Hội nghị thường niên lần thứ 62 của Lãnh đạo các tổ chức năng suất quốc gia

Thứ sáu - 05/11/2021 04:08 0

Ngày 26/10/2021, Hội nghị thường niên lần thứ 62 của Lãnh đạo các tổ chức năng suất quốc gia (62nd Workshop Meeting of Heads of NPOs – WSM) của Tổ chức Năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization – APO) đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Đây là một trong 03 cuộc họp quan trọng thường niên của APO được tổ chức hàng năm, cùng với cuộc họp Chiến lược và Hội nghị Ban chấp hành APO. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo và đại diện đến từ các tổ chức năng suất quốc gia thuộc 21 nền kinh tế thành viên. 

Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp, Giám đốc APO thường trực của Việt Nam là trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký APO, ông AKP Mochtan nhấn mạnh đại dịch Covid-19 không chỉ tác động đến các nền kinh tế thành viên mà còn ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới, do đó, APO sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung triển khai các chương trình, dự án mới đối với tổ chức năng suất quốc gia (NPO) nhằm mục đích đặt nền móng cho sự phục hồi bền vững sau đại dịch. Trong đó, APO sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các lĩnh vực quan trọng do các nền kinh tế thành viên lựa chọn và đề xuất.

Hội nghị đã trao đổi, đánh giá kết quả triển khai các chương trình, dự án trong năm 2020, đi đến thống nhất các chương trình, dự án sẽ triển khai trong năm 2022 và 2023 theo định hướng của Tầm nhìn mới APO 2025.

Tại Việt Nam, việc nâng cao năng suất đã được nhìn nhận là vai trò then chốt trong phát triển kinh tế, nhiều hoạt động, chương trình năng suất đã được triển khai. Năng suất đã được coi là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Vai trò của năng suất càng được khẳng định khi nền kinh tế thế giới đi vào khủng hoảng, nhiều nước phát triển đã định hướng cách thức phục hồi nền kinh tế nhanh nhất, đó là thông qua phát triển công nghệ và cải tiến năng suất.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thông qua hình thức trực tuyến

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của KH&CN, đổi mới sáng tạo, đặc biệt được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa. Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, các nội dung KH&CN và đổi mới sáng tạo được thể hiện đồng bộ, xuyên suốt từ chủ đề của Chiến lược đến quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển. Thực tế thời gian qua đã minh chứng hoạt động đổi mới sáng tạo có vai trò động lực quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn. Năm 2021 Việt Nam dẫn đầu nhóm các quốc gia cùng mức thu nhập về Chỉ số đổi mới sáng tạo.

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc nâng cao năng suất làm trọng tâm phát triển kinh tế, tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp: đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19, hầu hết các nền kinh tế thành viên phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. WSM sẽ là cơ hội, tạo điều kiện cho việc tăng cường hợp tác giữa các NPO để có những ứng phó kịp thời, hữu hiệu trong thời điểm đại dịch COVID-19 kéo dài.

Tổ chức Năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization, APO) là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, liên chính phủ được thành lập vào ngày 11 tháng 05 năm 1961. Với 21 nền kinh tế thành viên, APO là tổ chức duy nhất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương có nhiều hoạt động triển khai tại các nền kinh tế thành viên nhằm nâng cao năng suất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực. Hiện nay, 8 trong tổng số 10 quốc gia ASEAN đã là thành viên của APO (trừ Myanmar và Brunei).

Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APO từ ngày 01 tháng 01 năm 1996. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) được ủy quyền là đại diện thường trực của Việt Nam tại APO và là đầu mối tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của APO, các dự án song phương với các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO. Năm 2020, Tổng cục chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021, đây cũng chính là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch của Tổ chức này kể từ khi gia nhập. Vào tháng 6/2021, vai trò chủ tịch APO của Việt Nam đã được chuyển giao cho Bangladesh.

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1458
  • Hôm nay28,142
  • Tháng hiện tại929,908
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây