Mô hình trồng và chế biến một số sản phẩm dinh dưỡng từ mầm cây lúa mì tại huyện Diễn Châu

Thứ ba - 29/11/2022 22:21 0
Mầm cây lúa mì còn có tên gọi khác là Cỏ lúa mì (Wheatgrass) hay Tiểu mạch thảo, Cỏ mạch. Mầm cây lúa mì là thân và rễ cây lúa mì non từ 16-20 ngày tuổi. Điều kỳ diệu trong mầm cây lúa mì đó chính là chất diệp lục (chlorophyll). Nó được coi là “máu” xanh bởi có nét tương đồng với Hemoglobin của tế bào hồng cầu. Chất diệp lục chính là dạng cô đặc năng lượng mặt trời, tiếp thêm cho cơ thể con người khả năng chiến đấu và đẩy lùi bệnh tật. Nó bảo vệ con người khỏi tia X, bức xạ điện tử, giải độc cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, mầm cây lúa mì có chứa hơn 17 loại Amino acid thiết yếu và không thiết yếu, hàm lượng Vitamin vượt trội hơn hẳn so với các loại thực phẩm khác; đặc biệt chứa nhiều Calci, Magie, Phospho, Kali, Kẽm và Selen…; lượng vi chất vượt trội hơn hẳn so với những thực phẩm dinh dưỡng khác như giá đỗ, bông cải xanh…; chứa 2 loại acid béo thiết yếu là acid linolenic và linoleic. Trong mầm cây lúa mì có hơn 80 loại Enzyme đã được xác định, đặc biệt có chứa P4D1 và acid ab- scisic (ABA) là 2 loại Enzyme tăng cường miễn dịch cho cơ thể, chống lại các tế bào ung thư.
Từ những giá trị dinh dưỡng đó, mầm cây lúa mì đã được nghiên cứu và chứng minh mang lại tác dụng kỳ diệu cho sức khỏe con người. Tiến Sĩ Ann Wigmore - người sáng lập ra Viện Y tế Hippocrates Health Institute - Hoa Kỳ, đã phát động phong trào sử dụng mầm cây lúa mì trồng trong nhà và vắt lấy nước cốt để uống vào thập niên 1970. Từ đó đến nay, rất nhiều công ty, tập đoàn gia dụng đã nghiên cứu chuyên sâu và sản xuất kinh doanh về công cụ gieo trồng, chế biến mầm cây lúa mì làm nước ép, thực phẩm tại nhà.
\

Tại Nghệ An, vừa qua, Công ty Cổ phần An An Agri ở huyện Diễn Châu đã thử nghiệm trồng và chế biến một số sản phẩm thô từ mầm cây lúa mì nhằm cung cấp cho người tiêu dùng trong nước. Để quy trình công nghệ về sản xuất và chế biến các sản phẩm từ mầm cây lúa mì được hoàn thiện, cần có nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật trồng và chế biến, bổ sung các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mầm cây lúa mì, đồng thời hoàn thiện cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị còn thiếu, để các sản phẩm tạo ra đáp ứng đầy đủ về mặt công nghệ và nhu cầu của thị trường.
Xuất phát từ thực tế trên, dự án: “Xây dựng mô hình trồng và chế biến một số sản phẩm dinh dưỡng từ mầm cây lúa mì trên địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An” đã được thực hiện. Với mong muốn phát triển tạo ra các sản phẩm mới đảm bảo cho sức khỏe, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao từ mầm cây lúa mì tại Nghệ An, đồng thời tạo ra một hướng sản xuất, một ngành nghề mới với tiềm năng kinh tế lớn cho người nông dân.
Sau các đợt sản xuất thử nghiệm với số lượng hạt giống lúa mì khác nhau gieo trồng trên một đơn vị diện tích, trong cùng một thời gian, giá thể sử dụng là trấu, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc như nhau, năng suất mầm cây lúa mì tươi đạt được khác nhau và cho sản lượng tốt ưu nhất là sử dụng lượng giống 80kg/sào với năng xuất bình quân là 196,15kg mầm lúa mì tươi/sào. Như vậy, trên cùng một đơn vị diện tích gieo trồng nhưng lựa chọn được lượng giống phù hợp sẽ thu được hiệu quả kinh tế cao hơn, bên cạnh đó giảm công lao động trong xử lý đất, giá thể, tiết kiệm nguyên vật liệu trong sản xuất.
Mầm cây lúa mì gieo trồng được quanh năm, thời gian từ khi gieo hạt đến thu hoạch từ 16-20 ngày, vì vậy mô hình được triển khai liên tục qua tất cả các tháng trong năm. Kết quả của mô hình sản xuất mầm cây lúa mì đạt sản lượng mầm tươi thu được sau 10 đợt sản xuất là 35,821 tấn, với năng suất 3,0-4,0 tấn/ha/đợt, năng suất bình quân đạt 3,582 tấn/ha. Thời điểm thu hoạch mầm cây lúa mì có chiều dài 20-25cm đã tập trung được đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như đạt được chiều cao thu hoạch. Do ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, thời tiết, khí hậu của từng đợt sản xuất nên năng suất thu được của mỗi đợt là khác nhau.
Qua phân tích số liệu của các đợt sản xuất, kết quả như sau: Sản xuất đợt 01: Thời gian giữa tháng 01 - giữa tháng 03/2021, nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của mầm cây lúa mì từ 16- 270C, ẩm độ cần thiết là 60-65%, ánh sáng nhẹ và thoáng khí. Năng suất mầm tươi thu được đạt cao 3,949 tấn/ha.Sản xuất đợt 02, đợt 03 và đợt 04: Thời gian giữa tháng 03 - cuối tháng 08/2021, nhiệt độ dần tăng, độ ẩm không khí cao và nắng nhiều (đặc biệt từ tháng 05 - tháng 09), thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trung bình từ 27-300C, có những ngày nhiệt độ tăng cao từ 38,0-40,00C kết hợp với gió Tây Nam gây nắng nóng và xen kẽ là các trận mưa lớn kéo dài gây lũ lụt, đồng ruộng ngập úng. Với điều kiện thời tiết như vậy đã ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng và phát triển của mầm cây lúa mì, những diện tích mầm bị ngập úng nhiễm nấm bệnh đều phải nhổ bỏ, tránh lây nhiễm diện tích gieo trồng khác đã làm ảnh hưởng năng suất mầm lúa mì thu được. Năng suất mầm tươi đạt được từ 3,080- 3,317 tấn/ha. Sản xuất đợt 05 - đợt 10: thời gian từ tháng 09/2021 - tháng 06/2022, năng suất mầm đạt 3,446-3,794 tấn/ha. Trải qua các đợt sản xuất, dần đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, thời gian này thời tiết khí hậu phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của mầm cây lúa mì, năng suất mầm thu được dần ổn định.

Nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ mầm cây lúa mì là mầm lúa mì tươi được sản xuất từ mô hình trồng theo phương pháp hữu cơ đạt yêu cầu về chất lượng, yêu cầu về độ tuổi thu hoạch (16-20 ngày), đảm bảo các chỉ tiêu dinh dưỡng (cây cao 20-25cm). Mầm lúa mì đảm bảo yêu cầu chế biến, sau khi thu hoạch đưa về khu tập kết và sơ chế nguyên liệu. Tổng sản lượng thu được là 35,821 tấn, trong đó số lượng mầm tươi chế biến bột khô là 33,261 tấn, số lượng mầm tươi chế biến tinh bột mầm hòa tan là 2,560 tấn. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chế biến là nguyên liệu đầu vào, các thông số kỹ thuật trong quy trình chế biến. Đối với nguyên liệu đầu vào là mầm lúa mì tươi từ mô hình trồng, tại thời điểm thu hoạch mầm đã tập trung được đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như đạt được chiều cao thu hoạch, sản phẩm tạo ra có hàm lượng các chất như diệp lục, VTMA, VTMC, canxi... đạt cao nhất. Sản phẩm từ các mô hình chế biến: bột lúa mì sấy khô, tinh bột mầm lúa mì hòa tan đạt chứng nhận hữu cơ USDA ngày 22/12/2021.
Qua các đợt chế biến thử nghiệm bột mầm cây lúa mì sấy khô, dự án đã hoàn thiện và đưa ra các thông số kỹ thuật trong quy trình chế biến bột mầm sấy khô. Với số lượng mầm tươi đưa vào để chế biến bột mầm cây lúa mì sấy khô bằng phương pháp sấy lạnh là 33,261 tấn, số lượng bột mầm sấy khô thu được là 2,391 tấn. Sản phẩm thu được có trạng thái đặc trưng: dạng bột tơi, xốp, màu tự nhiên của mầm lúa mì sấy (xanh lá mạ hơi nhạt), mùi thơm đặc trưng của mầm cây lúa mì, vị dịu ngọt, độ ẩm <6%. Kết quả đạt được của các sản phẩm sau chế biến phù hợp với yêu cầu đặt ra của thị trường.
Qua các đợt chế biến thử nghiệm tinh bột mầm lúa mì hòa tan, dự án đã hoàn thiện quy trình chế biến tinh bột mầm lúa mì hòa tan bằng công nghệ sấy phun với các thông số như sau: bổ sung nồng độ chất mang maltodextrin 3%, nhiệt độ sấy đầu vào là 1800C, áp suất khí nén P = 3,5 bar, lưu lượng nhập liệu 1500ml/h. Với số lượng mầm tươi đưa vào để chế biến tinh bột mầm lúa mì hòa tan bằng công nghệ sấy phun là 2.560kg, số lượng tinh bột mầm hòa tan thu được là 54,872kg. Sản phẩm thu được có trạng thái đặc trưng: dạng bột mịn, tơi, màu tự nhiên của mầm cây lúa mì (xanh lá mạ), mùi thơm đặc trưng của mầm cây lúa mì, vị dịu ngọt, hòa tan tốt trong nước, độ ẩm <6%. Kết quả đạt được của các sản phẩm sau chế biến phù hợp với yêu cầu đặt ra của thị trường.
Mô hình sản xuất mầm cây lúa mì sau 2 năm thực hiện dự án đã sản xuất được 10 đợt, quy mô 1ha/đợt, tổng diện tích sản xuất là 10ha, sản lượng mầm lúa mì tươi đạt được là 35,821 tấn, năng suất bình quân là 3,582 tấn/ha (năng suất đạt 3,0-4,0 tấn tươi/ha/đợt). Mầm cây lúa mì sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên thực địa nên đã đạt tỉ lệ thu hoạch cao hơn so với dự kiến từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho mô hình sản xuất. Lợi nhuận sau 02 năm triển khai mô hình: Doanh thu mô hình chế biến là 1.075.551.600 đồng.
Dự án tạo ra được một lượng sản phẩm từ mầm cây lúa mì an toàn và chất lượng cao, mô hình canh tác tiên tiến, đồng thời công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay của bà con nông dân; Từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền sản xuất hàng hoá gắn với thị trường trong nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác nông nghiệp. Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ, tập thể cán bộ kỹ thuật, các hộ dân và công nhân của đơn vị chủ trì đã được nâng cao tay nghề, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp sẽ là nơi để người dân và doanh nghiệp khác có thể tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng, phát triển mô hình. Ngoài ra dự án còn có ý nghĩa xã hội giúp giải quyết công ăn việc làm 40-50 lao động (lao động phổ thông và lao động kỹ thuật).
Sau khi kết thúc dự án, Công ty cổ phần An An Agri tiếp tục duy trì sản xuất và chế biến các sản phẩm từ mầm lúa mì hữu cơ. Tiếp tục phát triển các mô hình, đặc biệt là khâu tiếp thị sản phẩm, đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu ra thị trường quốc tế./.
Nguyễn Tâm

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây