Đánh giá thực trạng về phát triển doanh nghiệp CNHT tỉnh Nghệ An

Chủ nhật - 29/01/2023 21:34 0
Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp EDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Ngành công nghiệp hỗ trợ đã đang phát triển mạnh trên trên toàn thế giới, đặc biệt các nước như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan,.. thực tiễn đã xác định, CNHT có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, là động lực phát triển, yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của quốc gia, của ngành, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của các quốc gia trên thế giới đồng hành với cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, sẽ tạo điều kiện cho các nước đẩy mạnh việc chuyên môn hóa, hiện đại hóa nền công nghiệp nước nhà để tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh về công nghệ và nhân lực, lợi thế về các hiệp định thương mại tự do,…
Theo điều tra khảo sát được thực hiện trong khuôn khổ đề tài Thực trạng, định hướng và giải pháp ưu tiên phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” tính đến năm 2021 toàn tỉnh có khoảng 81 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, chiếm 21,89% tổng số doanh nghiệp trong các ngành có công nghiệp hỗ trợ và chỉ chiếm 5,58% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp. Trong đó, có 13 doanh nghiệp FDI (chiếm 16,05%), doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa chiếm số lượng lớn với 68 đơn vị (chiếm 83,95%)  nhưng các cơ sở này quy mô nhỏ chủ yếu thuộc các ngành gia công cơ khí, sản xuất bao bì nên giá trị gia tăng tạo ra thấp.
Theo số liệu điều tra, khảo sát 315 doanh nghiệp có hoạt động trong ngành CNHT và các doanh nghiệp có liên quan trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy:  Có 51% số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mức trung bình, 41% doanh nghiệp năng lực tài chính thấp và chỉ có 8% đủ năng lực để đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị, chủ yếu là các doanh nghiệp vốn FDI.  Chất lượng nguồn nhân lực có tới 35% ở mức thấp và chỉ có 6% nhân lực công nghiệp hỗ trợ ở mức cao. 
Về cơ sở vật chất, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp CNHT: 58% được đánh giá đạt mức trung bình, 35% doanh nghiệp được khảo sát có cơ sở vật chất sản xuất đạt ở mức thấp, 7% số doanh nghiệp mức cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, 54% doanh nghiệp ở mức trung bình; 12% ở mức cao nhưng mức tối đa hóa hầu như không có doanh nghiệp nào áp dụng.
Khả năng cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường ở mức trung bình chiếm 41% và đạt yêu cầu, còn lại ở mức thấp. Mức độ hợp tác, liên kết của các doanh nghiệp chưa cao, mức trung bình chiếm khoảng 39%, còn mức cao và rất cao chiếm khoảng 13%.
1. Thực trạng về nguồn nhân lực.
Lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế có 1.906.340 người, trong đó có 87,94% làm việc ở khu vực nông thôn, 12,06% làm việc ở khu vực thành thị. Lực lượng lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ 65%, trong đó, có văn bằng chứng chỉ đạt 25,3%; tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ đang làm việc trong nền kinh tế là 20,97%. Chất lượng lao động của tỉnh đang có chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực. Tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2020 đạt 70,0%, tăng 36,5% so với năm 2010, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 18,6%.
Theo số liệu, điều tra, khảo sát và thống kê 193 DN CNHT được điều tra thì trong tổng số 39.364 lao động, có 3.396 lao động đại học và trên đại học (chiếm 8,6%), 2417 lao động có trình độ cao đẳng (chiếm 6,4%), 3.472 trung cấp nghề (chiếm 8,8%) và 30.079 qua đào tạo nghề (chiếm 76,4%). Như vậy có thể thấy so với mặt bằng chung lao động trong nghành CNHT có tỷ lệ qua đào tạo cao hơn ở khối các ngành khác.

Về năng suất lao động, ngành CNHT Nghệ An có năng suất lao động tương đối thấp. Trong giai đoạn 2011-2020, trong khi năng suất lao động bình quân chung toàn ngành CNHT hỗ trợ cả nước tăng trưởng đáng kể từ mức gần 700 triệu đồng/lao động trong năm 2011 lên mức đỉnh hơn 2 tỷ đồng/doanh nghiệp trong năm 2019 (trước khi sụt giảm trong năm 2020 do đại dịch Covid-19), tương đương mức tăng trưởng bình quân 32%/năm trong 9 năm liên tiếp.
Trong cùng giai đoạn, năng suất lao động của doanh nghiệp ngành CNHT của Nghệ An chỉ tăng từ 221 triệu đồng/lao động (năm 2011) lên mức 488 triệu đồng/lao động (năm 2019 – mức đỉnh). Điều này dẫn tới việc nếu năm 2011, năng suất lao động của công nhân ngành CNHT Nghệ An chỉ bằng 1/3 bình quân chung cả nước thì đến năm 2019 con số này là chưa tới 1/4. Thậm chí, năng suất lao động ngành CNHT Nghệ An còn kém hơn so với bình quân chung của vùng Bắc Trung bộ, mặc dù doanh thu bình quân của doanh nghiệp cao hơn. Hơn nữa, khi đem so sánh với năng suất lao động bình quân của doanh nghiệp CBCT của tỉnh thì ngành CNHT của Nghệ An còn kém hơn và khoảng cách càng ngày càng có xu hướng nới rộng.
2. Thực trạng về vốn, thiết bị và công nghệ DN CNHT.
Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có quy mô vốn cao hơn so với mức bình quân của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác. Trong giai đoạn 2016-2020, mỗi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có quy mô vốn bình quân là 120,5 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao hơn gần 2 lần so với mức 64,1 tỷ đồng/doanh nghiệp của bình quân các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác và cao hơn 34% so với mức vốn 89,7 tỷ đồng/doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015.
Xét riêng trong nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành (CNHT) công nghệ cao là nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất và tăng nhanh nhất. Bình quân giai đoạn 2011-2015, quy mô vốn bình quân là 260 tỷ đồng/doanh nghiệp nhưng đến giai đoạn 2016-2020 con số này đã tăng lên hơn 470 tỷ đồng/doanh nghiệp, tương đương mức tăng 81%. Tiếp đến là tiểu ngành điện tử tin học và tiểu ngành dệt may với quy mô vốn bình quân giai đoạn 2016-2020 lần lượt là 209 tỷ đồng/doanh nghiệp và 144 tỷ đồng/doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp tiểu ngành điện tử, tin học có mức tăng trưởng vốn tốt với mức tăng 59% so với bình quân giai đoạn 2011-2015. Ở một chiều cạnh khác, nhóm doanh nghiệp thuộc hai tiểu ngành cơ khí, chế tạo và tiểu ngành da giày có quy mô vốn tương đối hạn chế và thậm chí còn dưới bình quân của các ngành CBCT khác và kém xa trung bình của nhóm ngành CNHT.
Vai trò của doanh nghiệp FDI trong sự phát triển của ngành CNHT tỉnh Nghệ An được nhìn nhận rõ hơn khi xem xét quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp theo sở hữu. Phân tích từ số liệu điều tra doanh nghiệp cho thấy, kể từ năm 2013, trên địa bàn tỉnh không còn doanh nghiệp CNHT thuộc sở hữu nhà nước, thay vào đó là sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI với quy mô vốn lớn, lấn át hoàn toàn các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong giai đoạn 2013-2017. Tuy nhiên, cùng với việc nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô vừa và nhỏ theo chân các tập đoàn lớn đến đầu tư tại Nghệ An, thì quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp CNHT sở hữu nước ngoài có xu hướng giảm trong vài năm tiếp theo trước khi tăng trở lại trong năm 2020.
Nghệ An nằm trong vùng trũng“ của ngành CNHT khi phần lớn doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên tình hình được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây với sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc và Hàn Quốc. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ làm tăng nguồn vốn bình quân của ngành mà còn có tác động lan toản hấp dẫn nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành, đặc biệt trong giai đoạn 2018-2020. Tuy nhiên, sự gia nhập ồ ạt của doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa khiến bức tranh doanh nghiệp CNHT tỉnh Nghệ An dưới góc độ vốn dễ bị nhìn nhận sai.
3.Những đóng góp của ngành CNHT vào phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An
a) Hiệu quả kinh tế.
a. Đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và tăng trưởng kinh tế: Công nghiệp, xây dựng tiếp tục có bước tăng trưởng với tốc độ bình quân giai đoạn 2011-2020 là 9,91% (giai đoạn 2011-2015 tăng 8,71%; giai đoạn 2016-2020 tăng 11,12%). Lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2011-2020 tăng trưởng 13,62% (giai đoạn 2011 - 2015 tăng 14,92%; giai đoạn 2016-2020 tăng 12,34%). Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch nhanh và đúng hướng. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng và giảm dần tỷ trọng ngành khai thác, chế biến khoáng sản.
Các dự án thu hút đầu tư có đóng góp ngày càng lớn vào GRDP và tăng
trưởng kinh tế của tỉnh, trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt là các dự án trong ngành CNHT. Tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 là 22,83% (trong đó, đóng góp của doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI đạt 20,73%). Sự phát triển của doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào của nền kinh tế được cải thiện đáng kể.

- Đóng góp cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 72,58% năm 2010 lên 73,64% năm 2015 và đạt 75,38% năm 2020; tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 27,42% năm 2010 xuống 26,36% năm 2015 và còn 24,62% năm 2020. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của ngành lâm nghiệp và thủy sản: Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp thuần giảm từ 81,98% năm 2015 xuống còn 77,22%; tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 5,64% năm 2015 lên đạt 6,71%; tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng từ 12,38% năm 2015 lên 16,07%. Như vậy, có thể thấy các dự án đầu tư đi vào hoạt động đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực là giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ.
- Đóng góp vào nguồn vốn đầu tư  phát triển của tỉnh: Như phân tích trên, giai đoạn 2016-2022, Nghệ An có 822 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 144.703 tỷ đồng vào sản xuất công nghiệp. Dự án ngành CNHT có 193 dự án bao gồm các dự án có hoạt động trong ngành CNHT, chiếm khoảng 17% tổng số dự án, với tổng số vốn ước tính đạt khoảng 53.000 tỷ đồng (Trong đó, có khoảng 50 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng, vốn trong nước 23.000 tỷ đồng). Riêng năm 2022, thu hút 77 dự án, với tổng số vốn khoảng 18.000 tỷ đồng. Các dự án đầu tư được thực hiện đã bổ sung nguồn lực quan trọng vào nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Tỷ trọng đóng góp của các dự án đầu tư trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh Nghệ An có xu hướng tăng theo từng năm, từng giai đoạn. Cụ thể giai đon 2006 - 2010 thu hút được 266 dán/93.468 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2014, 249 dán/51.016 tỷ đồng. Tổng cả 2 giai đoạn 2006 – 2014 có 515 dán/144.484 tỷ đồng. Như vậy so với giai đoạn 2016-2022, tổng vốn thu hút đầu tư tăng khá nhanh.

- Thu ngân sách nhà nước: Thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp liên tục tăng qua các năm (Năm 2016, thu từ khu vực doanh nghiệp đạt 7.431 tỷ đồng; năm 2020, đạt 10.501 tỷ đồng, tăng 41,3% so với năm 2016), chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu trên địa bàn tỉnh (bình quân đạt 62% tổng thu ngân sách). Nguồn thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp liên tục tăng, riêng nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu năm 2020 giảm do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Số doanh nghiệp có mức nộp ngân sách trên 50 tỷ tăng dần qua các năm và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng thu nội địa. Như vậy, có thể thấy nhờ thực hiện các giải pháp phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nên thu ngân sách tỉnh từng bước có sự gia tăng theo từng năm. Các dự án đầu tư đi vào hoạt động đã có những đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước; giá trị nộp ngân sách nhà nước tăng đều qua từng năm.
b) Hiệu quả xã hội
Một trong những đóng góp quan trọng của các dự án đầu tư CNHT trên địa bàn tỉnh là giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là các lao động địa phương. Nếu năm 2016, số lao động làm việc trong ngành CNHT có khoảng 5.000 lao động thì đến năm 2022, số liệu thống kê điều tra 193 doanh nghiệp CNHT và các DN có hoạt động trong ngành CNHT, hiện nay số lao động thu hút làm việc 39.364 lao động, trong đó có 30.079 lao động đã qua đào tạo nghề.
Cùng với việc giải quyết việc làm cho lao động, các dự án đầu tư nói chung và ngành CNHT nói riêng đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập cho lao động. Cùng với sự phát triển các dự án đầu tư thì thu nhập của người lao động cũng ngày càng được cải thiện. Theo số liệu thống kê, thu nhập bình quân của người lao động khu vực doanh nghiệp là 5,72 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,45 lần so với năm 2015. Theo ngành kinh tế, mức thu nhập của người lao động trong khu vực dịch vụ đạt cao nhất với 6,317 triệu đồng/người/tháng, khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,046 triệu đồng/người/tháng và khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 5,506 triệu đồng/người/tháng.
Năng suất lao động, doanh thu thuần bình quân 1 lao động trong toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng dần từ 756 triệu đồng/người năm 2016 lên 1.027 triệu đồng/người năm 2020; giai đoạn 2016 - 2020 có tốc độ tăng bình quân 7,5%/năm. Trong đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt mức cao nhất là 1.109 triệu đồng/lao động, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,67%/năm. Thu nhập bình quân của người lao động khu vực doanh nghiệp là 5,72 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,45 lần so với năm 2015. Theo ngành kinh tế, mức thu nhập của người lao động trong khu vực dịch vụ đạt cao nhất với 6,317 triệu đồng/người/tháng, khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,046 triệu đồng/người/tháng và khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 5,506 triệu đồng/người/tháng.
          c) Hiệu quả môi trường
Theo kết quả rà soát các dự án đầu tư đầu cho thấy, đa số các dự án đầu tư
đều thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường (lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt).
Theo đánh giá kết quả 2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, hiện nay trong các ngành CNHT sản xuất  không có cơ sở nào gây ô nhiễm môi trường.
Đình Thanh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây