Ngày 3/11, thực hiện xây dựng kế hoạch hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tại buổi làm việc, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hoạt động TCĐLCL năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý sản phẩm hàng hoá nhóm 2 và kiểm tra chuyên ngành, đã triển khai xây dựng 316 nhiệm vụ xây dựng TCVN, QCVN.
Kết quả, đã ban hành 09 QCVN, công bố 85 TC, ngoài ra còn 35 dự thảo TCVN đã được thẩm định và cấp số hiệu. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đang triển khai xây dựng 272 nhiệm vụ xây dựng TCVN, QCVN, trong đó có 183 nhiệm vụ phải hoàn thành trước 31/12/2022, 89 nhiệm vụ hoàn thành trước 31/12/2023.
Kết quả đến tháng 6/2022 đã công bố, đề nghị công bố 65 TCVN; trình ban hành 02 QCVN, hoàn thành 36,6% kế hoạch năm. Cho đến tháng 6/2022, ngành NN-PTNT đã có 1251 TCVN và 233 QCVN. Để đăng ký QCVN đã ban hành, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 8545/BNN-KHCN ngày 16/12/2021 cung cấp thông tin cập nhật về các QCVN ban hành trong năm 2021 và kế hoạch xây dựng QCVN năm 2022.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ NN&PTNT đã công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đối với các lĩnh vực hoạt động (Quyết định số 5357/QĐ-BNN-TCCB ngày 16/12/2014). Tại Quyết định số 5357/QĐBNN-TCCB đã ban hành kèm bộ tài liệu quản lý chất lượng gồm 73 quy trình ISO. Hàng năm Bộ NN&PTNT thường xuyên rà soát, sửa đổi để phù hợp quy định hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật.
Về tình hình hoạt động đánh giá sự phù hợp, công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, năm 2021, có 13 tổ chức chứng nhận được chỉ định. Tính đến tháng 6 năm 2022, Bộ NN&PTNT đã chỉ định 44 tổ chức chứng nhận hợp quy thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ.
Về công tác đánh giá sự phù hợp, Bộ NN&PTNT đã chỉ định 105 phòng thử nghiệm. Riêng năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT đã quyết định chỉ định cho 23 tổ chức đăng ký hoạt động thử nghiệm (năm 2021: 17; 6 tháng đầu năm 2022: 06).
Căn cứ nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chương trình 1322 và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2022, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt danh mục gồm 06 nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá (Quyết định số 1298/QĐ-BNNKHCN ngày 12/4/2022). Khi hoàn thành, kết quả thực hiện các nhiệm vụ sẽ được cơ quan quản lý nhà nước sử dụng làm cơ sở định hướng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng kế hoạch 5 năm thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ NN&PTNT cũng đã thông tin về các định hướng mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch TCĐLCL năm 2023. Theo đó, đối với công tác xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật: Bộ tiếp tục hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng và an toàn thực phẩm theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, năm 2022, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt danh mục gồm 57 nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Bên cạnh việc xây dựng để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ quản lý nhà nước, rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ các tiêu chuẩn, quy chuẩn có nội dung không còn phù hợp với điều kiện và thực tiễn quản lý hiện nay.
Triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 của Chính phủ (Quyết định số 2177/QĐTTg ngày 23/12/2021), từ năm 2022 đến năm 2025, Bộ NN-PTNT sẽ tiến hành thủ tục hủy bỏ 127 QCVN (năm 2021 và năm 2022 hủy bỏ 65 QCVN; năm 2023 và 2024 hủy bỏ 62 QCVN). Việc hủy bỏ các QCVN góp phần đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ và phù hợp quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các Luật chuyên ngành mới ban hành.
Thứ hai, đối với công tác quản lý Nhà nước về đo lường: Chủ động phổ biến pháp luật về đo lường. Tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá;
Thứ ba, đối với công tác quản lý chất lượng, tiếp tục triển khai thực hiện việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống QLCL theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước của Bộ NN&PTNT theo quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 26/2014/TT-BKHCN, gắn kết với việc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số.
Tăng cường biện pháp quản lý và triển khai công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong lưu thông, nhập khẩu và sản xuất; hoạt động đánh giá sự phù hợp thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ NN&PTNT.
Thứ tư, đối với hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TCĐLCL: Tham gia đầy đủ phiên họp của các nhóm công tác của ASEAN đặc trách về sản phẩm gỗ; kịp thời phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giải quyết các vấn đề khiếu nại của các thành viên ASEAN liên quan đến hàng rào TBT trong các lĩnh vực ưu tiên hội nhập, trao đổi thông tin trong quá trình thực thi MRA của ASEAN đã ký kết.
Thứ năm, công tác TBT: Tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực hoạt động của Điểm hỏi đáp TBT; phối hợp với Văn phòng TBT Việt Nam thực hiện các nội dung tại Quyết định số 46/2017/QĐ-TTg ngày 24/11/2017 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới các cơ quan thông báo và hỏi đáp và Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; xử lý, đánh giá và phản hồi thông tin về các cảnh báo TBT do Bộ KH&CN gửi; Phối hợp thực hiện hoạt động của Cổng thông tin TBT quốc gia;
Phối hợp thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa, xử lý ý kiến góp ý, quan ngại thương mại theo Hiệp định WTO/TBT: Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, địa phương và thông báo cho Văn phòng TBT Việt Nam các dự thảo văn bản quy định của Bộ NN&PTNT có khả năng ảnh hưởng đến thương mại.
Xây dựng cơ sở dữ liệu: Tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin quy định về xuất nhập khẩu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành NN-PTNT trên cổng thông tin điện tử của Bộ NN-PTNT. Phối kết hợp giữa rà soát và xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đảm bảo hài hòa tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế tuân thủ nguyên tắc của Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đảm bảo ổn định sản xuất.
Thứ sáu, triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030: Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030, năm 2023, Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thiện kế hoạch 5 năm thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2023.
Thứ bảy, hoạt động mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc: Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 và Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Thứ tám, công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hoạt động đánh giá sự phù hợp: Kiểm tra, rà soát và đánh giá lại năng lực các phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận đã được chỉ định; Chỉ định các tổ chức chứng nhận hợp quy, phòng thử nghiệm phục vụ quản lý ngành theo hướng xã hội hóa.
Về phía Tổng cục TCĐLCL, phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Đức Thắng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính đánh giá cao sự phối hợp giữa Tổng cục TCĐLCL và Bộ NN&PTNT trong công tác xây dựng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; quản lý nhà nước về đo lường; triển khai áp dụng TCVN ISO 9001; công tác đánh giá sự phù hợp, quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động hợp tác quốc tế; công tác TBT; triển khai Chương trình 1322; QĐ 100/QĐ-TTg.
Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc