Đề nghị đưa trụ sạc xe điện vào danh mục kiểm soát kỹ thuật đo lường

Thứ ba - 28/02/2023 02:58 0

Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Bộ KH&CN bổ sung trụ, thiết bị sạc điện cho xe điện vào danh mục kiểm soát kỹ thuật đo lường.

Cụ thể, căn cứ quy định tại khoản 2 điều 16 Luật Đo lường, Bộ Công Thương đề nghị Bộ KH&CN bổ sung trụ, thiết bị sạc điện thuộc danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quyết định.

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý trụ, thiết bị sạc điện, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ KH&CN sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ, thiết bị sạc điện cho xe điện đảm bảo phù hợp các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.

Bộ Công Thương đã trích dẫn thông tin tại cuộc họp lần thứ 57 của Ủy ban Đo lường pháp định quốc tế (CIML) diễn ra vào tháng 10/2022. Tại đây, Tổ chức Đo lường quốc tế (OIML) đã ban hành hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình thử nghiệm và kiểm soát đo lường đối với trụ sạc điện cho xe điện. OIML đề nghị các nước thành viên, trong đó có Việt Nam phải xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường phù hợp thực tế và hài hòa với hướng dẫn của OIML để triển khai kiểm soát đo lường đối với phương tiện này khi có nhu cầu.

Bộ Công Thương cho rằng, tại Việt Nam, qua thu thập số liệu cho thấy số lượng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý đối với xe điện, trạm sạc điện vẫn còn hạn chế; thiếu các quy định quản lý nhà nước về yêu cầu kỹ thuật thiết kế, lắp đặt, vận hành và đo lường đối với trạm sạc điện.

Ngành công nghiệp sạc điện thế giới đang phát triển theo 2 mô hình cơ bản đó là các công ty xe điện xây dựng trạm sạc riêng của hãng và các công ty năng lượng chuyên về trạm sạc mà không làm ra xe điện. Do đó, việc đề xuất bổ sung quản lý đo lường với trụ, thiết bị sạc điện là phù hợp, hài hòa với quy định cũng như yêu cầu kỹ thuật đo lường trong khu vực và trên thế giới; đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất, nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng.

 Bộ Công Thương đề nghị đưa trụ, thiết bị sạc điện cho xe điện vào danh mục phương tiện đo nhóm 2. Ảnh minh hoạ

Liên quan tới vấn đề trên, theo thống kê, thị trường xe điện thế giới những năm qua đã có bước nhảy vọt. Năm 2021 số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8 năm 2022 cả nước đã có gần 3 nghìn ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng có gần 1,8 triệu mô tô – xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.

Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của xe điện, một vấn đề quan trọng được đặt ra là làm sao để đảm bảo an toàn phương tiện trong quá trình nạp năng lượng. Việc xây dựng các trụ sạc, trạm sạc theo tiêu chuẩn nào để đảm bảo an toàn cũng là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GTVT) cho hay, trách nhiệm ban hành quy định quản lý, quy chuẩn/tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc thuộc về Bộ Công thương. Theo Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, khi chưa có quy chuẩn/tiêu chuẩn quốc gia thì tuỳ theo công nghệ, bí quyết, quy định riêng của từng hãng, các doanh nghiệp sẽ tìm những tiêu chuẩn trên thế giới để áp dụng. Toàn bộ yêu cầu về điện, đấu nối, vận tải điện, an toàn điện, hoàn toàn đã có tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để vận hành an toàn.

Ông Phạm Minh Thành, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay, xe điện tương tự như các dòng xe khác (xe xăng, diezen, CNG…) cũng phải đảm bảo các điều kiện an toàn và tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ. Bản chất của hai dòng xe này chỉ khác nhau về nguồn năng lượng.

“Trong quá trình phát triển, khi hình thành dòng xe mới, phân loại mới thì sẽ là dòng xe tự lái, khi đó không còn vô lăng nữa. Đây là vấn đề rất đau đầu sau này sẽ quản lý thế nào. Hiện tại, Quy chuẩn 09 của Bộ GTVT ban hành đã đáp ứng được các quy định liên quan đến việc kiểm soát an toàn kỹ thuật về môi trường với xe ô tô điện. Chúng tôi đã thử nghiệm và chứng nhận được phương tiện này từ năm 2014.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đối với xe điện quá nhanh, theo lộ trình chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi Quy chuẩn 09 theo hướng bổ sung thêm quy định về công nghệ, định hướng phân loại phương tiện, công nghệ hỗ trợ tính năng lái tự động, phân loại phương tiện theo cấp độ tự động lái”, ông Thành nói.

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2649
  • Hôm nay78,489
  • Tháng hiện tại969,954
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây