Kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ hai - 12/09/2022 21:37 0
Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ Việt nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ở Nghệ An, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/8/2022 về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 09-NQ/TU). Để thực hiện Nghị Quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 586-/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025.

Việc triển khai đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Kết quả triển khai chuyển đổi số tỉnh Nghệ An 6 tháng đầu năm 2022 đã triển khai 22 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022 theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tỉnh đã Ban hành các văn bản về Quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An; Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025; Đề án thí điểm xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, căn cứ các chiến lược, chương trình, chủ trương của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các đề án, dự án, kế hoạch triển khai và đã từng bước xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh, tạo tiền đề cho chuyển đổi số, thực hiện những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trong cả ba trụ cột của chuyển đổi số gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Về hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, hạ tầng kỹ thuật CNTT của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, phù hợp với mục tiêu và quy hoạch đề ra, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho việc tin học hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hạ tầng mạng LAN, WAN và internet trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh hiện đã được đầu tư tương đối đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu trao đổi dữ liệu, kết nối với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng tỉnh Nghệ An chính thức vận hành từ tháng 7/2019, triển khai với 823 cơ quan nhà nước, phục vụ vận hành phần mềm quản lý văn bản điều hành liên thông 4 cấp VNPT - Ioffice. Nghệ An đã hoàn thành việc xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu LGSP. Từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Về triển khai các ứng dụng, dịch vụ, Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử liên thông tỉnh Nghệ An với 20 sở, ban, ngành và 21 huyện, thành phố, thị xã tham gia. Hệ thống đã được kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, đã cung cấp trên hệ thống 1.833 dịch vụ công, tỷ lệ văn bản ký số trên phần mềm Ioffice toàn tỉnh là 71%.
Hộp thư điện tử công vụ của tỉnh được triển khai trong các cơ quan nhà nước, cơ quan đảng trên địa bàn tỉnh, đã có 50 tên miền, 254 nhóm thư và 8122 tài khoản thư. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với 26 điểm cầu, kết nối UBND tỉnh với các huyện, thành phố, thị xã, mỗi năm phục vụ trên 30 cuộc họp trực tuyến từ tỉnh xuống huyện. Trong năm 2021, đã phục vụ hơn 70 cuộc họp trực tuyến. Về triển khai chữ ký số, toàn tỉnh có 20 sở, ban, ngành; 21 huyện, thành, thị và 100% các đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ngành trong tỉnh đã được cấp chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ. Việc tích hợp chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp đã được VNPT hoàn thiện để có thể ký số trực tiếp trên phần mềm VNPT- Ioffice. Toàn tỉnh có trên 4.000 chứng thư số được cấp đưa vào sử dụng. Việc phát triển nguồn nhân lực CNTT thường xuyên được quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện; việc dạy và học tin học trong trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục và đào tạo có bước phát triển tích cực.
Về công tác đảm bảo an toàn thông tin, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2377/QĐ-UBND ngày 26/6/2019 về kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An. Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Nghệ An được UBND tỉnh bổ sung chức năng nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ giám sát, điều hành, an toàn, an ninh mạng (SOC) của tỉnh. Đơn vị đã tiến hành khảo sát, lập kế hoạch xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành, an toàn, an ninh mạng (SOC) của tỉnh.
Tổ chuyên trách về ATTT tỉnh gồm các thành viên thuộc các sở, ngành, địa phương, đã thực hiện trách nhiệm tự giám sát các hệ thống thông tin do mình quản lý. Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thực hiện giám sát trực tiếp đối với hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành; trục liên thông gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp; mạng truyền số liệu chuyên dùng; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Công tác đảm bảo an toàn thông tin cho Cổng thông tin điện tử cũng được quan tâm, thông qua việc phối hợp với Cục Tin học nghiệp vụ (H49), Bộ Công an và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam VNCERT (nay là VNCERT/CC) trong công tác đảm bảo ATTT.
Thực hiện công tác chia sẻ thông tin và giám sát quốc gia, Sở Thông tin và Truyền thông đã cung cấp 42 địa chỉ IP, 148 tên miền của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đến Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện giám sát, cảnh báo kịp thời đến Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị để khắc phục.
Về phát triển kinh tế số, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đã ứng dụng CNTT trong các công đoạn sản xuất, quản lý, kinh doanh; khai thác tốt các lợi ích của Internet trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh,... Sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/11/2012, đến ngày 31/12/2021 đã hỗ trợ được hơn 463 doanh nghiệp, thương nhân đăng ký thành viên và thiết lập gian hàng, thu hút trên 8,3 triệu lượt truy cập, giới thiệu và chào bán 3.686 các sản phẩm và dịch vụ. Cùng với kênh phân phối truyền thống, thương mại điện tử (TMĐT) đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả giúp nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp nông nghiệp hướng tới sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số và ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh.
https://nghean.dcs.vn/caches/news/0fc/7262942c.jpg
Về phát triển xã hội số, việc ứng dụng CNTT trong nhân dân ngày càng tăng nhanh. Một số dịch vụ giá trị gia tăng như giải trí, đào tạo, tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa, học trực tuyến, các dịch vụ tiện ích như tra cứu điểm thi, đăng ký học tại các trường, tham khảo để lựa chọn cơ sở đào tạo cho con em vào mùa thi,... đã bước đầu tạo được nhu cầu ứng dụng CNTT trong nhân dân.
Các cơ quan nhà nước cũng đẩy mạnh việc triển khai các ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Khả năng tiếp cận về CNTT và tiếp cận về các dịch vụ y tế, giáo dục thông minh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước thay đổi, nâng cao nhận thức.
Các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục có nhiều cố gắng trong đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng viễn thông và phát triển dịch vụ viễn thông trên địa bàn. Đến nay, có 6 doanh nghiệp viễn thông và 2 doanh nghiệp truyền hình cáp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hệ thống đài truyền thanh cơ sở đã bước đầu chuyển dần sang công nghệ mới ứng dụng CNTT-VT thay cho công nghệ truyền thống (FM, có dây), đáp ứng tốt hơn cho việc quản lý, vận hành, phục vụ nhân dân.
 

Quang Huy

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây