Mã Phân định pháp nhân – LEI là một mã gồm 20 ký tự chữ và số dựa trên Tiêu chuẩn quốc tế ISO 17442:2012, được cung cấp cho các pháp nhân là đối tác của các giao dịch tài chính. Mã LEI có thể liên kết trở lại dữ liệu về các thông tin quan trọng trong quá trình giao dịch của pháp nhân/thực thể, bao gồm cả thông tin về quyền sở hữu của pháp nhân/thực thể cuối cùng.
Mã LEI giúp cho các tổ chức, bất kể lĩnh vực nào cắt giảm chi phí, đơn giản hóa và đẩy nhanh hoạt động cũng như hiểu sâu hơn về thị trường toàn cầu. Khách hàng doanh nghiệp, nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh khác đều có thể được xác định duy nhất, dễ dàng và nhanh chóng với mã LEI.
Quyền truy cập và sử dụng nhóm dữ liệu LEI được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như quản lý rủi ro, pháp lý và quản lý quan hệ khách hàng. Với mã LEI, doanh nghiệp sẽ được cung cấp dữ liệu tham chiếu về pháp nhân được tiêu chuẩn hóa, uy tín và công khai. Mỗi mã LEI chứa thông tin về quyền sở hữu của một pháp nhân và trả lời cho câu hỏi “ai là ai” và “ai sở hữu ai”?
Mã LEI được sử dụng như “chứng minh thư” của doanh nghiệp khi tham gia thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường tài chính nhờ tính xác thực định danh tăng cường sự minh bạch và hiệu quả truy xuất thông tin nhanh chóng.
Cụ thể, đối với cá nhân đăng ký và sử dụng, mã LEI tránh được rủi ro trong giao dịch vốn và thanh toán xuyên biên giới; tạo tiện ích minh bạch trong giao dịch, xác định chính xác chủ thể trong giao dịch trực tuyến, quốc tế; hỗ trợ bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp; nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam như hỗ trợ công ty khởi nghiệp gọi vốn đầu tư từ quốc tế; giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu giảm thời gian đánh giá phân tích đối tác, khách hàng; hỗ trợ hướng đến kinh tế số và giao dịch trực tuyến.
Theo khảo sát, hiện ở Việt Nam đã có hơn 200 doanh nghiệp đăng ký và sử dụng mã LEI, trong đó đa phần là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các ngân hàng, tổ chức tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, startup nhận vốn đầu tư từ nước ngoài.Với thị trường xấp xỉ 1 triệu doanh nghiệp và tổ chức đang hoạt động, việc sử dụng mã LEI chưa phổ biến và có nhiều tiềm năng phát triển.
Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (MSMV) trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) được giao là đại diện Tổ chức thành viên của Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế (GS1 toàn cầu) và được gọi là GS1 Việt Nam. Từ ngày 01/01/2021, Trung tâm MSMV Quốc gia trở thành đơn vị cấp mã định danh pháp nhân thuộc hệ thống của Tổ chức toàn cầu quản lý mã số định danh pháp nhân (GLEIF – Global Legal Entity Identifier Foundation). Dự kiến từ đầu năm 2022, GS1 Việt Nam – Trung tâm sẽ tiếp nhận hồ sơ và cung cấp mã LEI tại Việt Nam.Việc trở thành đơn vị cấp phát mã LEI chính thức và duy nhất tại Việt Nam giúp GS1 Việt Nam có thể hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp trong nước giảm thời gian xử lý hồ sơ, xóa bỏ trở ngại về ngôn ngữ và tiết kiệm chi phí vì trước đây doanh nghiệp muốn đăng ký LEI đều phải đăng ký qua đơn vị cấp phát mã LEI ở nước ngoài. Ngoài ra, cùng với việc sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN), việc đăng ký mã LEI doanh nghiệp sẽ được định danh là thực thể duy nhất, tạo sự tin cậy cho đối tác quốc tế trong quá trình tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới.
Đặc biệt hiện nay Sáng kiến định danh doanh nghiệp toàn cầu (GBI) đang được Uỷ ban Tư vấn các hoạt động Hải quan thương mại (COAC), Hoa Kỳ triển khai thực hiện tới cộng đồng thương mại, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa kỳ và các cơ quan chính phủ đối tác của Hoa Kỳ nhằm định danh doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng. Đây là một trong những yêu cầu từ thị trường quốc tế đối với việc áp dụng sử dụng mã LEI trên toàn cầu. Hải quan Mỹ đang triển khai thí điểm vào cuối năm 2021 nhằm minh bạch hoá sản phẩm hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia tham gia cho 6 loại ngành hàng mà Mỹ sẽ triển khai thí điểm.Giai đoạn 2021 – 2025, chuyển đổi số cùng với đổi mới sáng tạo là một trong những chiến lược ưu tiên của Việt Nam trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Do đó việc sử dụng và áp dụng mã LEI tại Việt Nam là thực sự cần thiết và cần có những nghiên cứu, chiến lược thực hiện cụ thể để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là trong các hoạt động thiết kế, triển khai thực hiện đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Nội dung: Hà Thủy Thiết kế: Thanh Tùng
Ý kiến bạn đọc