'Dự án ứng dụng công nghệ cao có thể nhận hỗ trợ đến một tỷ đồng'

Thứ ba - 25/10/2022 23:21 0

Doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm phục vụ áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, sản xuất sản phẩm mới được hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng từ ngân sách, theo TS Lưu Quang Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ.

TS Lưu Quang Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Thông tin được ông chia sẻ tại hội thảo "Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao ứng phó với biến đổi khí hậu", tổ chức chiều 18/10.

Ông Minh dẫn điểm b, khoản 2 Điều 9 của Nghị định 57, năm 2018 hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện nhiệm vụ đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư và 50% kinh phí đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và dự án nông nghiệp khuyến kích đầu tư nhưng không quá 1 tỷ đồng.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước để nâng cao phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, đầu tư xây mới nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, các doanh nghiệp khoa học công nghệ còn được hưởng chính sách về tiền thuê đất, thành lập vườn ươm tạo, sử dụng vật chất kỹ thuật phòng thí nghiệm. Các doanh nghiệp được khuyến khích thành lập các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ như: cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN.

 
Ứng dụng công nghệ cao doanh nghiệp có thể nhận hỗ trợ đến 1 tỷ đồng

Ông Lưu Quang Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Huy

Ngoài chính sách chung, các chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030 (KC.06, KC.08, KC.12...).. cũng hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Trên thực tế doanh nghiệp nông nghiệp có nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ nhưng việc tiếp cận và áp dụng vẫn còn hạn chế. Khảo sát của tổ chức Oxfam (2021) và Viện Rosa-Luxemburg, Đức (năm 2022) cho thấy, doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, nhận dạng phân loại sản phẩm, công nghệ tự động hóa, phân tích dữ liệu... tuy nhiên chỉ số nhu cầu và thực tế luôn lệch nhau. Theo thang điểm 1-5 (thang đo Likert) thì thực tế chỉ đạt trên dưới 50% so với nhu cầu (tùy công nghệ). Trong số này, công nghệ truy xuất nguồn gốc đang đạt mức cao (nhu cầu ở mức 3.76 và áp dụng ở mức 2.28); công nghệ phân tích dữ liệu đạt mức thấp (nhu cầu 3.42- thực tế 1.65).

Theo ông Chu Tiến Đạt, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, khả năng tiếp cận công nghệ cao bị hạn chế là một trong những khó khăn nhất của các hợp tác xã trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch. Điều này thể hiện rõ khi so sánh mức độ giữa các tiêu chí, cụ thể mức độ ảnh hưởng đến cung và thị trường đầu vào ở mức 3.43, đến cầu và đầu ra mức 3.79, trong khi khó khăn trong ứng dụng công nghệ cao ở mức 3.64.

 
Ông Chu Tiến Đạt, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Huy

Ông Chu Tiến Đạt phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Huy

Tại Việt Nam, đến cuối năm 2021 có 4.667 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chiếm 17% tổng số (hơn 27.000 HTX và 108 Liên hiệp HTX). Theo ông Đạt, Liên minh HTX Việt Nam xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển hợp tác xã hiệu quả, bền vững. Giải pháp cho việc này được HTX thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hoá, hỗ trợ vay vốn, ứng dụng công nghệ cao, số hoá trong hoạt động và hỗ trợ tiếp cận các chính sách.

GS Trần Đăng Xuân, Đại học Hiroshima, dẫn kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng diện tích hữu cơ lên 1 triệu ha (đến năm 2050), giảm 50% việc sử dụng hoá chất nông nghiệp và nâng cao năng suất 30% bằng tự động hoá. Để thực hiện, Nhật Bản hướng tới thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, thúc đẩy nông nghiệp thân thiện với môi trường, đẩy mạnh tăng cường canh tác kỹ thuật số, tăng hiệu quả sử dụng nước và phân bón. So sánh với Việt Nam, ông chỉ ra xuất khẩu 44 tỷ USD về nông lâm thuỷ sản tuy nhiên phần lớn nguyên liệu thô, thiếu các nghiên cứu về công nghệ và giống mới.

Chuyên gia đề xuất đẩy mạnh tiêu chuẩn GAP, tăng tỷ trọng nông nghiệp hữu cơ và bền vững, tăng cường hỗ trợ nông dân như bảo hiểm nông nghiệp, tăng cường chế biến bảo quản lương thực. Theo ông Xuân, hiện có hơn 65% những kỹ thuật trong ngành nông nghiệp mà người dân không thể áp dụng.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ tại Việt Nam, ông Lưu Quang Minh đề xuất 6 định hướng, trong đó nhấn mạnh tới ưu đãi thuế, vốn đối với tổ chức nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, mới, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, nâng cao năng suất thông qua chuyển giao, ứng dụng công nghệ, khai thác sáng chế, áp dụng công nghệ tiên tiến trong chọn tạo giống, cây trồng...

Như Quỳnh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây