DỰ ÁN CÂY TRÀM GIÓ Ở XÃ TAM QUANG, HUYỆN TƯƠNG DƯƠNG - SINH KẾ CHO NGƯỜI DÂN

Thứ ba - 29/11/2022 22:20 0
Tràm gió (Melaleuca cajuputi Powell) thuộc chi Tràm Myrtaceae mọc tự nhiên và được trồng phổ biến ở Đông Nam Á, Úc, New Guinea và đảo Torres Strait. Ở nước ta, cây tràm gió còn có tên gọi khác là tràm Úc, tràm lá dài, tràm lơca mọc hoang ở nhiều nơi, ở các tỉnh phía Nam như: Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau... Ở phía Bắc, tràm mọc nhiều ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, ở vùng núi của Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Tràm gió được trồng và sử dụng như nguồn nhiên liệu làm than ở Đông Nam Á, gỗ làm cột, sàn nhà, vỏ cây được dùng làm nguyên liệu để lợp, tráng kín thuyền... Đặc biệt cây tràm gió được trồng phổ biến ở nhiều nơi để chiết xuất tinh dầu phục vụ trong y học và dược học. Dầu tràm gió là một dược liệu quý có giá trị cao và nhu cầu sử dụng lớn để làm dược liệu chữa bệnh như: trị ho, chống cảm lạnh, trúng gió, đuổi muỗi, giảm đau, khó tiêu, đầy hơi, chống nấm, kháng khuẩn, khử trùng, trị mụn, chữa đau răng và nhanh lành vết thương...
Từ nhu cầu thị trường và giá trị kinh tế của cây tràm gió mang lại, việc chuyển đổi diện tích đất trước đây chỉ trồng keo, sắn... kém hiệu quả sang trồng cây tràm dược liệu là hướng đi mới nhưng khá hiệu quả của bà con nông dân ở các xã miền núi huyện Tương Dương.


Dự án “Thí điểm trồng cây tràm úc lấy tinh dầu và mô hình chưng cất tinh dầu tràm quy mô hộ gia đình”, được UBND tỉnh Nghệ An thực hiện với tổng số nguồn kinh phí là 1.351 triệu đồng, tại bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Hiện tại trên địa bàn có gần 2 héc-ta cây tràm (giống tràm trà), đến nay đã cho thu hoạch. Vào vụ ép thử nhưng giá thu mua cành và lá tươi lên đến 3 - 4 triệu đồng/tấn. Tương lai gần sẽ mở rộng diện tích lên tới trên 10 héc-ta, tiến tới thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất tinh dầu tràm.
Ông Lô Văn Dũng ở bản Tam Bông, xã Tam Quang chia sẻ“Những năm trước đây, kinh tế của gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó cây trồng chính là lúa, sắn và cây keo lai lấy gỗ… Nhận thấy thị trường cây keo lai ngày càng bấp bênh, trồng nhiều năm mới thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao nên tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng tràm theo dự án của xã”. Theo ông Dũng, muốn trồng cây tràm dược liệu phải lựa chọn loại đất phù hợp, địa thế thuận lợi. Ông Dũng cũng dự tính, trong năm thứ nhất, gia đình có 0,2 héc-ta, năm đầu tiên thu hoạch thử nghiệm,  bán được gần 16 triệu đồng. Kế tiếp, gia đình thuê đất trồng thêm 1 héc-ta nữa. Từ vụ đầu, thấy được tràm là cây dễ trồng, thời gian quay vòng và thu lợi nhanh hơn các cây trồng khác. 

Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết“Trong năm nay, xã đã được Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ một cái máy chiết xuất tinh dầu tràm. Dù là vụ ép thử đầu tiên nhưng chính quyền và nhân dân đã thấy được tiềm năng của cây tràm trên địa bàn. Sắp tới đây xã sẽ thành lập HTX và tiến hành đăng ký các thủ tục cần thiết đưa tinh dầu tràm ra thị trường”.
Đối với những vùng đất trồng không hiệu quả, việc trồng tràm dược liệu là hướng đi đầy khả quan trên vùng đất bán sơn địa Tam Quang. Quá trình thực hiện mô hình cho thấy, cây tràm dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc và không ảnh hưởng đến yếu tố thời tiết. Đặc biệt, chi phí đầu tư ban đầu không nhiều nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để hỗ trợ bà con, trong thời gian đầu, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục hỗ trợ mọi mặt. Từ khâu cung cấp cây giống để hình thành vùng nguyên liệu cho HTX. Đặc biệt tìm đầu ra cho sản phẩm tinh dầu tràm, qua đó tạo tiền đề thuận lợi cho người dân yên tâm trồng và chăm sóc. Chính quyền địa phương khuyến khích đối với những hộ đã trồng tràm dược liệu tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, những hộ chưa trồng thì nghiên cứu, học tập để trồng loại cây này và một số loại cây khác phù hợp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ đề xuất các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ người dân vay vốn với lãi suất thấp để có điều kiện đầu tư chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập cho gia đình. “Chủ trương của UBND xã là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa cây; trong đó, tập trung phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững và thích ứng được với biến đổi khí hậu, nhất là trong điều kiện khô hạn. Để có hướng phát triển bền vững, hiện tại, địa phương đang đưa vào trồng thử nghiệm cây trồng mới là cây tràm dược liệu. Quá trình triển khai cho thấy, cây trồng mới này sinh trưởng và phát triển tốt” - Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết thêm.
Mục tiêu của dự án là thâm canh cây tràm úc và chiết xuất tinh dầu tràm để từ đó tạo ra chuỗi giá trị, từ trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tương Dương.
Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã hướng dẫn bà con trồng thí điểm 2ha triển khai mô hình chưng cất tinh dầu tràm quy mô hộ gia đình tại đây. Tương lai gần sẽ mở rộng diện tích lên tới trên 10ha và tiến tới thành lập hợp tác xã sản xuất tinh dầu tràm. Cũng như nhiều loài cây trồng khác, tràm gió khi trồng tập trung diện tích lớn sẽ rất dễ phát sinh dịch hại. Bệnh đốm lá phát sinh gây hại nghiêm trọng từ tháng 2-4/2021 trong điều kiện thời tiết mát mẻ, độ ẩm cao. Là cây trồng mới trên địa bàn, bệnh phát sinh gây hại lá với mức độ nghiêm trọng nên không chỉ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây mà việc khảo sát đánh giá năng suất, chất lượng tinh dầu cũng bị gián đoạn. Việc phòng trừ dịch hại đạt hiệu quả phụ thuộc vào việc xác định chính xác bệnh và tác nhân gây bệnh. Trước tình hình diễn biến của bệnh, các chủ hộ, cơ quan chuyên môn địa phương đã báo cáo và tiến hành thu thập mẫu bệnh gửi Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để giám định.
Để hỗ trợ người dân có giải pháp phòng trừ bảo vệ cây trồng tràm gió làm dược liệu, bảo vệ sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ phối hợp nghiên cứu để xác định đối tượng gây ra bệnh đốm lá trên cây tràm gió tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An làm cơ sở đề xuất biện pháp phòng trừ bảo vệ cây trồng hiệu quả./.
Nguyễn Thị Lộc

Nguồn: Sưu tầm

 Tags: tự nhiên

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây