Kết quả điều tra, khảo sát và bổ sung các nguồn gen đặc sản quý hiếm tỉnh Nghệ An năm 2021

Thứ năm - 02/12/2021 22:38 0
Đa dạng sinh học có vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì các chu trình tự nhiên và cân bằng sinh thái, nó đảm bảo cho sự bền vững của thiên nhiên trên trái đất. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng cá thể của các nguồn gen đặc sản, quý hiếm ở Nghệ An đang bị suy giảm, các giống bản địa đang bị thoái hóa mất dần. Trước thực trạng đó, việc tổ chức và thực hiện tốt công tác điều tra, bảo tồn các nguồn gen bản địa là việc làm cần thiết, cấp bách.
Nhận thức được vai trò quan trọng của nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen, năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Sở KHCN quản lý, tổ chức, phối hợp với các cơ quan ban ngành, các trường đại học, Viện nghiên cứu trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2021, Trung tâm đã tiến hành triển khai nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát và thu thập bổ sung các nguồn gen đặc sản quý hiếm trên địa bàn tỉnh Nghệ An  do Kỹ sư Phạm Xuân Trung làm chủ nhiệm.
Qua gần 1 năm tiến hành triển khai, nhóm tác giả đã triển khai 04 cuộc điều tra khảo sát đến các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Nghi Lộc để điều tra các nguồn gen đặc sản quý hiếm của các địa phương. Kết quả đạt được như sau:
Kết quả điều tra nguồn gen cây lương thực:
Đã điều tra được 01 nguồn gen cây lương thực là lúa nếp khẩu hin Oryza sativa L. Giống lúa Khẩu Hin có từ rất lâu đời ở huyện Con Cuông được người dân và chính quyền địa phương đánh giá là giống lúa nếp thơm và ngon nhất trong tất cả các giống lúa nếp của huyện Con Cuông từ trước đến nay. Khẩu Hin khi cắn vỡ thì có mùi rất thơm tỏa ra giống như vị sữa, người dân gọi là vỡ sữa. Hạt khi đồ xôi rất dẻo, để  bên ngoài 3-4 ngày không thiu, không cứng, người dân cho rằng trong hạt lúa Khẩu Hin có một chất bảo quản tự nhiên mà các nhà khoa học cần nghiên cứu phát hiện. Tuy nhiên, giống lúa này gần như bị tuyệt chủng, nguy cơ mất giống cao, cần có biện pháp bảo tồn hữu hiệu. Chính quyền và người dân thiết tha giống lúa nếp Khẩu Hin được phục tráng, bảo tồn và phát triển thành một đặc sản vùng miền tiến tới thương mại hóa sản phẩm.

Kết quả điều tra nguồn gen thủy, hải sản:

Kết quả điều tra các loài cá bản địa ở Khe Choăng, Vườn Quốc gia Pù Mát đã xác định được 6 loài cá bản địa gồm Cá Mát  Onychostoma laticeps, Cá Lấu/cá Trốc Acrossocheilus annamensis, Cá Lẩu vảy/Chày đất Spinibarbus caldwelli, Cá Lường Hemibagrus pluriradiatus, Cá Nheo bản địa Silurus asotus, Cá  Chạch gai/Cá Pa lạt Mastacembelus armatus, Cá Chạch gai/Cá Pa lạt (Mastacembelus armatus).

Kết quả điều tra ở vùng biển xã Nghi Tiến – Nghi Lộc đã phát hiện có sự phân bố của loài Hải sâm đen Holuthuria leucospilota. Đây là một trong 9 loài hải sâm có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam, là thực phẩm giàu thành phần dinh dưỡng đặc biệt là hàm lượng Protein rất cao và không chứa cholesterol.
hai sam
                                                 Hải sâm đen Holuthuria leucospilota
Kết quả điều tra nguồn gen cây dược liệu:
Đã xác định được 26 nguồn gen cây dược liệu gồm: Cây thuốc trên đá Chirita anachoreta Hance, Thuốc ùa là Aeschynanthus acuminatus Wall., Cây chua Bengonis cucullata Willd., Bạch hoa xà Polygala paniculata L., Cây sía gai Zanthoxylum armatum DC., (Z. alatum Roxb.), Cây Hừ xa Curculigo orchioides Gaertn, Thông đất Lycopodiella cernua L., Bạch đồng nữ Clerodendron fragrans Vent., Cây Cu già Uncaria rhynchophylla (Miq) Jack., Cây sái chân Hedyotis capitellata Wall. ex G.Don, Cây gày xuyên Ziziphus oenoplia (L.) Mill. (Rhamnus oenoplia L.), Voong chinh (H’mông) Polygonatum kingianum Coll. et Hemsl., 1890., Hoàng tinh hoa trắng Disporopsis longifolia Crab, Thổ phục linh Heterosmilax gaudichaudiana (Kunth) Max, Bổ cốt toái Drynaria fortunei (Kuntze ex Mett.) J.Sm., Cây màng tang Litsea cubeba (Lour.) Pers, Mật gấu Eurycoma longifolia, Cây Mú từn (Mông) Micromelum falcatum (Lour.), Cây nang nhím Tacca chantrieri Andr, Ráy hương Homalomena occulta (Lour) Shott, Củ 30 Stemona tuberosa Lour, Co cáy khẩu Stephania sinica Diels, Cây ưng bất bạc Zanthoxylum avicennae (Lam) DC, Ma chè (H’mông) Ampelopsis cantoniensis (Hook et Arn) Planch, 1887, Hầu pòm Stephania longa Lour, Dây máu chó Knema globularia (Lam) Warb.
sam1
                                      Cây cu già Uncaria rhynchophylla (Miq) Jack.
Kết quả điều tra về nguồn gen động vật:
            Đã xác định được 01 nguồn gen là giống Gà tây Kỳ Sơn. Giống Gà tây Kỳ Sơn hiện chỉ còn khoảng 100 con ở các hộ dân xã Mường Lống, Na Ngoi, Huồi Tụ huyện Kỳ Sơn. Vì vậy cần nuôi dưỡng tốt để thực hiện chọn lọc, nhân giống đàn gà nhằm cung cấp con giống cho cộng đồng với chất lượng tốt cho cộng đồng người H’mông. 
                                                                                       
sam2

                                                  Đàn Gà Tây Kỳ Sơn ở xã Huồi Tụ huyện Kỳ Sơn
            Mặc dù là một nhiệm vụ đòi hỏi có chuyên môn và kinh nghiệm cao trong nhiều lĩnh vực (cây trồng, vật nuôi, thủy sản, cây thuốc...). Tuy nhiên, các cán bộ kỹ thuật của đơn vị chủ trì đã nỗ lực học hỏi, tìm kiếm và nghiên cứu tài liệu, không ngại khó ngại khổ, vượt rừng lội suối để hoàn thành tốt nhiệm vụ khoa học được giao. Từ đó, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cho năm 2021-2022 và những năm tiếp theo./.

 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây