Hai nhà khoa học Việt Nam đạt Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021

Thứ năm - 14/04/2022 23:41 0
Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam vừa công bố kết quả xét tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 cho hai nhà khoa học nữ: GS. TS. NGƯT. Nguyễn Minh Thủy (giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, Khoa nông nghiệp, Đại học Cần Thơ) và GS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).
GS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Hóa dược tại Đại học Y Dược Toyama, Nhật Bản. Bà được công nhận chức danh Giáo sư năm 2020. Bà có 135 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước; chủ trì và hoàn thành 14 đề tài nghiên cứu các cấp. GS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai tập trung nghiên cứu lĩnh vực phát hiện thuốc mới từ dược liệu Việt Nam và công nghệ chiết xuất hoạt chất, phát triển sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ dược liệu. Bà có nhiều công trình nổi bật như phân lập các hoạt chất từ nguồn cây cỏ Việt Nam nhằm phát triển thuốc mới điều trị bệnh đái tháo đường, gout và nám da hay chiết xuất cao định chuẩn từ củ Ngải bún được sử dụng điều trị bệnh viêm loét dạ dày... Ngoài ra, sản phẩm chiết xuất nọc ong được sử dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp hay phát triển hợp chất có khả năng kháng ung thư. Năm 2020, bà được công nhận là trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh thuộc Chương trình nghiên cứu Hóa Dược của Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
GS. TS. Nguyễn Minh Thủy, giảng viên cấp cao trường đại học Cần Thơ, được cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ thực phẩm tại Vương quốc Bỉ. GS. TS. Nguyễn Minh Thủy dành nhiều tâm huyết để nâng cao giá trị các loại nông sản sau thu hoạch và giúp người dân được sử dụng các sản phẩm ngon, sạch, an toàn. Định hướng nghiên cứu chính trong sự nghiệp của bà gồm ứng dụng các kỹ thuật xử lý, tồn trữ, chế biến đa dạng các loại nông sản nhiệt đới sau thu hoạch và dinh dưỡng trong mối liên quan thực phẩm với con người. Bà chủ trì và tham gia hơn 20 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong đó nổi bật với các công trình sử dụng nguồn nguyên liệu gấc, gạo, nếp, khoai, tỏi... hay mô hình chế biến sản phẩm từ nguồn đặc sản của địa phương, như cây mía Hậu Giang, thốt nốt ở tỉnh An Giang hay củ hành tím tỉnh Sóc Trăng, trái thanh trà (tỉnh Vĩnh Long)... Nhiều công nghệ chuyển giao từ đề tài nghiên cứu được đưa ra thị trường như vang sim rừng, trà linh chi hay khóm sấy và nước khóm cô đặc. Bà sở hữu một bảo hộ sáng chế "Quy trình chế biến sản phẩm nước ép gấc - cà rốt" vào năm 2017. GS. TS Nguyễn Minh Thủy cũng công bố 157 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và quốc gia có uy tín. Bà nghỉ hưu từ năm 2016 nhưng được mời làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Đại học Cần Thơ.
Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 dự kiến tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (tháng 5/2022) tại Hà Nội.

Minh Anh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây