Hoạt động KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp giúp Thanh Chương phát triển kinh tế - xã hội

Thứ hai - 16/08/2021 21:54 0
Những năm qua, việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KH&CN vào các hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện Thanh Chương đã góp phần to lớn trong việc tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, có những bứt phá mới trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, đầu tư thâm canh vụ Xuân, ổn định sản xuất Hè thu, đẩy mạnh sản xuất vụ Đông hàng hoá, tích cực vận động nhân dân đưa các giống mới vào sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất, sản lượng, giá trị tăng cao. Tham mưu xây dựng Đề án "Phát triển một số cây trồng hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2015-2020". Trong đó tập trung phát triển hai loại cây đó là cây cam (gồm cam Xã Đoài và cam V2) và cây bưởi Diễn. Kết quả đến nay đã tạo được vùng sản xuất nguyên liệu tập trung hơn 4.500 ha chè công nghiệp; 500 ha Cam xã đoài, cam V2 và gần 100 ha Bưởi diễn, hàng năm ổn định hơn 2000 ha sắn nguyên liệu, và trồng mới hơn 20.000 ha rừng. Sản xuất thành vùng tập trung, khai thác lợi thế so sánh của huyện nhà, sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa, như diện tích chè công nghiệp đã và đang khẳng định hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, là một trong những cây chủ lực của huyện, người làm chè đã sống được và làm giàu từ cây chè. Các cơ sở chế biến liên tục được đầu tư, mở rộng sản xuất là thể hiện chuỗi sản xuất khép kín từ khâu nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ. Mối quan hệ giữa sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến ngày càng chặt chẽ, bước đầu đã hình được các liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, HTX, và người dân sản xuất nguyên liệu. Các hợp đồng ổn định hàng năm có giá trị lớn được ký kết, hàng hóa được hoàn thiện, đóng gói xuất khẩu trực tiếp, là bước tiến mới trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Về chăn nuôi, huyện xác định chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nên huyện đã chỉ đạo quyết liệt việc phát triển chăn nuôi. Tổng đàn ngày càng tăng, đặc biệt nhờ thực hiện tốt các cơ chế chính sách như thụ tinh nhân tạo, hỗ trợ bò đực giống, tham mưu xây dựng đề án phối giống bò BBB... nên chất lượng đàn bò ngày càng được nâng lên. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện tốt Dự án gà Thanh Chương, đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể "Gà Thanh Chương". Gà Thanh Chương gắn mã truy xuất bằng tem điện tử. Đến nay sản phẩm gà Thanh Chương đã trở thành hàng hóa trên thị trường được nhiều người ưa chuộng.
Về ứng dụng các tiến bộ KHKT và công nghệ cao vào sản xuất, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhất là tiến bộ về giống lúa lai, ngô lai, lạc lai đưa vào sản xuất đại trà đã tạo bước đột phá trong sản xuất. Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI, ICM; sản xuất rau an toàn; chăn nuôi gà thịt theo hướng VietGap. Xây dựng được 7 nhà màng với diện tích gần 01 ha để sản xuất dưa lưới, các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, đến nay đã có 28,5ha chè công nghiệp, 20ha cam, 10ha bưởi, 5ha ổi được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Công tác cơ giới hóa trong sản xuất được đẩy mạnh, hơn 100% diện tích lúa được làm đất và thu hoạch bằng cơ giới hóa. Các diện tích sản xuất ngô, lạc và rau màu các loại bước đầu cũng được ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất qua đó giúp tăng hiệu suất cũng như hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến nay toàn huyện có hơn 150 máy gặt đập liên hợp, 1.500 máy cày các loại, 03 cái máy cấy, 01 hệ thống máy sản xuất mạ khay, hơn 1.200 máy hái chè. Việc ứng dụng tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt cho các loại cây trồng được đẩy mạnh, có hơn 115 ha cam áp dụng tưới nhỏ giọt, hơn 2.500 ha chè công nghiệp được áp dụng tưới phun mưa, từ đó đã giảm được những thiệt hại do hạn hán.

Công tác xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp được chú trọng triển khai và đạt hiệu quả cao. Năm 2019 tỉnh Nghệ An triển khai chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) đến tất cả các huyện, Thanh Chương là huyện vào cuộc sớm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt và tích cực, đã tổ chức tập huấn đến tận các chủ thể sản phẩm, tham quan học tập kinh nghiệm đến các tỉnh đi trước, chủ động trang bị những kiến thức cần thiết cho người dân trong thực hành sản xuất để đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn ATVSTP, chất lượng VIETGAP, như tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký thương hiệu.... đây là những yếu tố cần và đủ cho sản phẩm khi đi ra thị trường. Kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019, Thanh Chương có 7 sản phẩm trên 48 sản phẩm toàn tỉnh được phân hạng. Trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2020, toàn tỉnh có 50 được công nhận cấp huyện; 24 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh; 05 sản phẩm được công nhận cấp khu vực phía Bắc. Theo Quyết định số 159/QĐ-UBND ngày 20/1 về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An năm 2020, toàn tỉnh có 66 sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An được công nhận đat hạng 3 sao, 4 sao, trong đó có 56 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 11 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Thanh Chương có 4 sản phẩm được phan hạng, trong đó 01 sản phẩm đạt 4 sao là sản phẩm “Nhút bà Quế” và 03 sản phẩm 3 sao là Măng cay, Măng chua, Bưởi Thanh Mỹ. Đây là kết quả nổi bật khi huyện tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, gắn phát triển vùng sản xuất theo chuỗi với phát triển kinh tế HTX, gắn việc hoàn thiện sản phẩm với các kênh phân phối, nhằm đáp ứng với yêu cầu thị trường mà bất kỳ chủ thể sản xuất sản phẩm hàng hóa phải thức hiện đó là mục tiêu “thỏa mãn người tiêu dùng”
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ KH&CN trong thời gian tới, Thanh Chương mong  tỉnh tiếp tục có những cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm. Đồng thời, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ huyện trong việc thực hiện các mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất,  hỗ trợ huyện trong việc xây dựng các mô hình bảo quản, chế biến các loại nông sản. Huyện cũng mong muốn UBND tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, tạo điều kiện để huyện giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm phẩm truyền thống có thương hiệu của huyện như: gà, trám, nhút Thanh Chương...
                                  Trần Phi Hùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT

 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây