Chiều ngày 9/8, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương về kế hoạch tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến năm 2030.
Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, đại diện các Vụ, Viện, Trung tâm thuộc Tổng cục. Phía Bộ Công thương có ông Đào Trọng Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ.
Tại buổi làm việc, báo cáo về kết quả thực hiện công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, ông Đào Trọng Cường cho biết, trong năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố 18 TCVN do Bộ Công Thương tổ chức biên soạn thuộc lĩnh vực khoáng sản, luyện kim (tinh quặng) và công nghiệp tiêu dùng (giấy), hoàn thành, chuẩn bị công bố 07 TCVN về thuốc lá. Đồng thời, phối hợp Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam xây dựng 06 tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm thiết bị điện tiêu thụ năng lượng phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương…
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 405/TB-VPCP ngày 26 tháng 11 năm 2019 về việc rà soát, hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), Bộ Công Thương (Vụ Dầu khí và Than) đã phối hợp cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGas) triển khai biên soạn, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn quốc gia thuộc Kế hoạch TCVN năm 2021 – 2022 như sau: TCVN 8611:2010 Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG); Hệ thống thiết bị và lắp đặt – Thiết kế hệ thống trên bờ; TCVN 8612:2010 Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), Hệ thống thiết bị và lắp đặt – Thiết kế và thử nghiệm cần xuất nhập; TCVN 8613:2010 Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), Hệ thống thiết bị và lắp đặt – Quy trình giao nhận sản phẩm;
TCVN 8616:2010 Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Yêu cầu 1 trong sản xuất, tồn chứa và vận chuyển; TCVN 8617:2010 Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Hệ thống nhiên liệu trên phương tiện giao thông; TCVN 8618:2010 Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) – Hệ thống phân phối và đo lường LNG cho phương tiện giao thông đường bộ – Xe tải và xe khách; Tiêu chuẩn về yêu cầu thiết kế lắp đặt, vận hành kho chứa LNG nổi.
Các dự thảo trên đã cơ bản hoàn thành việc biên soạn, lấy ý kiến các bên liên quan và dự kiến chuyển sang Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố trong 06 tháng cuối năm 2022.
Cũng theo ông Cường, trong năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành 07 QCVN phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ và thực hiện việc đăng ký QCVN sau khi ban hành gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (Công văn số 7235/BCT-ATMT ngày 15 tháng 11 năm 2021, Công văn số 307/BCT-KHCN ngày 19 tháng 01 năm 2022 và Công văn số 1507/BCT-KHCN ngày 24 tháng 3 năm 2022). Đồng thời, Bộ Công Thương đã tổ chức các Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản, VLNCN và hóa chất.
Đáng chú ý, trong hoạt động đánh giá sự phù hợp (đăng ký, chỉ định, thừa nhận kết quả ĐGSPH), kết quả công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông, nhập khẩu và sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, 06 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã thực hiện cấp giấy chứng nhận hoạt động cho 11 tổ chức đánh giá sự phù hợp, trong đó: 06 tổ chức thử nghiệm, 05 tổ chức chứng nhận; tiến hành đánh giá và cấp Quyết định chỉ định cho 05 lượt tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương đã tiếp nhận 02 hồ sơ đề nghị đăng ký lĩnh vực hoạt động và chỉ định liên quan đến đánh giá sự phù hợp sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp. Kết quả đã chỉ định hoạt cộng chứng nhận mới cho 01 tổ chức chứng nhận vật liệu nổ công nghiệp và cấp Giấy chứng nhận thử nghiệm bổ sung cho 01 tổ chức hoạt động thử nghiệm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp.
Ông Đào Trọng Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệHiện nay, cả nước đã có 03 tổ chức thử nghiệm và 01 tổ chức hoạt động đồng thời chứng nhận và thử nghiện chất lượng được Bộ Công Thương chỉ định đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ. Trong đó, 01 tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng và 03 tổ chức thuộc Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam.
Năm 2022, theo kế hoạch kiểm tra các tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2939/QĐ-BCT ngày 24 tháng 12 năm 2021 về việc phê duyệt Kế hoạch kiểm tra năm 2022, tuy nhiên do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên việc kiểm tra chưa thực hiện được.
Hoạt động chỉ định, đánh giá, kiểm tra hoạt động của các Tổ chức đánh giá sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của Bộ Công Thương luôn tuân thủ quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BCT.
Về công tác quản lý nhà nước về đo lường, Bộ Công Thương đã tập trung xây dựng kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ nằm trong Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đối với ngành Công Thương (tại Quyết định số 2673/QĐ-BCT ngày 14 tháng 10 năm 2020), trong đó, tập trung vào 05 nội dung:
(1) Rà soát, đề xuất nội dung hỗ trợ đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất ngành Công Thương cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường; (2) Rà soát, khảo sát, đánh giá, bổ sung các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp;
(3) Xây dựng danh mục nhiệm vụ ưu tiên về hoạt động chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo trong ngành Công Thương giai đoạn 2022 – 2025 và năm 2022; (4) Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến trong quá trình sản xuất, chế tạo sản phẩm; (5) Hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Công Thương triển khai áp dụng Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp.
Cũng theo ông Cường, Bộ Công Thương phối hợp tốt với các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đặc biệt là công tác thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật). Từ năm 2021 đến nay, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị của Bộ Công Thương và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã góp phần tích cực trong công tác hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Công Thương biên soạn và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Khoa học và Công nghệ biên soạn.
Tuy nhiên, hiện nay các chương trình, đề án đều do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì như năng suất chất lượng, đo lường, truy xuất nguồn gốc… Các Bộ, ngành tổ chức triển khai trong phạm vi trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực nên còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ và triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh đánh giá cao sự phối hợp giữa Tổng cục TCĐLCL và Bộ Công thương trong công tác xây dựng, triển khai các văn bản QPPL, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quản lý nhà nước về đo lường, triển khai áp dụng TCVN ISO 9001, công tác đánh giá sự phù hợp, quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Ông mong rằng, hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phối hợp, nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc