Nhận diện khó khăn khi doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh

Thứ hai - 27/02/2023 21:10 0

Hiện nay, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn dần trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành tạo nên luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn nên đã chủ động đầu tư, định hướng ngay từ những bước đi đầu tiên. PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế Môi trường nhận định, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi ích như cơ chế hỗ trợ, tránh các điều chỉnh luật pháp khác về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, gia tăng lợi nhuận... Hơn nữa, đây cũng là mô hình đã được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn, vì vậy doanh nghiệp có thể học hỏi kinh nghiệm trên cơ sở mô hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang thực hiện, hoặc sáng tạo dựa trên những nền tảng sẵn có.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng việc chuyển đổi của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hướng đến mục tiêu xanh và bền vững còn gặp khá nhiều khó khăn trong thực tiễn. Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, chuyển đổi sang sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ cao mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực để theo đuổi và đáp ứng.

Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi những tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, doanh nghiệp Việt Nam cần được các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ nhiều hơn nữa về cơ chế, chính sách. Việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh với mục đích xanh hóa sản phẩm sẽ giúp khách hàng trên thị trường nước ngoài có thiện cảm hơn với sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam giúp tạo nên lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp đầu tư mới theo mô hình kinh tế tuần hoàn cũng rất cần những chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn giúp doanh nghiệp định hướng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đào tạo lĩnh vực thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn chưa thực sự được chú trọng và phát huy hiệu quả.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam được tổ chức mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đang áp dụng đạo luật Báo cáo bền vững sẽ tác động tới 50.000 doanh nghiệp châu Âu về trách nhiệm giải trình. Điều này đồng nghĩa với việc EU sẽ gia tăng việc áp dụng 323 các loại chứng chỉ cùng hàng trăm tiêu chuẩn, quy chuẩn khác với hàng nhập khẩu. Cơ sở này sẽ là thách thức lớn, xong cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể nhanh chóng hoàn thiện mình để đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh.

Thanh Tùng (TH)

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây