Thứ trưởng Bùi Thế Duy: 'Thúc đẩy sáng kiến trước cuộc cạnh tranh về công nghệ'

Thứ năm - 26/05/2022 21:33 0

Phát biểu khai mạc Hội nghị các nhà khoa học trẻ sáng 17/5, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh về công nghệ, vì thế thúc đẩy các sáng kiến trong giới trẻ là cần thiết.

8h30 ngày 17/5, Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 (Young Scientist Summit) diễn ra sáng 17/5 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ. Với chủ đề: "Thúc đẩy sáng kiến trong giới trẻ", hội nghị thu hút hàng trăm đại biểu tham dự.

Từ sáng sớm, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong nước và các tác giả dự thi đã có mặt tham dự sự kiện. Anh Nguyễn Minh Đức (33 tuổi) Viện nghiên cứu hệ Gen, thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, trong 2 năm dịch Covid-19 diễn ra, bản thân thường xuyên tham gia các sự kiện khoa học online. Sau khi dịch tạm lắng, anh biết đến sự kiện đã đăng ký tham gia.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá cao VnExpress tổ chức sự kiện. Ông cho rằng, Việt Nam trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hiện nay đến giai đoạn chúng ta cần bứt phá hơn, phát triển từ khoa học công nghệ. Để làm được điều đó có rất nhiều điều phải chuẩn bị, trong đó có nguồn lực đào tạo từ các trường THPT. "Trong tương lai, nhân lực mới góp phần sự phát triển của đất nước", ông nói.

 
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc. Ảnh: Đinh Tùng

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc. Ảnh: Đinh Tùng

Trong bài phát biểu, ông cũng đánh giá cao các tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp quan tâm ứng dụng khoa học, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm cho những người nghiên cứu trẻ.

Thứ trưởng mong muốn những câu chuyện thực tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ sẽ là minh chứng để những người trẻ có thể học hỏi, tiến tới thành công sau này.

Là diễn giả mở màn, ông Đặng Kim Long - Giám đốc đối ngoại, tại Huawei R&D chia sẻ câu chuyện về việc thúc đẩy R&D công nghệ mới trong thế hệ trẻ. ông Long giới thiệu về mô hình của công ty Huawei Việt Nam và cách doanh nghiệp thúc đẩy các bạn trẻ nghiên cứu khoa học.

Theo ông Long, ở công ty ông việc đổi mới thúc đẩy đầu tư tập trung 3 lĩnh vực chính là khám phá lý thuyết cơ bản, kiến trúc cấu trúc hệ thống, thu hút nhân tài, cùng công ty giải quyết thách thức mang tầm quốc tế. Trong đó, việc thu hút nhân tài là một trong những bài toán mà doanh nghiệp luôn trăn trở. "Việc đầu tư nhân tài không phải là hái trái ngọt trong một đêm mà là hành trình dài", ông Long nhấn mạnh.

Ông cho biết Huawei nhất quán không tạo áp lực cho nhà khoa học mà cần tạo ra sân chơi cho các nhà nghiên cứu phát triển.

Là diễn giả thứ hai, bà Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập, Phó chủ tịch Sao Thái Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học công nghệ Việt Nam nói về những thành công trong việc đầu tư cho khoa học, công nghệ. Bà cho biết, để đến thành công bà Liên từng trải qua không ít lần thất bại. Dẫn lại câu chuyện bản thân từ 30 năm trước khi còn là sinh viên, bà cho biết các phần thưởng của các nhà tài trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp đã bồi đắp cho bà ước mơ sáng tạo. Để rồi khi có điều kiện hơn, bà tham gia các hoạt động ý nghĩa để khuyến khích các nhà khoa học trẻ như sáng lập Quỹ hỗ trợ sinh viên Đại học dược Hà Nội, trao phần thưởng, đặt hàng trung tâm viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm thương mại hóa sản phẩm.

 
Bà Hương Liên phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Đinh Tùng

Bà Hương Liên phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Đinh Tùng

Nhờ đó bà cho biết nhận thức rõ về vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp Việt trong phát triển sản phẩm từ nghiên cứu khoa học, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Là diễn giả thứ ba trong phiên chính, câu chuyện của ông Trần Mạnh Báo - Tổng GĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã truyền cảm hứng cho những người nghiên cứu trẻ. Câu chuyện của ông nhận được nhiều lần vỗ tay từ khán phòng.

Ông kể về những ngày thơ ấu, sinh ra trong một gia đình thuần nông, tại tỉnh Thái Bình, chứng kiến những khó khăn của người thân khi làm ruộng, rồi đi biển, ông tự nhủ sẽ cố gắng làm gì đó cho nông dân bớt khổ.

Khi trưởng thành rồi trở thành Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, ông xác định rằng, ứng dụng khoa học công nghệ là điều tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam. Trải qua nhiều năm phát triển ThaiBinh Seed có nhiều thành tựu nổi bật, trở thành doanh nghiệp hoạt động trên toàn quốc.

Ông cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học trẻ hoạt động, nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên đầu tư đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp; đầu tư nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Cuối bài phát biểu, ông Báo khuyên, các bạn trẻ hãy nghiên cứu các sản phẩm cho nông dân Việt Nam.

 
Ông Trần Mạnh Báo chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Đinh Tùng

Ông Trần Mạnh Báo chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Đinh Tùng

Sau phiên chính, hội nghị bước sang phần tọa đàm, điều hành bởi PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Cùng tham gia còn có TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban R&D, Công ty Fecon, Giảng viên kiêm điều phối chương trình Thạc sĩ kỹ thuật hạ tầng, Trường Đại học Việt Nhật; PGS Phạm Hùng Quý - Giảng viên Trường Đại học FPT; TS Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI), giảng viên trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội; ông Nguyễn Minh Quân - Giám đốc chiến lược sản phẩm, Ngành hàng Trải nghiệm Di động của Samsung Vina, ông Đặng Kim Long, Giám đốc Đối ngoại Huawei Việt Nam. Các diễn giả đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn của những người nghiên cứu trẻ, tìm ra họ cần hỗ trợ gì từ những doanh nghiệp dẫn dắt.

Theo TS Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành trung tâm BK.AI, giảng viên trường CNTT và Truyền thông, Đại học Bách khoa HN, đội ngũ nhà nghiên cứu trẻ có nhiều những thuận lợi khi sự quan tâm tới nghiên cứu khoa học đã cụ thể hơn so với trước. Nếu như so với 10-20 năm trước đây, sinh viên gần như không có khái niệm về phòng nghiên cứu là gì nhưng hiện sinh viên năm nhất, năm hai đã xin gia nhập. Cô gọi đó là tín hiệu đáng mừng. Bên cạnh môi trường nghiên cứu ngày càng tốt hơn khi có sự kết nối giữa các nhà khoa học trên khắp thế giới, bản thân đội ngũ trẻ đang được đào tạo bài bản và có năng lực.

Mặc dù vậy, TS Lê cho biết lượng nghiên cứu trẻ vẫn mỏng và ít. "Khi đội ngũ quá mỏng, chúng ta sẽ thấy đơn độc "một mình một ngựa", cô nói.

Còn TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban R&D, FECON Corp; Giảng viên kiêm điều phối chương trình Thạc sĩ kỹ thuật hạ tầng, Trường Đại học Việt Nhật hiện nay, các bạn trẻ có thể dễ dàng tìm kiếm tài liệu trong kho tài liệu số trên thế giới và tiếp cận với khoa học thực tế sớm hơn. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng chịu nhiều áp lực thành công hơn các bạn đi trước, sản phẩm thành có tính bền vững, bảo vệ môi trường.

 
PGS Phạm Bảo Sơn (trái) điều hành phiên tạo đàm. Ảnh: Đinh Tùng

PGS Phạm Bảo Sơn (trái) điều hành phiên tạo đàm. Ảnh: Đinh Tùng

Trong khi đó PGS. TS Phạm Hùng Quý, Giảng viên nghiên cứu Đại học FPT cho biết giai đoạn đầu tiên cách đây 5-7 năm, FPT chưa có nghiên cứu, chủ yếu là giảng dạy. Gần đây, FPT mới đây tập trung vào nghiên cứu, thu hút nhiều tiến sĩ trẻ về công tác. "Dù vậy, khó khăn lớn vì lực lượng còn yếu, đòi hỏi 3-5 năm mới vững vàng và có nhiều đóng góp hơn cho xã hội", ông nói.

Ở phần đưa ra các giải pháp khơi nguồn sáng tạo, các chuyên gia cho biết cần khuyến khích các bạn trẻ nghiên cứu về khoa học sau đại học. Ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc chiến lược sản phẩm, Ngành hàng Trải nghiệm Di động của Samsung Vina, cho biết những kỹ sư Việt Nam rất giỏi, phát triển ứng dụng cho Việt Nam, phục vụ cho thị trường quốc tế. "Với Samsung, yếu tố con người luôn là trọng tâm", ông Quân cho biết. Vào năm 2021, Samsung triển khai nhiều chương trình, mang tới những kiến thức về khoa học cho các bạn trẻ về công nghệ 4.0. Điều này giúp các bạn có thể sẵn sàng cho kỷ nguyên số trong tương lai mới, sẽ diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam.

TS Phi Lê đồng tình, cô cho biết thực tế đang thiếu những bạn trẻ say mê nghiên cứu khoa học sau đại học. Ở nước ngoài, có nhiều quỹ học bổng trao cho sinh viên sau đại học, giúp các bạn trẻ yên tâm để nghiên cứu Việt Nam cũng cần có nhiều quỹ để hỗ trợ các nhà khoa học trẻ.

Tại tọa đàm, các nhà khoa học nhấn mạnh cách thức kết nối các mắt xích công nghệ tại Viện trường và doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong những người trẻ. TS Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên tại trường Đại học Việt Nhật kiêm trưởng ban R&D, FECON Corp, nói có thực tế rằng việc đưa nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế xây dựng doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Song doanh nghiệp lại không có lực lượng chuyên gia, đội ngũ nghiên cứu mạnh như tại ở các Viện, trường. Bởi vậy họ cần phải kết nối với các nhóm nghiên cứu mạnh tại viện, trường, trong khi doanh nghiệp tài trợ để thực tiễn hóa sản phẩm. "Sự kết nối hợp tác giúp tìm và đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao", ông nói.

Trong khi đó, ông Đặng Kim Long, đại diện Huawei Việt Nam đặt vấn đề tại sao các trường đại học không tìm đến các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn để đặt hàng nghiên cứu. Ông cho biết mỗi doanh nghiệp không thể nắm được rõ hết mỗi trường cần gì cho nên cần chủ động đặt hàng doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ tích cực cho các sinh viên, viện trường nếu như có đề xuất cụ thể.

Kết thúc phiên tọa đàm, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ và chia sẻ về chính sách để thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ. "Sinh viên đại học mới là những người làm nghiên cứu khoa học tốt nhất bởi đa phần tiến sĩ, giáo sư đều ra nước ngoài học", Thứ trưởng nói.

Theo ông Duy, không riêng các trường đại học, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) cũng có nhiều thay đổi, đã giúp các bạn trẻ tự tin tham gia các đề tài. Trước đây, các nhà khoa học phải lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm mới được làm chủ nhiệm đề tài. NAFOSTED đã thay đổi với tiêu chí đưa ra là các công bố mới nhất. Các hội đồng là các tiến sĩ trẻ, tạo cho nhà khoa học trẻ tự tin, mạnh dạn trải nghiệm các đề tài.

"Tôi tin tưởng sự kiện Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 mang tính khích lệ, với bối cảnh cạnh tranh khoa học trên toàn thế giới, người trẻ có động lực quan tâm đến khoa học công nghệ, tự nhiên thay vì quan tâm đến kinh tế, thương mại như trước đây", Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết.

Hội nghị các nhà khoa học trẻ (Young Scientist Summit) là sự kiện do VnExpress tổ chức, chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2022). Chương trình diễn ra cùng Lễ trao giải Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 tạo nên một sân chơi hữu ích cho các nhà khoa học trẻ chuyên và không chuyên của Việt Nam. Chuỗi chương trình của VnExpress kỳ vọng khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, tạo động lực cho việc nghiên cứu và ứng dụng các sáng kiến khoa học phục vụ đời sống. Hội nghị cũng chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2022). Chương trình có sự đồng hành của Huawei, Sao Thái Dương, Samsung Vina, Fecon, FPT, ThaiBinh Seed.

Nguồn tin: vnexpress.net

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây