 2023 của Cộng đồng đo lường quốc tế.
Tham dự Hội nghị có ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, bà Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam, ông Vũ Khánh Xuân – Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam, cùng đại diện các đơn vị trong Tổng cục TCĐLCL. Về phía Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên có ông Phạm Quốc Chính – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh, cùng đại diện các ban, ngành thuộc Sở. Hội nghị còn có sự tham gia của 37 tỉnh với số lượng 300 đại biểu.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục TCĐLCL cho biết, để đo lường được thống nhất, chính xác và tin cậy trong phạm vi quốc gia và quốc tế cần thiết phải có hệ thống đo lường toàn cầu. Các yếu tố cơ bản để đạt được điều này đó là: Đồng bộ quy định về pháp luật và tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực đo lường Pháp định, đo lường khoa học và đo lường công nghiệp; Sự công nhận và thừa nhận lẫn nhau đối với hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; Sự hài hoà đối với yêu cầu về năng lực các phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn và các tổ chức công nhận, chứng nhận.
Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường phát biểu khai mạc Hội nghị.
Năm 2023, kỷ niệm Ngày Đo lường Thế giới, cộng đồng đo lường quốc tế đã lựa chọn chủ đề “Đo lường hỗ trợ hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu” vì những thách thức ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và phân phối lương thực thực phẩm toàn cầu trong một thế giới có dân số đạt 8 tỷ người vào cuối năm 2022 nhằm tuyên truyền, nâng cao vị thế, vai trò của đo lường trong giải quyết những thách thức của hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu.
“Hội nghị “Đo lường hỗ trợ hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu” ngày hôm nay là thông điệp, diễn đàn để trao đổi ý kiến giữa đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân hoạt động trong và ngoài lĩnh vực đo lường. Các tranh luận, ý kiến tại Hội nghị chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động đo lường trong xã hội, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, quản lý, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân”, ông Giầu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Giầu, trong năm 2022, hoạt động đo lường trong nước có nhiều kết quả nổi bật, trong đó phải kể đến Tổng cục TCĐLCL đã Ký kết MoU với EVN và tổ chức 01 khóa đào tạo cho các cán bộ chủ chốt của EVN; Phê duyệt Hướng dẫn hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ xây dựng, triển khai Chương trình đảm bảo đo lường; tài liệu chuyên môn phục vụ Đề án 996; Tổ chức 06 Hội thảo CT ĐBĐL có trên 500 đại biểu với 157 đơn vị đăng ký tham gia (M. Bắc: 103; M.Trung: 34; M. Nam: 20). Đào tạo 13 khóa về CTĐB ĐL cho 53 tỉnh, thành phố và một số đơn vị, doanh nghiệp (06 khóa tư vấn CTĐB ĐL: 120 người, 07 khóa xây dựng CTĐBĐL: 210 người). So sánh liên phòng đối với lĩnh vực Áp suất, Điện, DT-LL. Công văn 1095/BKHCN-TĐC ngày 18/4/2023 của Bộ KHCN hướng dẫn về tài chính cho Đề án.
Tại địa phương, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai hỗ trợ tư vấn xây dựng CT ĐBĐL tại 03 DN: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên; Công ty Xăng dầu Bắc Thái; Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Tỉnh Bắc Giang: 03 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Nước sạch Bắc Giang; Công ty CP Xây dựng Thành Đô Bắc Giang; Công ty TNHH Vật tư ngành nước Phú Thịnh); Tỉnh Bình Định 02 DN (Công ty CP Vật tư KT nông nghiệp Bình Định, Công ty TNHH Gas Phú Quang).
Về nhiệm vụ trọng tâm của đo lường trong năm 2023, ông Giầu đưa ra 5 nhiệm vụ, theo đó, thứ nhất, chỉ thị của Ban BT cho ngành TĐC; Thứ hai, Đề án “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”; Thứ ba, Đề án NQI “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”; Thứ tư, Thông tư sửa đổi Thông tư 23/2013/TT-BKHCN và thay thế Thông tư 07/2019/TT-BKHCN; Thứ năm, hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình so sánh liên phòng.
Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên Phạm Quốc Chính.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên Phạm Quốc Chính đã chia sẻ về tình hình chung của tỉnh Thái Nguyên, trong đó, tỉnh Thái Nguyên có được những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội như trên một phần có sự đóng góp quan trọng của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói chung, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nói riêng. Đối với hoạt động đo lường, Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên luôn coi đây là hoạt động không thể thiếu trong đời sống kinh tế – xã hội, là công cụ đắc lực để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Trong những năm qua, Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên đã tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động đo lường; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hoạt động đo lường; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên xây dựng và triển khai áp dụng hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường; nâng cao năng lực của tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm để đáp ứng nhu cầu về đo lường của xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đo lường, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân…
Các hoạt động này đã góp phần tăng cường và đổi mới hoạt động đo lường của tỉnh Thái Nguyên, hỗ trợ tích cực các tổ chức, doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Ông Vũ Khánh Xuân – Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam chia sẻ thông điệp Ngày Đo lường thế giới 20/5.
Trong khuôn khổ Hội nghị, chia sẻ về thông điệp Ngày Đo lường thế giới 20/5/2023, ông Vũ Khánh Xuân – Hội Đo lường Việt Nam cho biết, Ngày Đo lường thế giới – 20/5/2023 với thông điệp: Đo lường hỗ trợ hệ thống lương thực – thực phẩm toàn cầu. Lương thực-thực phẩm là mối quan tâm lớn đối với mỗi người chúng ta. Cung cấp quyền tiếp cận với lương thực – thực phẩm an toàn và giá cả phải chăng vẫn là thách thức lớn đối với các chính phủ trên toàn thế giới. Đây cũng là mục tiêu của nông dân và các nhà sản xuất lương thực – thực phẩm mà sản phẩm thương mại của họ tới được người tiêu dùng thông qua các nhà phân phối và những người bán lẻ trên phạm vi quốc tế, quốc gia và khu vục. Trong năm 2021, giao dịch này trị giá 22 nghìn tỷ USD và ước tính xấp xỉ 20% giá trị thương mại toàn cầu.
Để giao dịch quốc tế và tiếp cận thị trường sản phẩm giá trị cao, các nhà sản xuất phải có khả năng cho thấy họ đáp ứng những tiêu chuẩn về lương thực-thực phẩm. Ngoài ra, chính phủ cần đảm bảo thương mại an toàn và công bằng, đặc biệt là tại thị trường lương thực-thực phẩm địa phương. Tất cả điều này được hỗ trợ bằng các phép đo tin cậy về số lượng và chất lượng của lương thực-thực phẩm nguyên sơ và chế biến.
Tâm điểm cho Ngày đo lường thế giới năm 2023 là những thách thức đo lường phải được giải quyết để làm cho hệ thống lương thực-thực phẩm toàn cầu hoạt động. Ví dụ như: Việc định lượng lương thực-thực phẩm bán và mua được đo theo khối lượng hoặc thể tích của nó. Những phép đo này trải rộng từ thể tích lớn của thóc gạo và lúa mỳ trong giao dịch quốc tế đến các phép cân đo trực tuyến nhanh chóng đảm bảo cho hàng đóng gói sẵn được dán nhãn chính xác; Việc bảo quản và đóng gói lương thực-thực phẩm hiệu quả phụ thuộc vào kiểm tra chính xác nhiệt độ và độ ẩm của môi trường lưu giữ chúng; Chất lượng và tính xác thực của lương thực-thực phẩm được xác định bằng cách đo các thành phần hóa học của nó.
Điều này đòi hỏi các phép đo để đảm bảo lương thực-thực phẩm có mức vitamin đã công bố thông qua phép đo thành phần đồng vị để xác nhận nguồn gốc của những thực phẩm giá trị cao như mật ong hoặc rượu; sự an toàn của lương thực-thực phẩm được đảm bảo bằng các phép đo cẩn trọng kỹ lưỡng để phát hiện những ô nhiễm hóa chất, ví dụ như dư lượng thuốc trừ sâu và kim loại nặng hoặc ô nhiễm sinh học, ví dụ như độc tố nấm mốc.
Hiện nay người ta đã nhận ra rằng sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và tác động của biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống lương thực- thực phẩm toàn cầu sao cho mục tiêu của thế giới không có nạn đói và sự tiếp cận phổ biến đối với nước sạch đã được bao gồm trong số các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Cũng tại hội nghị các chuyên gia đã có những tham luận liên quan đến các vấn đề như: Cách thức triển khai hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp trong đó chú trọng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống, thực phẩm lương thực đóng gói sẵn; Xây dựng, sửa đổi các văn bản, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động đo lường của doanh nghiệp; Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ về đo lường cho các doanh nghiệp…
Bà Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường và ông Phạm Quốc Chính – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên chủ trì buổi thảo luận tại Hội nghị.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã có phần trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến vai trò, lợi ích của đo lường trong việc hỗ trợ hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu; Cách thức triển khai hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường tại DN (Đề án 996); Hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp, hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu; Nâng cao năng lực KĐ, HC, TN PTĐ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, quản lý; Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI); Chuyển đổi số về đo lường; Giải pháp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn Chương trình đảm bảo đo lường và công tác thanh tra, kiểm tra.
Hội nghị là dịp để biểu dương, tôn vinh đội ngũ làm công tác đo lường; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong xã hội về vai trò quan trọng của hoạt động đo lường; động viên, khích lệ, tạo động lực tinh thần nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đo lường phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
Đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc