Kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng suy thoái cây cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ tư - 16/11/2022 20:10 0
Vừa qua, Sở Khoa học và Công Nghệ tổ chức đoàn Khảo sát, đánh giá hiện trạng suy thoái cây cam tại các huyện trồng cam trọng điểm của tỉnh Nghệ An như: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ.
Tham gia đoàn gồm có đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công Nghệ An, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Chi cục Trồng trọt và BVTV và các chuyên gia của Viện Nông nghiệp và Tài nguyên - ĐH Vinh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Trong quá trình khảo sát Đoàn làm việc với đại diện lãnh đạo huyện, các bộ phận chuyên môn (Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp), các Hợp tác xã, hộ dân trồng cam trên địa bàn các huyện. Tại các buổi làm việc Đoàn được nghe báo cáo chi tiết về tình hình và thực trạng sản xuất; sự suy thoái của cây cam; nguyên nhân suy thoái và các giải pháp cải tạo, phục hồi cây cam bị suy thoái cũng như phát triển cây cam trong thời gian tới của từng huyện.
Quá trình khảo sát, Đoàn tổng hợp thông tin cho thấy: cây cam trên địa bàn Tỉnh đã và đang bị suy thoái ở nhiều mức độ khác nhau, cụ thể: các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thái Hòa, Tân Kỳ bị suy thoái nặng và trung bình, nhiều vùng người dân đã chặt bỏ để trồng các cây trồng khác (ngô, bầu bí, mía, ...); các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Anh Sơn, Con Cuông, Nghi Lộc cây cam đang ở mực độ suy thoái trung bình và nhẹ.

Nguyên nhân gây suy thoái rất đa dạng, có cả chủ quan và khách quan như: Chất lượng cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc; các loại dịch bênh gây hại, đặc biệt là bệnh greening và vàng lá thối rễ; nguồn đất trồng và nước; khả năng đầu tư thâm canh; chất lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; người dân tự phát trồng không theo quy hoạch và không nắm vững kỹ thuật,.... Cụ thể như: Tại huyện Nghi Lộc cây cam bị suy thoái chủ yếu là do nguyên nhân chính là giống bị suy thoái do người dân sử dụng giống theo phương pháp chiết cành từ các cây tốt trong khu vực; hay tại huyện Con Cuông do người dân không có khả năng đầu tư nên cây cam bị thiếu dinh dưỡng dẫn đến cây suy kiệt, không cho năng suất, chất lượng; các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn thì bệnh Greening, bệnh vàng lá thối rễ gây hại nặng làm cho cây cam lụi tàn, không cho quả, quả bị ngơ, nhỏ,....
Với thực trạng cây cam suy thoái phổ biến hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Đoàn Khảo sát đã có các số liệu, dẫn liệu; các nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái cam của từng huyện cũng như giải pháp để cải tạo phục hồi và phát triển cây cam trong thời gian tới phục vụ báo cáo Hội thảo Khoa học cấp tỉnh “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi cây cam suy thoái trên địa bàn tỉnh Nghệ An” dự kiến tổ chức ngày 09/12/2022./.
 Võ Đình Lai, Nguyễn Thị Hằng, Lê Văn Khánh
 Trạm Nghiên cứu thực nghiệm và Ươm tạo công nghệ cao Thái Hòa, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An.

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây