Hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc – Nâng tầm nông sản Việt”

Thứ sáu - 05/11/2021 04:10 0

Ngày 04/11/2021, Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng sự đồng hành của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc – Nâng tầm nông sản Việt”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, hội thảo được tổ chức hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh vấn đề truy xuất nguồn gốc đang trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường. Khi nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành một tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Với mục tiêu giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, phân phối và người tiêu dùng hiểu sâu hơn những tiêu chuẩn, quy định về hoạt động truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản phân phối trong nước và xuất khẩu, nắm bắt các ứng dụng công nghệ để quản lý và nâng cao hiệu quả truy xuất nguồn gốc cũng như minh bạch thông tin sản phẩm hàng hóa.

Đồng thời, với trách nhiệm là cơ quan được giao xây dựng kế hoạch và triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về truy xuất nguồn gốc, nhằm xác định những nhiệm vụ cần thiết cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng. Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia luôn đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy các nhà sản xuất nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm để hoạt động truy xuất nguồn gốc ngày càng phổ biến, hỗ trợ đắc lực cho nông sản Việt Nam.

“Tôi biểu dương sáng kiến của Đoàn thanh niên hai Bộ KH&CN, NN&PTNT và đánh giá cao sự phối hợp của Đoàn thanh niên Tổng cục TCĐLCL và Trung tâm Mã số mã mạch Quốc gia đã tạo ra diễn đàn để cơ quan nhà quản lý, doanh nghiệp, thanh niên và các chuyên gia của hai Bộ KH&CN, NN&PTNT cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ  kinh nghiệm khó khăn cũng như thành công trong quá trình triển khai để từ đó có thể nghiên cứu, tìm ra những giải pháp tối ưu giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc thực sự trở thành một công cụ hiệu quả phục vụ xuất khẩu và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ  và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chia sẻ những thông tin tổng quan về Hệ thống truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là đối với sản phẩm nông lâm thủy sản; về tiêu chuẩn GS1, tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc; những quy định trong xây dựng và quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; những kinh nghiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản hiện nay… trong đó có đề cập đến vai trò của thanh niên trong việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các khách mời tham dự đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ những vấn đề về truy xuất nguồn gốc, những mô hình điểm về truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh nghiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc truy xuất nguồn gốc hiệu quả hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc – Nâng tầm nông sản Việt” nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của thanh niên Việt Nam, đồng thời giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, phân phối và người tiêu dùng hiểu sâu hơn quy định, hoạt động truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản phân phối trong nước và xuất khẩu, qua đó, chủ động ứng dụng công nghệ để tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm nông sản Việt Nam.

Trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm thì “Truy xuất nguồn gốc” được coi là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam. Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Để đón đầu xu hướng này, ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai; trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo các nguyên tắc bền vững, trách nhiệm và minh bạch, thực hiện Đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành, kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia và góp phần không nhỏ xây dựng thương hiệu Nông sản Việt.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1809
  • Hôm nay66,937
  • Tháng hiện tại1,428,387
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây